Sinh viên nhà NTTU đến gần hơn với nghệ thuật truyền thống Hát bội: Nghĩ về hát bội – thêm yêu truyền thống

NTTU – Hát bội là loại hình nghệ thuật sân khấu xuất hiện ở nước ta vào thế kỷ XIII và phát triển đỉnh cao vào thời Tự Đức (1848 – 1883). Cùng với cải lương và đờn ca tài tử, Hát bội đã trở thành “đặc sản” ở các lễ hội của người dân Nam bộ xưa

Vào tối ngày 14/3/2024 Đoàn – Hội Sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành phối hợp cùng với Nhà Văn hóa Sinh viên; Nhà hát nghệ thuật Hát Bội thành phố phối hợp tổ chức chương trình Âm nhạc dân tộc học đường với chủ đề “Nghệ thuật Hát bội”.

Việc vẽ mặt nhân vật trong hát bội không như hóa trang phấn son đơn giản, mà màu sắc thường rất sặc sỡ như đỏ tươi, đen sậm, trắng bạch… nói lên tánh tình của nhân vật. Tất cả cũng phải theo nguyên tắc tượng trưng của hát bội. Nó là một quy ước giữa sân khấu hát bội và khán giả, để mọi người hiểu rằng nhân vật đó thuộc loại người nào

Chương trình có sự góp mặt của NSƯT Linh Hiền – Phó Trưởng phòng Nghệ thuật Nhà hát Nghệ thuật hát Bội Thành phố Hồ Chí Minh; NSND Hữu Danh; Nghệ sĩ Nguyễn Thanh Bình – Phó trưởng Phòng Tổ chức biểu diễn cùng đoàn nghệ thuật của Nhà hát. Hoạt động này nhằm giúp các bạn sinh viên nhà NTTU có được cái nhìn sinh động hơn loại hình văn hóa truyền thống của Việt Nam.

NSND Hữu Danh – người học trò đáng tin cậy, tiếp nối con đường của “Vua hát bội” NSND Đinh Bằng Phi chia sẻ kiến thức về nghệ thuật Hát bội đến các bạn sinh viên

Về phía Nhà Văn hóa Sinh viên Tp.HCM có sự hiện diện của Anh Vòng Trong Minh – Trưởng Phòng Văn hóa Nghệ thuật, Nhà Văn hóa sinh viên TP.

Về phía Đoàn TN – Hội SV trường Đại học Nguyễn Tất Thành có: ThS. Nguyễn Thị Thu Thảo – Phó Trưởng Phòng TT Phòng CTSV, Bí thư Đoàn trường; Đ/c Nguyễn Mai Thanh Trúc – Phó Bí thư Đoàn trường và Đ/c Nguyễn Diễm Quỳnh Nhi – Phó Chủ tịch Hội Sinh viên trường.

Tiết mục mở màn “Nhật Nguyệt Bát Thiên Vương”

Mở đầu chương trình, các bạn sinh viên NTTU được thưởng thức tiết mục “Nhật Nguyện Bát Thiên Vương”. Đây là một điệu múa phỏng theo nghi thức cúng tế trời đất của vua chúa ngày xưa, cầu cho mưa thuận gió hoà, đất nước thái bình. Với sự kết hợp diễn xuất, âm nhạc, hóa trang, sân khấu nhà NTTU đã trở thành một không gian văn hóa mang đậm chất truyền thống.

Diễn giả, NSND Hữu Danh đã chia sẻ thêm: “Đây là điệu múa thiên về vũ trụ quan. Có thể thấy hai nghệ sĩ ở giữa cầm hai hình tròn, người nam đại diện cho mặt trời – tính dương và người nữ đại diện cho mặt trăng – tính âm. Còn bốn anh kép đầu đội kim khôi tượng trưng cho bốn phương Đông – Tây – Nam – Bắc và bốn cô đào đầu đội lông trĩ tượng trưng cho bốn mùa hoa nở Xuân – Hạ – Thu – Đông”.

Trích đoạn lịch sử “Anh hùng Trần Bình Trọng” và “Tạ Ôn Đình chém Khương Linh Tá” lần lượt được các nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu nhà NTTU

Các nhạc công với nhạc cụ truyền thống góp phần thành công cho tuồng diễn

Tại buổi biểu diễn, thầy cô cùng sinh viên NTTU còn được giới thiệu về nguồn gốc, xuất xứ, quá trình hình thành và phát triển của loại hình nghệ thuật Hát Bội qua những chia sẻ của diễn giả, NSND Hữu Danh. Ngày nay, tuy rằng các đoàn diễn không còn sáng đèn thường xuyên tại các rạp như thời hoàng kim nhưng Hát Bội vẫn đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động văn hoá cộng đồng tại vùng đất Nam bộ. Hát Bội còn được xem là một loại hình nghệ thuật mang đậm giá trị và màu sắc tâm linh, không xa lạ với những ai đã từng tham gia lễ hội Kỳ Yên tại các đình miễu địa phương và tục hát chầu để nghinh cúng thần linh trong lễ hội. Người hát bội tập hợp thành những gánh hát rày mai đây mai đó đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa của người dân, nhiều khán giả vì say mê mà đi theo đào, kép, nên mới có câu “Hát bội làm tội người ta/Đàn ông bỏ vợ, đàn bà bỏ con”. Đây cũng là thời kỳ vàng son của loại hình nghệ thuật này.

NSND Hữu Danh “thị phạm” những động tác vũ đạo, thử giọng thoại, giọng cười trên sân khấu hát bội cơ bản ngay trên sâu khấu và mời một vài bạn sinh viên tham gia trải nghiệm

Với những trang phục, đạo cụ và các trích đoạn được các nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM thể hiện, NSND Hữu Danh đã chia sẻ chi tiết về quy tắc ước lệ, tượng trưng trong nghệ thuật hát bội – từ cách mô phỏng động tác đời thực thành vũ đạo trên sân khấu, cách vẽ mặt và phục trang đặc trưng cho từng kiểu nhân vật (trung, nịnh, lão,…),… Vũ đạo của hát bội là sự kết hợp giữa võ thuật và múa dân gian, vừa có sức mạnh vừa có sự mềm mại, uyển chuyển và đòi hỏi người nghệ sĩ phải mất nhiều năm luyện tập mới có thể biểu diễn thành thục.

Điểm đặc biệt nhất thu hút sự chú ý của đông đảo sinh viên là phần giao lưu với NSND Hữu Danh. Dưới sự hướng dẫn của nghệ sĩ, mọi thắc mắc của các bạn sinh viên về bộ môn nghệ thuật truyền thống này đều được giải đáp và NSND Hữu Danh cũng đích thân “thị phạm” những động tác vũ đạo cơ bản ngay trên sân khấu cùng các sinh viên nhà NTTU.

Sinh viên bày tỏ sự thích thú và tích cực tương tác cùng các nghệ sĩ

Khép lại buổi biểu diễn là trích đoạn lịch sử “Anh hùng Trần Bình Trọng” và “Tạ Ôn Đình chém Khương Linh Tá” với sự tham gia của các nghệ sĩ cùng nam nữ diễn viên của Nhà Hát Bội TP.HCM. Trích đoạn hào hùng biểu cảm đã đẩy cảm xúc của khán phòng lên cao, khép lại một đêm diễn và giao lưu, tìm hiểu nghệ thuật dân tộc vô cùng lý thú.

Thế hệ trẻ có vai trò vô cùng quan trọng trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc nói riêng và các giá trị di sản của đất nước nói chung. Chính vì thế, cần “đánh thức” tình yêu âm nhạc truyền thống ở các bạn trẻ bằng cách ươm mầm cảm thụ, tạo được sự trân trọng và ý thức gìn giữ

Có thể khẳng định, chương trình đã tạo được sự tương tác tốt đến các bạn sinh viên, giúp các bạn tăng thêm hứng thú tìm hiểu bộ môn nghệ thuật ấn tượng này.. Từ đó, NTTUers đã có cái nhìn sâu rộng về âm nhạc dân tộc, làm dậy lên tinh thần yêu mến, giữ gìn và tiếp nối những giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam.

Nội dung: Cẩm Thạch

Hình ảnh: Media

Tin tức khácXem thêm