Trường ĐH Nguyễn Tất Thành công bố quyết định và ra mắt Viện Khoa học xã hội liên ngành

NTTU – Ngày 9/4/2021, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành tổ chức Lễ công bố quyết định ra mắt thành lập Viện Khoa học xã hội liên ngành (IISS). Tham dự buổi lễ ra mắt có đại diện lãnh đạo Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam, Liên minh chuyển đổi số, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An, Lãnh đạo Sở Thông tin & Truyền thông tỉnh Bến Tre, đại diện Sở Du lịch TP.HCM, cùng các đối tác, doanh nghiệp của Đại học Nguyễn Tất Thành. PGS.TS Trần Thị Hồng – P. Hiệu trưởng nhà trường được bổ nhiệm làm Viện trưởng.

IISS ra đời nhằm nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn thuộc lĩnh vực khoa học xã hội dưới tác động của toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và khu vực; Đào tạo và liên kết nguồn nhân lực khoa học xã hội chất lượng cao. Đặc biệt là tư vấn, tham vấn và thẩm định chương trình, dự án, đề tài thuộc các lĩnh vực có liên quan. Viện Khoa học xã hội liên ngành, ĐH Nguyễn Tất Thành được thành lập cũng với mục tiêu tăng cường các hoạt động nghiên cứu và công bố các kết quả nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực Khoa học xã hội.

Phát biểu tại buổi lễ ra mắt, bà Nguyễn Mai Lan, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã thay mặt Hội đồng Trường, Ban giám hiệu Nhà trường biểu dương tinh thần và ủng hộ việc thành lập Viện Khoa học xã hội liên ngành. Đồng thời, bà Nguyễn Mai Lan đã giao nhiệm vụ cụ thể cho Lãnh đạo Viện, Viện KHXH liên ngành phải làm tốt vai trò: – Lựa chọn giải quyết các vấn đề thực tiễn của cuộc sống, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và tư vấn phản biện chính sách; – Gia tăng số lượng và chất lượng các công bố quốc tế; – Nâng cao vị thế của Nhà trường trong và ngoài nước. Đặc biệt, Viện phải quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ nghiên cứu viên thật tiên phong trong các nghiên cứu khoa học xã hội, đóng vai trò “bà đỡ” và tạo mọi điều kiện cho các nhà khoa học xem đây là môi trường tốt nhất để nghiên cứu và công bố các kết quả nghiên cứu khoa học liên quan đến lĩnh vực KHXH.

Bà Nguyễn Mai Lan phát biểu chào mừng và chỉ đạo những nội dung công việc cụ thể cho Viện KHXH liên ngành

Liên ngành – Kết nối – Đặc trưng

Đây sẽ là những quan điểm trọng tâm trong tiếp cận về chiến lược phát triển của Viện Khoa học xã hội liên ngành trong năm năm tới.

Theo GS.TS Trần Trung – Viện trưởng Viện Dân tộc học, Chủ tịch Hội đồng cố vấn của Viện, tính liên ngành phải được thể hiện rõ nét trong ba khía cạnh: liên ngành trong vấn đề nghiên cứu, liên ngành trong đội ngũ khoa học và liên ngành trong giải pháp công nghệ. Ông nhấn mạnh việc sử dụng có hiệu quả các giải pháp công nghệ đã có của một số ngành kỹ thuật công nghệ của ĐH Nguyễn Tất Thành. Đặc biệt là công nghệ số vào các lĩnh vực khoa học xã hội theo nghiên cứu của Viện KHXH liên ngành;

Đối với việc kết nối trong nghiên cứu, chủ tịch Hội đồng cố vấn Viện cho biết: Viện KHXH liên ngành của ĐH Nguyễn Tất Thành sẽ đảm bảo được kết nối giữa kết quả nghiên cứu khoa học tự nhiên ĐH Nguyễn Tất Thành để ứng dụng vào các mô hình phân tích, sản phẩm chuyển giao,…cho các nghiên cứu khoa học xã hội của Viện KHXH liên ngành. Đồng thời, kết quả nghiên cứu của IISS phải được kết nối với chương trình đào tạo các trình độ đại học, sau đại học và bồi dưỡng kỹ năng mềm của ĐH Nguyễn Tất Thành. Một nội dung khá quan trọng khác được GS Trần Trung đề cập, đó là IISS làm thế nào để kết nối giữa kết quả nghiên cứu khoa học của Viện với các dịch vụ tư vấn, đạo tạo, nghiên cứu khoa học theo đặt hàng của địa phương, doanh nghiệp.

Định hướng chiến lược hoạt động của IISS trong năm năm tới, việc chọn các lĩnh vực hoạt động của Viện sao cho ít trùng lắp với các cơ sở đào tạo, tổ chức nghiên cứu khác trong vùng là rất quan trọng. Viện sẽ tập trung vào các phân khúc của từng lĩnh vực hoạt động được xem là lợi thế của ĐH Nguyễn Tất Thành đã tạo được thương hiệu trong thời gian qua và hướng tới một số sản phẩm riêng, tạo điểm nhấn, sự lan tỏa trong quảng bá thương hiệu cho Viện đối với xã hội.

Phát biểu tại Lễ công bố quyết định và ra mắt Viện Khoa học xã hội liên ngành, PGS.TS Trần Thị Hồng – P. Hiệu trưởng, kiêm Viện trưởng cho biết: với các giải pháp chiến lược từ Hội đồng cố vấn, IISS sẽ lập và trình lãnh đạo, BGH nhà trường phê duyệt thành các Đề án cụ thể để đảm bảo thực hiện các mục tiêu đã đề ra. Viện sẽ ưu tiên chọn trạm khởi động của “Hệ sinh thái theo chuỗi giá trị” là các đề tài khoa học để cung cấp những sản phẩm tiếp theo trong chu trình kết nối liên thông. Bên cạnh đó, IISS sẽ thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh của Viện với sự tham gia hỗ trợ của các chuyên gia ngoài Viện, gắn với nhiệm vụ thực hiện từng Đề án cụ thể. Trong đó có cơ chế, chính sách đầu tư cho đội ngũ cộng tác viên và đội ngũ cán bộ cơ hữu của Viện trong thực hiện KPIs và chiến lược đào tạo nâng cao trình độ thành Thạc sĩ, Tiến sĩ, Phó Giáo sư, Giáo sư trong tương lai.

PGS.TS. Trần Thị Hồng phát biểu tại buổi lễ ra mắt

Tại buổi lễ, các nhóm nghiên cứu trực thuộc Viện đã được quyết định thành lập, bao gồm: Khoa học Giáo dục, Ngôn ngữ học, Công nghệ tài chính, Khoa học quản trị, Du lịch và Việt Nam học, Lý luận Chính trị, Khoa học Pháp lý và Nghiên cứu giáo dục sáng tạo (STEAM/STEAME)

Ban lãnh đạo Viện và Trưởng các nhóm nghiên cứu

Hợp tác và chia sẻ

Ngay trong khuôn khổ Lễ ra mắt, IISS đã khởi đầu hoạt động của Viện bằng việc ký kết hợp tác với Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) và Liên minh chuyển đổi số doanh nghiệp vừa và nhỏ (DTS). Nội dung hợp tác tập trung vào các vấn đề như: hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ. Trong đó việc các bên cùng phối hợp với nhau tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học trong nước và quốc tế, hợp tác trong lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ các hoạt động cho sinh viên nghiên cứu khoa học, thực tập, tham quan doanh nghiệp, kết nối các doanh nghiệp công nghệ trong lĩnh vực Thương mại điện tử và Chuyển đổi số tham gia giảng dạy, truyền đạt kiến thức thực tế cho sinh viên, tuyển dụng sinh viên ra trường theo nhu cầu của doanh nghiệp; Phối hợp cùng thực hiện các công việc phục vụ cộng đồng, phục vụ xã hội. Đặc biệt là các hoạt động nghiên cứu ứng dụng trong việc triển khai Đề án Chuyển đổi số tỉnh Bến Tre, giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn 2030 mà các bên tham gia với tư cách là thành viên Ban Công tác triển khai thực hiện tại tỉnh.

Viện Khoa học xã hội liên ngành ký kết hợp tác với Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) và Liên minh chuyển đổi số doanh nghiệp vừa và nhỏ (DTS)

Ông Nguyễn Ngọc Dũng – P. CT Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM) nhấn mạnh: việc ký kết hợp tác giữa các bên trong thời điểm này là rất có ý nghĩa khi xây dựng một hệ sinh thái với vai trò trụ cột của ba nhà (Nhà nước – Nhà Doanh nghiệp và Nhà Khoa học). ĐH Nguyễn Tất Thành là một trường ĐH có uy tín chất lượng cao, đặc biệt trong các nghiên cứu ứng dụng, hỗ trợ về mặt khoa học công nghệ hiện nay tại các tỉnh, thành. Đặc biệt, ĐH Nguyễn Tất Thành còn được chọn là điểm kết nối cung cầu về khoa học công nghệ của khu vực phía Nam do Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định, cùng với đội ngũ lãnh đạo và nhân lực nghiên cứu uy tín, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tin tưởng rằng, sự hợp tác giữa các bên trong thời gian tới sẽ mở ra nhiều hơn nữa các cơ hội và kết quả tốt đẹp.

Với thế mạnh hiện là đối tác chiến lược của nhiều hiệp hội ngành nghề và hội doanh nghiệp cũng như các tổ chức giáo dục, đào tạo, công nghệ và truyền thông uy tín, Ông Trương Gia Bảo – Chủ tịch Liên minh Chuyển đổi số doanh nghiệp vừa và nhỏ (DTS) cho biết cam kết đồng hành với Viện Khoa học xã hội liên ngành (IISS), ĐH Nguyễn Tất Thành và Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) cho tất cả các Đề án kết hợp giữa nghiên cứu khoa học gắn với thực tiễn doanh nghiệp, góp phần giải quyết các vấn đề đặt ra theo nhu cầu phát triển xã hội, đặc biệt là Kinh tế số, Xã hội số, Chính quyền số và Giáo dục số,…

Ngay sau phần ký kết, các đại biểu tham dự Lễ ra mắt Viện KHXH liên ngành đã có nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận đóng góp cho định hướng chiến lược phát triển Viện trong tương lai. Phát biểu giao nhiệm vụ cho Viện KHXH liên ngành, TS. Trần Ái Cầm – Q. Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành nhấn mạnh: Viện KHXH liên ngành phải đi tiên phong trong các hoạt động nghiên cứu và công bố khoa học thuộc lĩnh vực Khoa học xã hội, trong đó, nền tảng hệ sinh thái Nhà nước – Doanh nghiệp – Đại học/Viện nghiên cứu phải được xem là nền tảng cơ bản trong các hoạt động kết nối; Tăng cường các giải pháp nâng cao trình độ nguồn nhân lực nghiên cứu, trong nhiều mục tiêu phấn đấu thì năm năm tới phải nỗ lực đăng ký làm thành viên trong mạng lưới của ít nhất hai tổ chức giáo dục, khoa học có uy tín thuộc khu vực ASEAN và thế giới.

TS. Trần Ái Cầm chia sẻ tại buổi lễ ra mắt Viện Khoa học xã hội liên ngành

Ngoài đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, mảng nghiên cứu và hợp tác quốc tế của Viện Khoa học xã hội liên ngành (IISS), ĐH Nguyễn Tất Thành sẽ tập trung nghiên cứu các lĩnh vực: Du lịch và Việt Nam học, Khoa học Giáo dục, Khoa học Ngôn ngữ học, Khoa học Quản trị, Khoa học Công nghệ Tài chính, Khoa học Pháp lý, Khoa học Lý luận Chính trị

Tin: Thúy Phượng (P.KHCN)

Ảnh: Duy Anh

Lăng kính báo chí:

HTV: http://www.htv.com.vn/truong-dai-hoc-nguyen-tat-thanh-thanh-lap-vien-khoa-hoc-xa-hoi-lien-nganh

VNexpress: https://vnexpress.net/lien-minh-dts-va-vecom-hop-tac-dai-hoc-nguyen-tat-thanh-4260975.html

Tin tức khácXem thêm