Cuộc thi viết “Tri ân người thắp lửa” – Tác giả Dương Võ Trường An – 21DLK1C

Ngạn ngữ Nga có một câu rất hay như thế này: “Bộ lông làm đẹp con công, học vấn làm đẹp con người”. Vẻ đẹp tri thức là vẻ đẹp song hành, cũng là vẻ đẹp thách thức cả thời gian. Nếu nói vẻ đẹp tri thức là một kiệt tác nghệ thuật thì những người tạo ra vẻ đẹp ấy chính là những nghệ nhân xuất sắc. Dù bạn là ai, kiến thức của bạn dù tiếp thu từ trường học hay “trường đời”, thì ít nhất rằng trong cuộc đời của mỗi người đều sẽ có cho mình một người cha không cùng dòng máu, một người mẹ không mang nặng đẻ đau. Họ chính là những người thầy, người cô, là người thắp lửa thắp sáng tương lai. Bạn là vậy, và tôi cũng không ngoại lệ. Nhiều người nói rằng quãng đời sinh viên thật đáng nhớ! Nhưng phần nhiều là những kỷ niệm với bạn bè, với thầy cô thì có phần ít hơn. “Giảng viên đại học có tận tâm, nhưng ít quan tâm”, tôi đã nghe rất nhiều những lời như thế. Bởi môi trường đại học khá rộng, một lớp cũng đâu đó sáu mươi, bảy mươi sinh viên, giảng viên khó mà lưu tâm được từng bạn như cấp tiểu học hay trung học. Mang theo tâm thế đó vào “ngôi nhà chung” Đại học Nguyễn Tất Thành, tôi hơi bỡ ngỡ. Có vẻ không như mọi người đã nói. Giảng viên có ít quan tâm đâu nhỉ? Rất tận tình và nhiệt huyết đó chứ. Ba năm gắn bó với trường, tôi đã học hỏi được rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng cũng như nhiều điều thú vị khác từ nhiều thầy cô khác nhau. Bản thân cũng là một người khá thụ động và nhút nhát trong lớp. Hẳn là thầy cô sẽ không mấy ấn tượng gì nhiều với một đứa như tôi. Nhưng với mỗi giảng viên, tôi đều có một ấn tượng nhất định. Nói đúng hơn, với tôi đó là một kỷ niệm riêng. Nói đến ba từ “Người mẹ hiền” phần đông có lẽ sẽ nghĩ đến người cô nào đó, nhưng trong đầu tôi ngay lập tức nảy số nhớ đến một người thầy đáng kính, và không ai khác chính là thầy Chu Hải Thanh.

Rõ là thầy nhưng lại gọi là “Người mẹ hiền”, nghe có vẻ hơi không đúng cho lắm, nhưng chuyện gì cũng có cái lý của nó. Học đến năm thứ ba thì tôi cũng may mắn gặp thầy hai lần với Luật Dân sự và Luật Tố tụng Dân sự. Thường thì người ta hay nói những người học luật, mà đặc biệt là nam thì rất là khô khan. Và đúng thế thật! Nhưng thầy cũng rất ấm áp và hiền từ. “Các em có hiểu không?” luôn xuất hiện trong mỗi tiết học của chúng tôi. Xen kẽ với những lý thuyết sách vở sẵn có, thầy luôn kể cho chúng tôi nghe về những điều hay ho về ngành luật mà chúng tôi đang theo học hay những câu chuyện đúc kết từ trải nghiệm của chính thầy khi theo nghề. Với tôi và các bạn, đó không đơn thuần là câu chuyện kỷ niệm của thầy, mà còn là bài học kinh nghiệm chúng tôi có thể học hỏi để ứng biến sau này khi hành nghề. Và ngoài những giây phút hiền dịu đó, thì đôi lúc thầy vẫn rầy la khi lớp không tập trung vào bài giảng hay điểm kiểm tra không được như mong đợi. Nên tôi mới nói thầy như “Người mẹ hiền”, có sự ấm áp, bao dung nhưng cũng có sự nghiêm khắc như người mẹ khi con ngoan thì cưng nựng yêu thương cho quà cho bánh, còn khi con hư thì cứ roi mây mà thẳng tiến. Chỉ khác một điều là thầy chỉ rầy chứ không đánh. Một câu nói của thầy khi rầy lớp làm tôi canh cánh. “Các em đóng tiền mà lên lớp không tập trung học, chỉ bấm điện thoại với ngủ rồi đợi giờ điểm danh đối phó thầy cô chính là các em đang chơi bời trên mồ hôi và nước mắt của cha mẹ mình. Cha mẹ dầm mưa dãi nắng là để các em lên lớp để ngủ hay sao?”. Thầy nói rất đúng! Và một người thầy nếu không có tâm, không có tầm thì có quan tâm rồi tốn hơi tốn sức nói những lời này hay không. Đó là lý do mà tôi rất quý thầy.

Với lớp thì là thế, nhưng với tôi, tôi có một kỷ niệm khá ngô nghê với thầy như này. Trong một tiết học, tôi vô tình đi trễ và xuống ngồi bàn cuối, đến giờ điểm danh thầy có đủng đỉnh một câu như thế này: “Tên thì đứng đầu tiên mà người thì suốt ngày ngồi cuối thôi, tên đứng đầu thì người làm gì cũng phải xếp đầu chứ”. Chả là tôi tên An, từ lúc cắp sách vào lớp một đến bây giờ, trong danh sách lớp tên tôi luôn ngự tại vị trí đầu bảng, nên thầy đã nói vui như thế. Nhưng tôi đã suy nghĩ và nhớ câu này mãi. Bố mẹ đã cất công đặt một cái tên đẹp đến thế, bản thân phải nỗ lực làm sao để xứng với kỳ vọng bố mẹ đã đặt vào đấy chứ. Tên mình đã đầu bảng, dù không đứng nhất thì chí ít cũng đừng về chót. Bởi mới nói có những câu nói truyền động lực hay dã man nhưng nghe tai này lại lọt sang tai kia, nhưng lại có những câu nói bâng quơ nhưng lại cho mình những động lực khủng khiếp dù ý nghĩa của câu nói đó lại thấy có vẻ hơi buồn cười. Và ngoài câu nói truyền động lực, chính thầy cũng là một động lực đối với tôi. Với những thành công mà thầy gặt hái được, tôi cũng khao khát được như thế, tôi cũng muốn được thành công, giỏi giang, được nhiều người yêu quý và tôn kính như thầy. Và tôi cũng tin rằng mình sẽ làm được. Thầy đã làm được rồi cơ mà, thầy cũng đã truyền đạt lại cho chúng tôi kiến thức và kinh nghiệm của thầy, chả lẽ tôi lại không được sao? Đến đây thì có vẻ hơi dài rồi, kỷ niệm thì ít mà tâm tình của tôi hình như đã quá lê thê.

Trước khi dừng bút tôi cũng muốn gửi lời cảm ơn đến trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã phát động cuộc thi viết “Tri ân người thắp lửa” vô cùng ý nghĩa và tạo cơ hội cho toàn thể các bạn sinh viên của trường có một sân chơi và cơ hội bày tỏ tâm tình cũng như lòng biết ơn của mình đến tập thể cán bộ công nhân viên trường ĐH Nguyễn Tất Thành. Nhân đây em cũng xin chúc thầy Chu Hải Thanh và toàn bộ giảng viên trường ĐH Nguyễn Tất Thành nói chung cũng như những người thầy, người cô mang trên mình sứ mệnh trồng người một Ngày Nhà giáo Việt Nam hạnh phúc bên gia đình và vui vẻ bên học trò của mình, và cũng chúc các thầy cô luôn dồi dào sức khỏe và luôn sẵn sàng hoàn thành sứ mệnh trồng người cao cả.

Em xin cảm ơn!

Tác giả: Dương Võ Trường An

Mã số sinh viên: 2100008392

Lớp: 21DLK1C

NTTU mời bạn tham gia bình chọn cho tác phẩm dự thi tại đường link sau: https://www.facebook.com/photo/?fbid=666444892294265&set=pcb.666445138960907

Tin tức khácXem thêm