Hãy nói không với túi nylon

Mất bao lâu để một bao nylon phân hủy trong môi trường tự nhiên?

Câu trả lời là từ 500 năm đến 1.000 năm! Một con số gây bất ngờ cho khá nhiều người bởi lẽ họ chưa bao giờ nghĩ đến. Trong thực tế, do việc phân loại rác chưa được phổ biến và chưa được áp dụng một cách triệt để, nên những chiếc nylon lẫn trong rác thải hữu cơ sinh hoạt hằng ngày sẽ được thu gom cùng nhau và chúng sẽ đi về đâu?

  • Nếu chúng được vận chuyển đến nhà máy xử lý thì mọi chuyện tương đối ổn. Rác đầu vào được đưa vào băng chuyền sau đó chia làm 2 phần vật chất: Phần vật chất thứ nhất: gồm rác hữu cơ mô mềm và nước; Phần vật chất thứ hai: được đưa vào hầm biogas gồm có đất, cát, sắt, nylon,… chúng sẽ được ép và tổng hơp sản phẩm cuối cùng là điện năng.
  • Nếu xử lý bao nylon bằng phương pháp đốt thì rất không ổn vì bao nylon chứa 2 chất PE và PP, khi đốt sẽ tạo thành khí cacbonic, mê tan và khí dioxin cực độc, gây ô nhiễm môi trường và sức khỏe con người.
  • Trong thực tế, hiện nay ở nước ta vẫn còn sử dụng phương pháp cũ. Rác thải sẽ được chôn lấp dưới lòng đất. Sau hơn 500 năm, do không bị tác động của ánh sáng mặt trời, chúng mới bắt đầu phân hủy. Và các bạn có biết không, trong khoảng thời gian đó chúng đã cản trở sự lưu thông nguồn nước và sự phát triển của cây xanh. Ngoài ra, chúng còn tạo điều kiện cho các vi sinh vật, vi khuẩn phát triển. Chưa tính đến trường hợp rác thải có lẫn nylon bị thải phi pháp ở các con kênh, dòng sông và nơi trú ẩn cuối cùng là đại dương. Những bao nylon sẽ trôi lềnh bềnh trên mặt biển, đến 500 năm sau mới bị phân hủy.

Hình ảnh rác vứt đầy trên bãi biển dễ dàng bắt gặp bất cứ nơi đâu trên mảnh đất hình chữ S!

Bên cạnh đó, việc dùng bao nylon đựng thức ăn nóng sẽ sinh ra nhiều chất độc hại cho cơ thể. Bao nylon nhuộm màu xanh, đỏ… chứa các kim loại như chì, cadimi… nếu đựng thực phẩm đã chế biến sẽ gây hại cho sức khỏe con người.

Hiện nay, với trình độ phát triển của khoa học kĩ thuật, “Bao nylon tự phân hủy sinh học” đã được tạo ra, với tinh bột sắn (chiếm 35-40%) và nhựa phân hủy sinh học là hai nguyên liệu chính do các nhà khoa học tại ĐH Khoa học Hà Nội nghiên cứu thành công.

Bao nylon truyền thống bán trên thị trường có thành phần hoàn toàn là các hạt vi nhựa cùng các thành phẩm tạo màu, tạo độ dai, độ dẻo… Bao nylon phân hủy sinh học, ngoài các hạt vi nhựa còn có thêm thành phần khác như chất phụ gia phân hủy, hay một số thành phần tự nhiên như bột ngô, bột sắn, bột mì…. được cho thêm chất phụ gia để đẩy nhanh quá trình phân rã. Theo thông tin từ các nhà sản xuất, loại bao này có thể phân rã trong thời gian từ 6 tháng đến 2 năm tùy theo điều kiện môi trường. Nhưng nếu tốt hơn nữa thì chúng ta nên sử dụng bao giấy vì đương nhiên nó sẽ tự phân hủy và tốt cho môi trường gấp hàng trăm ngàn lần bao nylon – thứ vừa độc hại vừa khó phân hủy.

Còn một loại công nghệ khác, đó là “bao nylon Eco Bag” do Avani – startup, đến từ Indonesia, sáng chế. Bạn nghĩ sao nếu có một loại bao nylon có thể phân hủy trong nước và uống được?  Điều đó sẽ giúp cho những chú cá của chúng ta không phải ăn phải bao nylon nữa và sẽ có một môi trường sống tốt hơn nhỉ! Thậm chí khi chúng phân hủy dưới đất, nơi đó còn có thể trồng cây. Tuy nhiên giá thành của chúng cũng cao hơn bình thường khá nhiều đấy.

Các cơ quan đoàn thể luôn vận động bà con đừng xả rác và thường xuyên cùng nhau thực hiện “Ngày Chủ nhật xanh”

Thật tốt khi xã hội công nghệ ngày một phát triển, mang lại một cuộc sống tiện nghi hơn cho loài người. Nhưng đừng vì điều đó mà gây tác hại đến môi trường sống. Tệ hại hơn, chính con người cũng đang chịu chung số phận vì không biết về các tác hại vô hình của nylon.

Vì vậy, nếu không thể sử dụng những loại bao mang tính thân thiện với môi trường, tại sao chúng ta không hạn chế tối đa việc sử dụng nylon để góp phần cải thiện cũng như xây dựng môi trường ngày càng tốt đẹp hơn?

Tại sự kiện do Tổng lãnh sự quán Mỹ tổ chức ngày 19-4-2018 tại TP. HCM, bà Quách Thị Xuân – Giám đốc Trung tâm Tư vấn Phát triển Bền vững Đà Nẵng – cho biết trung bình mỗi người Việt Nam thải ra 1,2kg rác.

Nếu làm tròn dân số Việt Nam là 100 triệu người thì số lượng rác thải là 120.000 tấn mỗi ngày. Trong số đó 16% là rác thải nhựa, vị chi mỗi ngày sẽ có gần 19.000 tấn rác thải nhựa được thải ra ở Việt Nam.

Còn nếu tính dân số Việt Nam là 93,7 triệu người (theo thống kê 2017 của Tổng cục Dân số – kế hoạch hóa gia đình – Bộ Y tế), thì lượng rác thải nhựa thải ra là gần 18.000 tấn.

Thông tin Việt Nam nằm trong top 5 thế giới về số lượng rác thải nhựa ra đại dương (với 1,8 triệu tấn/năm) cũng được nhắc đi nhắc lại như lời kêu gọi một sự nỗ lực chung nhằm cải thiện tình hình. (Nguồn: TTO)

Đại học Nguyễn Tất Thành

Ảnh: Internet

Tin tức khácXem thêm