Vì sao phải bảo vệ môi trường biển?

NTTU – Việt Nam có hơn 1 triệu km2 diện tích mặt nước biển, gấp 3 lần diện tích đất liền; có bờ biển dài 3.260km; hơn 2.770 đảo ven bờ cùng hàng loạt các bãi tắm đẹp từ Bắc vào Nam. Các vùng ven biển hằng năm thu hút khoảng 70% số lượng khách quốc tế và 50% khách nội địa, mang lại 70% doanh thu cho ngành du lịch cả nước.

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, biển có vai trò, vị trí rất quan trọng, gắn bó mật thiết và ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của nước ta.

Nhưng hiện nay, môi trường biển nước ta bị ô nhiễm lên đến mức báo động. Vấn đề này có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau. Hàng ngày con người đã thải ra một lượng rác rất lớn và gây ảnh hưởng đến sự bình yên của biển cả. Hệ thống xử lý nước thải chưa được đầu tư đồng bộ, cho nên nguồn nước thải tại các khu vực này chủ yếu được xả thẳng ra đại dương; du khách xả rác bừa bãi trên các bãi tắm; rác thải chỉ xử lý bằng phương pháp chôn lấp; các tổ chức, cá nhân kinh doanh tại các khu du lịch biển lơ là trong công tác vệ sinh môi trường… Sau tất cả, chúng ta đang biến biển cả thành thùng rác khổng lồ.

Sinh viên Đại học Nguyễn Tất Thành tham gia làm sạch môi trường tại Khu du lịch Đá Vàng, Bình Thuận

Không chỉ riêng Việt Nam, vấn đề khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường biển ở nhiều khu vực, quốc gia đang đứng trước những thách thức. Nhiều nguồn tài nguyên bị khai thác cạn kiệt, môi trường biển nhiều nơi bị ô nhiễm đến mức báo động đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng, cản trở sự phát triển kinh tế – xã hội của nhiều quốc gia.

Biển có ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sinh tồn của loài người. Bảo vệ biển là bảo vệ môi trường chung của nhân loại, tức là bảo vệ tương lai của loài người. Chính vì thế, trong đợt Hội trại truyền thống NTTU 2019 với chủ đề “Tự hào tuổi 20” nhân kỉ niệm 88 năm thành lập Đoàn TNCS HCM, sinh viên Đại học Nguyễn Tất Thành đã cùng chung tay thực hiện một công việc vô cùng văn minh đó là dọn rác ở Khu du lịch Đá Vàng tỉnh Bình Thuận.

Hành động đã cũng tạo được sức lan tỏa sâu rộng, khi quy tụ được đông đảo đoàn viên, thanh niên; thu hút được sự quan tâm, hưởng ứng của cấp ủy, chính quyền và đặc biệt là cộng đồng dân cư sinh sống tại khu vực ven biển.

Không chỉ dừng lại ở số rác được thu gom hay số lượt người tham gia mà hiệu quả của hành động được nhìn thấy bằng hình ảnh những bãi biển xanh, sạch thay vì ngập trong rác thải. Điển hình, Bình Thuận vốn nổi tiếng với những bãi biển trải dài thơ mộng, là điểm đến hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế, nhưng những năm gần đây lại đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường, chủ yếu là do rác thải sinh hoạt của người dân, của khách du lịch sau mỗi kì nghỉ lễ.

Nhận thức được bảo vệ môi trường là nhiệm vụ cấp bách, Đoàn viên, sinh viên trường Đại học Nguyễn Tất Thành, đã chung tay giữ gìn, bảo vệ môi trường, cũng như giúp sinh viên Trường ngày càng nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh…

Nào, chúng ta hãy cùng chung tay làm sạch biển trong khả năng của mình bạn nhé!

Đại học Nguyễn Tất Thành

Ảnh: NTTU và Internet

Tin tức khácXem thêm