Ngành Y tế và sức khỏe phụ nữ Việt Nam

NTTUVừa qua, tại phiên đối thoại “Phụ nữ và các vấn đề an sinh xã hội, bình đẳng giới” trong Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với Phụ nữ Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết từ năm 2026 sẽ có vaccine tiêm phòng ung thư cổ tử cung miễn phí cho trẻ em

Vai trò người phụ nữ Việt Nam được khắc hoạ qua các tác phẩm văn học là “chăm việc nước đảm việc nhà”, thời chiến tranh thì “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Đến ngày nay khi chúng ta đang sống trong thời bình (bình nghĩa là không chiến tranh mà còn có nghĩa là bình đẳng giới), phụ nữ có thể làm tất cả mọi việc và có thể làm ở mọi vị trí, nắm giữ các vai trò quan trọng tại các tổ chức, công ty, tập đoàn… Tuy nhiên, sức khỏe và thể trạng của người phụ nữ – theo quy luật tự nhiên, lại yếu hơn người đàn ông và dễ mắc một số bệnh chuyên biệt. Do đó cần phải có chính sách ưu tiên cho việc chăm sóc sức khỏe người phụ nữ Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, nếu có sức khỏe tốt thì chúng ta mới đạt được các mục tiêu phát triển về phụ nữ, sức khỏe là vốn quý nhất của con người. Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ rất quan tâm tới vấn đề chăm sóc sức khỏe cho nhân dân với nhiều chính sách được ban hành tập trung cho mục tiêu này. Trong đó có nhiều chính sách ưu tiên chăm sóc sức khoẻ cho phụ nữ và trẻ em gái. Nghị quyết số 18/2008/QH12 của Quốc hội cũng đã rất quan tâm đến chính sách y tế dự phòng, dành ít nhất 30% chính sách về y tế cho lĩnh vực này và phòng bệnh vẫn là mục tiêu cần phải tập trung. Khi chúng ta thực hiện công tác phòng bệnh tốt thì những chi phí liên quan đến khám, chữa bệnh điều trị sẽ rẻ hơn rất nhiều, đồng thời có giải pháp ngay từ đầu.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng cho biết, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 104/NQ-CP liên quan đến việc bổ sung tiêm chủng mở rộng và xác định từ năm 2026 sẽ có vaccine tiêm phòng ung thư cổ tử cung miễn phí cho trẻ em gái. Nguồn ngân sách để thực hiện việc này rất lớn, thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ của Chính phủ dành cho việc chăm sóc phụ nữ và trẻ em gái.

Bên cạnh đó, BHYT sẽ chi trả cho khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, chăm sóc thai sản định kỳ và sinh con. Để mở rộng hơn nữa phạm vi của BHYT, hiện nay Chính phủ đang giao cho Bộ Y tế nghiên cứu, sửa đổi Luật BHYT để mở rộng hơn phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT, trong đó hướng tới sàng lọc bệnh, tăng cường đối tượng, mở rộng phạm vi các chi phí sàng lọc sớm một số bệnh ung thư liên quan đến phụ nữ (như ung thư vú, ung thư cổ tử cung…) không thuộc phạm vi chi trả của bảo hiểm y tế (BHYT). Nếu được khám, tầm soát sớm, có thể sẽ giúp quá trình điều trị cũng như giảm thiểu các chi phí cho bệnh nhân ung thư.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu đại diện cho các bộ, ngành, tổ chức Hội tham gia đối thoại với Phụ nữ

Cũng nằm trong chiến dịch chăm sóc sức khỏe phụ nữ, hồi tháng 10 vừa qua tại Hà Nội, Quỹ Ngày mai tươi sáng đã phát động chiến dịch truyền thông, khám sàng lọc và phát hiện sớm ung thư vú Chung tay vì người phụ nữ tôi yêu năm 2022 với sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên.

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết: “Ung thư vú là bệnh ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Theo thống kê của ghi nhận ung thư năm 2020, mỗi năm cả nước có 21.555 ca mắc mới ung thư vú chiếm 25.8 % tổng số các loại bệnh ung thư ở nữ giới. Đáng lo ngại hơn, tại Việt Nam hiện nay, độ tuổi mắc ung thư vú đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Hơn nữa, do yếu tố tâm lý nên nhiều phụ nữ còn e ngại, trì hoãn việc khám sàng lọc để được phát hiện sớm ung thư vú”. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng kêu gọi cộng đồng cùng chung tay đẩy lùi ung thư vú; các doanh nghiệp, tổ chức cần đưa chương trình sàng lọc ung thư nói chung và ung thư vú nói riêng đối với phụ nữ bước sang tuổi 40 vào chương trình khám sức khỏe định kỳ để hướng tới một Việt Nam khỏe mạnh, không còn ai tử vong vì ung thư vú.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên kêu gọi cộng đồng cùng chung tay đẩy lùi ung thư vú

Việc tầm soát phát hiện sớm ung thư vú có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nếu được phát hiện sớm, tỉ lệ chữa khỏi có thể lên đến 90%, cùng với đó chi phí và hiệu quả điều trị cũng thuận lợi hơn. Theo số liệu của Bệnh viện K, những năm gần đây tỷ lệ khám phát hiện ung thư vú giai đoạn sớm (giai đoạn 0, 1, 2) đã đạt trên 70% và tỷ lệ chữa khỏi ung thư vú cũng đã đạt 70% ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới.

Từ nay đến 20/11/2022, chương trình khám sàng lọc miễn phí ung thư vú (gồm khám lâm sàng, siêu âm vú cho 100% phụ nữ tới khám và chụp nhũ ảnh các trường hợp nghi ngờ ác tính) được Quỹ triển khai cho 3.400 phụ nữ tại 5 bệnh viện trên toàn quốc gồm: Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh…

Lễ phát động chiến dịch truyền thông, khám sàng lọc và phát hiện sớm ung thư vú “Chung tay vì người phụ nữ tôi yêu” năm 2022

Như vậy, vai trò của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội ngày nay luôn được chú trọng và sức khoẻ người phụ nữ Việt Nam cũng được Bộ Y tế, Chính phủ quan tâm đặc biệt, dành những chính sách ưu tiên. Đáp lại những ưu ái của Nhà nước dành cho mình, người phụ nữ Việt Nam phải sử dụng các quyền lợi này một cách thông minh, biết chú trọng đến việc tiêm vaccine dự phòng, chủ động khám sàng lọc phát hiện sớm bệnh ung thư nhằm giảm thiểu thời gian điều trị, giảm nhẹ các rủi ro về kinh tế, sức khỏe.

ThS. Từ Minh Thành – Khoa KTXNYH (Tổng hợp)

Tin tức khácXem thêm