QUY TẮC VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGUYỄN TẤT THÀNH

Trường Đại học Nguyễn Tất Thành có nhiều cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh, một thành phố trẻ, năng động, sáng tạo và là trung tâm kinh tế tài chính của cả nước. Mặc dù với mật độ dân số khá cao, cùng với việc thành phố đang hứng chịu nhiều tác động từ biến đổi khí hậu, công dân tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã và đang có nhiều chương trình nhằm bảo vệ môi trường học tập và nghiên cứu của chúng tôi nói riêng, góp phần vào bảo vệ môi trường sống tại thành phố nói chung.

Tại những cơ sở nằm ở khu vực trung tâm như Quận 4, Nhà trường đã thay mảng xanh theo chiều ngang thành mảng xanh theo chiều dọc. Đây vừa là sự linh hoạt để đáp ứng với thực tế thiếu thốn về diện tích nhưng vẫn đảm bảo được mảng xanh trong trường.

Tại những cơ sở có diện tích tốt hơn như Quận 9, tại Khu Công nghệ cao Sài Gòn, Nhà trường đã tích cực trồng cây để phủ xanh diện tích. Ngoài ra, nhà trường cũng khuyến khích cán bộ công nhân viên của trường trồng cây trong phòng làm việc, vừa tăng tính thẩm mỹ vừa tạo không khí mát mẻ thoải mái khi làm việc.

Quy tắc về bảo vệ môi trường được liệt kê sau đây là một trong nhiều nỗ lực của Nhà trường, góp phần vào việc bảo vệ môi trường, tạo khoảng không gian xanh và trong lành cho tất cả những thành viên đang công tác, học và làm việc tại các cơ sở của Nhà trường.

MỤC ĐÍCH

Với mong muốn đem lại môi trường trong lành và khỏe mạnh cho tất cả những cá nhân làm việc và học tập tại cơ sở của Nhà trường, những quy tắc về bảo vệ môi trường còn hướng mọi người đến với một phong cách sống tiết kiệm, thân thiện với môi trường, cũng là những giá trị mà Trường Đại học Nguyễn Tất Thành muốn hướng đến. Những quy tắc này được thành lập dựa trên nghiên cứu về môi trường xung quanh, với mục đích gìn giữ môi trường cho những thế hệ tiếp theo. Nhà trường mong muốn phong cách thực hành tại trường sẽ dần thay đổi phong cách của mọi người khi làm việc tại bất cứ nơi nào trên Trái Đất thân yêu này của chúng ta.

PHẠM VI ÁP DỤNG

Những quy tắc về bảo vệ môi trường tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành được áp dụng cho tất cả mọi người hiện đang làm việc, học tập và nghiên cứu tại trường bao gồm toàn thể giảng viên, nhân viên, sinh viên và khách liên hệ công tác.

 

CÁC QUY TẮC

Các quy tắc về bảo vệ môi trường tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành được chia thành các nội dung về nguồn năng lượng, nguồn nước, hoạt động tái chế, và nỗ lực cải thiện tình hình giao thông.

Về nguồn năng lượng:

  • Các thiết bị sử dụng điện cần được tắt hoặc ngắt nguồn điện sau khi sử dụng xong;
  • Khi rời khỏi lớp học hoặc phòng làm việc sau một ngày, cần chủ động kiểm tra để tắt tất cả các thiết bị dùng điện, cúp cầu dao điện (áp dụng với những thiết bị không cần duy trì điện qua đêm);
  • Ưu tiên sử dụng các thiết bị có chức năng tiết kiệm điện;
  • Mở cửa sổ thay vì sử dụng máy điều hòa nhiệt độ vào mùa hè, kết hợp mở cửa sổ với trồng cây xanh trong văn phòng;
  • Ưu tiên sử dụng ánh sáng tự nhiên trong xây dựng và thiết kế nội thất văn phòng kết hợp với việc lắp đặt các cửa sổ lớn để tận dụng triệt để nguồn ánh sáng và gió tự nhiên;
  • Hướng đến sử dụng nguồn năng lượng có thể tái tạo.

Về nguồn nước

  • Giảm thiểu rác thải nhựa: khuyến khích mọi người sử dụng các loại đồ dùng đựng thức ăn như inox, thủy tinh, hạn chế các dụng cụ ăn uống sử dụng 1 lần như ống hút nhựa, chai nước nhựa, bao ni lông, v.v.
  • Không đổ dầu ăn trực tiếp vào đường nước thải: dầu mỡ được sử dụng nhiều lần sẽ rất khó phân hủy và có khả năng bám dính cao, vì vậy sẽ tạo thành nhiều mảng trong đường ống thoát nước, gây tắc nghẽn và khiến nguồn nước sinh hoạt có nguy cơ bị ô nhiễm nặng;
  • Hạn chế hóa chất tẩy rửa: khi vệ sinh các thiết bị trong phòng thí nghiệm hoặc những khu vực liên quan, ưu tiên dùng các chất tẩy rửa có nguồn gốc tự nhiên để tránh các hóa chất xâm nhập vào nguồn nước;
  • Ưu tiên lắp đặt và sử dụng các thiết bị có chức năng tiết kiệm nước như vòi rửa tay cảm ứng, toilet có 2 bồn nước (ít và nhiều), vòi sen phun mạnh tiết kiệm nước, v.v.
  • Không vứt tàn thuốc lá vào bồn cầu để tránh gây tắc nghẽn ống thoát nước và tránh tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi do nhiều thành phần trong thuốc lá không thể phân hủy được trong nước;
  • Hạn chế dùng thuốc trừ sâu khi chăm sóc cây cối: tránh việc thẩm thấu các hóa chất vào nguồn nước ngầm, gây nên tình trạng ô nhiễm cho nguồn nước;
  • Nghiên cứu các phương án tận dụng nguồn nước mưa để tưới cây;
  • Thường xuyên dọn dẹp rác và nơi tập kết rác: hạn chế chất thải lỏng từ rác ngấm vào nguồn nước.

Hoạt động tái chế

  • Giảm thiểu rác thải nhựa trong văn phòng: hạn chế sử dụng băng rôn, dụng cụ ăn uống bằng nhựa sử dụng 1 lần;
  • Tích cực tái chế rác thải bằng cách phân loại rác thải tại nguồn;
  • Khuyến khích sử dụng túi vải thay cho túi ni lông, bình giữ nhiệt thay cho chai nước nhựa dùng 1 lần hoặc ly nhựa dùng 1 lần;
  • Tiết kiệm giấy in, ưu tiên in bằng giấy 1 mặt cho các văn bản chỉ dùng để đọc, tham khảo; dùng giấy 1 mặt trong ghi chép cá nhân;
  • Hạn chế những văn phòng phẩm không cần thiết và ưu tiên sử dụng văn phòng phẩm bằng giấy thay cho cặp nhựa, bìa nhựa;
  • Ưu tiên đóng gói bằng vật liệu có thể tái chế được;
  • Tích cực triển khai các hoạt động tái chế với quy mô toàn trường, các chương trình đổi rác lấy cây xanh, vv.

Nỗ lực cải thiện tình hình giao thông

  • Khuyến khích cán bộ, giảng viên, nhân viên và sinh viên sử dụng các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, xe đạp;
  • Khuyến khích mọi người sử dụng phương tiện giao thông bằng điện thay cho bằng xăng hoặc dầu;
  • Đối với các cơ sở nằm tại trung tâm thành phố, khuyến khích sinh viên thực hiện theo hướng dẫn giao thông của nhân viên bảo vệ để giảm thiểu tình trạng kẹt xe vào giờ tan trường;
  • Nhà trường làm việc với địa phương để xây dựng thêm những trạm xe buýt gần các cơ sở của nhà trường, nhằm khuyến khích sinh viên và nhân viên sử dụng phương tiện công cộng.