NTTU STARTUP: Cùng nghe những dự án khởi nghiệp kể chuyện – Kỳ 5

NTTU – “Cách đây vài phút, các bạn đã nói với tôi rằng: Thầy ơi, em vẫn muốn đi theo Thầy làm sao để dự án này ra được sản phẩm, bán được trên thị trường thì đấy là kết quả cuối cùng” – Đây là những lời chân thật nhất mà TS. Trần Quý (Mentor hướng dẫn dự án) chia sẻ với NTTU ngay sau lễ Vinh danh các dự án đạt giải trong Cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp 2023.

Dự án “Ứng dụng ruồi lính đen vào nền nông nghiệp tuần hoàn – Fly Bio” vẫn đang đi trên hành trình chinh phục giấc mơ của mình với nhiều mục tiêu lớn. Đánh giá cao về tinh thần và ý tưởng khởi nghiệp của nhóm bạn Biện Công Đoàn, Trần Tuấn Kiệt, Nguyễn Minh Duy, TS. Trần Quý – Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam, mentor của dự án đã chia sẻ với NTTU về khoảng thời gian cố vấn cũng như lời khuyên cho hành trình phía trước của dự án.

NTTU: TS. Trần Quý thân mến, hành trình mà ông đồng hành cùng nhóm dự án như thế nào? Có điều gì khiến ông tâm đắc trong suốt khoảng thời gian ấy không thưa ông?

TS. Trần Quý: Tôi đã dẫn dắt rất nhiều dự án khởi nghiệp, điều mà tôi nhận thấy rằng đại đa số các bạn trẻ đang chỉ chú tâm làm sao để dự án của mình chỉnh chu nhất trước mắt Ban giám khảo. Mục tiêu mà các bạn đang hướng đến chỉ là giải thưởng của cuộc thi mà không phải xa hơn là đưa dự án tiếp cận với các nhà đầu tư, tạo ra sản phẩm trên thực tế. Rất may mắn, dự án ruồi lính đen là một ví dụ đi ngược lại điều trên.

Khi chúng tôi bắt đầu dẫn dắt, các bạn vẫn rất là tập trung vào chuyện thuyết minh làm sao cho mô hình, ý tưởng đó hay trước Ban giám khảo. Nhưng khi chúng tôi đặt vấn đề với các bạn: Một là các bạn tập trung vào để nhận giải cho cuộc thi hoặc là các bạn có thể không có được giải nhưng dự án sẽ phát triển trên thực tế. Mỗi đội như thế chúng tôi luôn luôn gửi ra hai câu hỏi như vậy và những dự án có thể nói được câu trả lời giải thưởng chỉ là phụ và việc phát triển dự án ra thực tế mới là ưu tiên thì chúng tôi nhận lời hỗ trợ, dẫn dắt dự án đó.

Với Ruồi lính đen thì lựa chọn của các bạn là phát triển dự án này ra thực tế, tạo ra sản phẩm phục vụ cho người tiêu dùng. Chúng tôi đã nghiêm túc và hướng dẫn lại các bạn từ phân tích mô hình kinh doanh, các yếu tố thiếu và yếu tố thúc đẩy của dự án. Và tất nhiên, thông qua các vòng thi, Ban giám khảo cũng nhận ra được sự thay đổi, tính thực tế trong dự án này. Kết quả là dự án đã dành được giải Nhì của cuộc thi, đây chính là niềm vui, niềm tự hào không chỉ của riêng tôi.

“Cách đây vài phút, các bạn đã nói với tôi rằng: Thầy ơi, em vẫn muốn đi theo Thầy làm sao để dự án này ra được sản phẩm, bán được trên thị trường thì đấy là kết quả cuối cùng”, đây chính là điều mà tôi tâm đắc nhất khi dẫn dắt nhóm dự án này.

NTTU: Theo TS. Quý, để chuyển từ mô hình phòng thí nghiệm sang môi trường kinh doanh, dự án “Ứng dụng ruồi lính đen vào nền nông nghiệp tuần hoàn – Fly Bio” còn cần cải thiện những vấn đề gì thưa ông?

TS. Trần Quý: Thật ra trong quá trình trải quá nhiều vòng thi, các bạn đã chuẩn bị những việc cần phải thay đổi làm sao cho phù hợp. Yếu tố phòng thí nghiệm thì rất nhiều và đa dạng, tuy nhiên khi đưa ra thị trường thì yếu tố này còn phù hợp không thì chưa thể chắc chắn được. Do đó, trong quá trình thi các cuộc thi, các bạn đã tập trung vào các yếu tố thị trường và đưa ra những mô hình thí nghiệm thật. Do là mô hình thử nghiệm nên các chi phí, công sức và thời gian của các bạn không tính đến đến. Tuy nhiên, khi đưa ra sản xuất thì lúc đó sẽ mang tính cạnh tranh với thị trường rất cao. Chính vì thế, các bạn phải có được kiến thức về việc là lập rất nhiều kế hoạch như: Điều hành như thế nào? Sản phẩm của mình sao? Thương hiệu làm sao? Đóng gói như thế nào? …

Chúng tôi vẫn nói với các bạn rằng sản phẩm của các bạn hay cỡ nào hoặc có đạt giải đi nữa thì dự án đó cũng chỉ chiếm khoảng 20% – 25% yếu tố cần thôi. Còn 75% – 80% còn lại lệ thuộc vào những vấn đề khác là vấn đề về marketing, vấn đề về quản trị, vấn đề về quản lý giá cả, vấn đề về thương hiệu, vấn đề chính trị, … Hiện nay là các bạn đã bắt đầu có những sản phẩm mặc dù chưa có nhiều nhưng đã đưa ra một một số thị trường và được chấp nhận. Từ điều này, tôi hy vọng sắp tới thì khi mà các bạn nghiêm túc hơn trong việc viết lại các kế hoạch sản xuất kinh doanh thì nhiều yếu tố hơn sẽ được đưa vào đó.

NTTU: Có thể thấy, trong 3 dự án đạt giải lần này có đến 2 dự án đã thành lập công ty và kêu gọi góp vốn để thực hiện sản phẩm. Tuy nhiên, dự án ruồi lính đen vẫn nằm trên quy mô và dự án khởi nghiệp. Lý do là tại sao thưa TS. Trần Quý?

TS. Trần Quý: Thực ra việc thành lập công ty cổ phần hay là dự án hay là ở bất kỳ một quy mô nào đó đều không quan trọng bằng việc các bạn phải ngồi viết lại nghiêm túc kế hoạch của dự án. Đây chính là hành trang quan trọng nhất để các bạn có thể đi ra thương trường. Và đối với bản thân ruồi lính đen thì hay hơn ở chỗ, các bạn phải viết chuẩn các kế hoạch rồi tất cả các yếu tố thì các bạn mới lập công ty. Để làm sao để tránh việc là khi mà chúng ta hào hứng quá, chúng ta lập nên nhưng mà chúng ta không có dự phòng được những trắc trở, những vướng mắc phía trước. Đây chính là một trong những điểm mà rất là nhiều bạn khởi nghiệp mắc phải, tức là lập công ty xong vài tháng sau lại bỏ ngang hoặc là giải thể thì đó không nên. Đối với dự án này, chúng tôi muốn khi mà chúng tôi đã hướng dẫn thì mọi vấn đề phải chắc chắn, dù sao thì các bạn cũng là những người có tâm huyết. Nhưng mà kinh nghiệm chưa có đó thì chúng tôi là những người đi trước, chúng tôi đưa những kinh nghiệm đó, cộng với những kiến thức để mà hỗ trợ các bạn đưa được sản phẩm ra thị trường.

NTTU xin chân thành cảm ơn TS. Trần Quý – Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam, mentor của dự án đã dành thời gian chia sẻ với chúng tôi. Hy vọng rằng với những góp ý, lời khuyên mà TS. Trần Quý đưa ra sẽ là yếu tố góp phần vào sự thành công không chỉ của dự án “Ứng dụng ruồi lính đen vào nền nông nghiệp tuần hoàn – Fly Bio” mà còn là của tất cả các dự án khởi nghiệp mong muốn đưa sản phẩm ra thực tế, phục vụ người tiêu dùng.

Trong NTTU STARTUP kỳ tiếp theo, chúng ta sẽ cùng trò chuyện với một trong những dự án thành công và đã được chuyển giao khoa học một cách bài bản nhất tại trường ĐH Nguyễn Tất Thành. Hãy theo dõi NTTU STARTUP kỳ 6 để xem dự án này là gì nhé!

NTTU STARTUP: Cùng nghe những dự án khởi nghiệp kể chuyện – Kỳ 1

NTTU STARTUP: Cùng nghe những dự án khởi nghiệp kể chuyện – Kỳ 2

NTTU STARTUP: Cùng nghe những dự án khởi nghiệp kể chuyện – Kỳ 3

NTTU STARTUP: Cùng nghe những dự án khởi nghiệp kể chuyện – Kỳ 4

Tin tức khácXem thêm