Hội thảo Giáo dục khai phóng: Giải pháp đào tạo nguồn nhân lực cao phù hợp Cách mạng 4.0

Sáng ngày 21/7/2018, tại Hội trường Ngụy Như Kon Tum, 19 Lê Thánh Tông, Hoàn Kiếm, Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo “Giáo dục khai phóng: Giải pháp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp Cách mạng công nghiệp 4.0″. Hội thảo do Trường ĐH Việt Nhật thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội (VJU) và Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (NTTU) phối hợp tổ chức.

Tới tham dự hội thảo về phía Trường ĐH Việt Nhật có sự hiện diện của GS. Furuta Motoo, Hiệu trưởng, TS. Nguyễn Hoàng Oanh, Phó Hiệu trưởng, về phía ĐH Nguyễn Tất Thành có sự tham gia của GS. Nguyễn Lộc, P. Hiệu trưởng…

Hội thảo lần này thu hút rất đông các diễn giả, các nhà quản lý giáo dục, các nhà khoa học, sinh viên, phụ huynh học sinh, học sinh, doanh nghiệp, tổ chức nghề nghiệp tới tham gia. 6 bài tham luận do các diễn giả đến từ các quốc gia như Nhật Bản, Tây Ban Nha, Ba Lan, Việt Nam trình bày tại hội thảo xoay quanh các vấn đề như: Xu hướng và vấn đề quốc tế về giáo dục khai phóng và đề xuất giải pháp (GS.Uchida Katsuichi, Nguyên Phó Giám đốc Đại học Waseda (Nhật Bản); Giáo dục khai phóng và xu hướng giáo dục đại học khác tại châu Âu (GS. Nguyễn Ngọc Thành – ĐH Bách khoa Wroclaw (Ba Lan); Giáo dục khai phóng – Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với nền công nghiệp 4.0 (GS. David Camacho – Trường ĐH Autonomous University of Madrid (Tây Ban Nha); Kinh nghiệm của Nhật Bản về giáo dục khai phóng và áp dụng tại Việt Nam (GS. Furuta Motoo, Hiệu trưởng Trường ĐH Việt – Nhật, Nguyên Phó Giám đốc ĐH Tokyo (Nhật Bản); Hướng đề xuất cho việc áp dụng giáo dục khai phóng cho nền giáo dục đại học tại Việt Nam (GS. Nguyễn Lộc, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành); Giáo dục khai phóng tại Trường ĐH Việt Nhật (TS. Nguyễn Hoàng Oanh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Việt Nhật).

Toàn cảnh hội thảo Giáo dục khai phóng: Giải pháp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp Cách mạng công nghiệp 4.0

Phát biểu tại hội thảo GS. Furuta Motoo, Hiệu trưởngTrường ĐH Việt Nhật, cho rằng trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0 trí thông minh nhân tạo sẽ tiêu diệt một nửa công việc hiện tại nên cần phải có một nền giáo dục đào tạo nguồn nhân lực có tầm nhìn rộng, khả năng sáng tạo phong phú nền tảng kiến thức liên ngành vững chắc để chế ngự lại trí tuệ nhân tạo ấy. Hiện nay, nền giáo dục tại Việt Nam đang thay đổi rất nhanh, trong bối cảnh đó tôi hy vọng rằng nền giáo dục khai phóng sẽ tìm được vị trí xứng đáng trong nền giáo dục Việt Nam trong thời gian tới.

 GS. Furuta Motoo, Hiệu trưởng Trường ĐH Việt Nhật phát biểu tại hội thảo 

Theo GS. Nguyễn Lộc, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, hiện nay, giáo dục khai phóng được cho là một trong những cách tiếp cận của nền giáo dục hiện đại và hiệu quả nhất trên thế giới. Không mang tính chất đào tạo nghề nghiệp chuyên sâu, những nền tảng tri thức mà triết lý giáo dục khai phóng này mang lại hứa hẹn sẽ sản sinh ra những người công dân toàn diện với nền tảng kiến thức sâu rộng giúp họ thích nghi với sự thay đổi không ngừng của xã hội, trở thành những công dân toàn cầu nhận thức sâu sắc được vị trí của mình trong xã hội. Trong bài phát biểu của mình, khi đề cập tới việc áp dụng giáo dục khai phóng cho nền giáo dục đại học Việt Nam, GS. Nguyễn Lộc đã đưa ra một số đề xuất như: tổ chức các hội thảo để trao đổi và cung cấp thông tin về nội dung, vai trò và hình thức của giáo dục khai phóng; Triển khai giảng dạy bằng tiếng Anh nhằm thu hút sinh viên; tăng cường và nâng cấp đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên lên một tầm cao hơn.

GS. Nguyễn Lộc trình bày bài tham luận tại hội thảo 

Hiện nay, tại Việt Nam, mới chỉ có hai trường đại học trong đó có Trường đại học Việt Nhật (VJU) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội tuyên bố đề cao tinh thần khai phóng và áp dụng triển khai mô hình giáo dục này. Gần đây nhất thông qua sự kiện ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Trường ĐH Nguyễn Tất Thành và Trường ĐH Việt Nhật – ĐHQGHN, Đại học Nguyễn Tất Thành cũng bắt đầu áp dụng triển khai mô hình này trong giáo dục đào tạo. Có thể coi đây là những trường đại học đi tiên phong trong mô hình giáo dục khai phóng.

Các diễn giả và khách mời chụp ảnh lưu niệm 

Tham gia tổ chức hội thảo lần này, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành và Trường ĐH Việt Nhật mong muốn và giới thiệu các quan điểm, nhận định xu hướng, kinh nghiệm thực tiễn và gợi ý triển khai giáo dục khai phóng của các chuyên gia, nhà lãnh đạo uy tín đến từ châu Âu, Nhật Bản và Việt Nam. Thông qua các bài tham luận, các ý kiến đánh giá bởi các chuyên gia tới từ các quốc gia uy tín trên thế giới sẽ mang lại nhiều điều bổ ích và thiết thực trong công cuộc triển khai mô hình giáo dục khai phóng cho các trường ĐH tại Việt Nam trong thời gian tới.

Tin: Phượng Nguyễn

Ảnh: Bá Anh 

Tin tức khácXem thêm