Tìm hiểu về bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em

NTTU – Năm 2022, một đợt bùng phát bệnh viêm gan cấp tính (không rõ nguyên nhân) ở trẻ em được báo cáo ở hầu như tất cả các khu vực của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ngoại trừ Châu Phi

Viêm gan được định nghĩa là phản ứng viêm của nhu mô gan, dẫn đến một loạt các vấn đề sức khỏe, có thể gây chết người, gây bệnh cấp tính trong vòng sáu tháng hoặc có thể kéo dài mãn tính. Trong số các vi-rút gây bệnh, năm chủng gây viêm gan phổ biến là A, B, C, D và E. Năm 2022, một đợt bùng phát bệnh viêm gan cấp tính nặng không rõ nguyên nhân (viêm gan không xác định, không phải do vi-rút gây viêm gan A, B, C, D và E) ở trẻ em được báo cáo ở gần như tất cả các khu vực của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ngoại trừ Châu Phi. Nhóm tuổi bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi đợt bùng phát này là từ 0 đến 16 tuổi. Sự gia tăng số ca viêm gan khởi phát đột ngột, không rõ nguyên nhân ở trẻ em đã tập trung sự chú ý của các nhà nghiên cứu vào giả thuyết: Có hay không khả năng viêm gan là hậu quả do ảnh hưởng lâu dài sau đại dịch COVID-19 đối với trẻ nhỏ?

Tính từ ngày 05/04 (khi ổ dịch ban đầu được phát hiện) đến ngày 08/07/2022, 35 quốc gia trong năm khu vực đã báo cáo 1.010 trường hợp đáp ứng các tiêu chí có thể xảy ra của WHO khi nghi mắc viêm gan cấp tính nặng không rõ nguyên nhân ở trẻ em, trong đó có 22 trường hợp tử vong. Trong khi công bố trước đó vào ngày 24/06/2022, chỉ 90 trường hợp có khả năng nghi mắc mới và 4 trường hợp tử vong.

Phân bố các trường hợp nghi mắc viêm gan cấp tính nặng không rõ nguyên nhân ở trẻ em theo khu vực của WHO kể từ ngày 01/10/2021 đến ngày 08/07/2022

Trong số các ca nghi mắc, 48% ca bệnh được báo cáo ở khu vực châu Âu (21 quốc gia, 484 ca), xếp thứ hai là khu vực châu Mỹ (435 ca, trong đó 334 ca ghi nhận tại Hoa Kỳ), tiếp theo là khu vực Tây Thái Bình Dương (70 ca) , khu vực Đông Nam Á (19 ca) và khu vực Đông Địa Trung Hải (2 ca). Riêng tại Việt Nam, các báo cáo từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cũng như Bộ Y tế đến nay, chưa phát hiện trường hợp bệnh viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân ở trẻ em. WHO cũng cảnh báo số ca nghi mắc ghi nhận có thể thấp hơn thực tế, một phần do hệ thống giám sát còn hạn chế.

Các triệu chứng phổ biến nhất khi nghi mắc bệnh viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân ở trẻ em là buồn nôn hoặc nôn (60% trường hợp), vàng da (53% trường hợp), suy nhược chung (52% trường hợp), tiêu chảy và đau bụng (50% trường hợp). Số ngày trung bình giữa ngày bắt đầu có triệu chứng và ngày nhập viện là 4 ngày.

Các cuộc điều tra cho thấy hầu như không có mối liên hệ dịch tễ, không bệnh nhân nào có đi đến các quốc gia có trường hợp bệnh trước khi khởi phát các triệu chứng nên yếu tố lây truyền giữa các ca bệnh gần như không ghi nhận.

Các bệnh phẩm thích hợp như phân, mẫu ngoáy mũi họng, rửa khí quản, dịch tiết kết mạc, nước tiểu, hoặc sinh thiết gan được dùng để chẩn đoán.

Cho đến nay, các loại vi-rút có thể gây viêm gan như vi rút A, B, C, D và E chưa được phát hiện trong bất kỳ trường hợp nào. Một số tài liệu báo cáo có sự nhiễm adenovirus đường ruột typ 41F trong phần lớn các trường hợp từ mười sáu tuổi trở xuống, với một số ít trường hợp đồng nhiễm SARS-CoV-2. Ở châu Âu, adenovirus được phát hiện bằng PCR trong 52% trường hợp (193/368 trường hợp), 9% trường hợp (5/58 trường hợp) tại Nhật Bản. SARS-CoV-2 đã được phát hiện bằng PCR trong 16% trường hợp (54/335 trường hợp) ở khu vực châu Âu, 8% trường hợp báo cáo sơ bộ từ Hoa Kỳ (15/197 trường hợp) và Nhật Bản (5/59 trường hợp).

Adenovirus chủ yếu lây truyền qua tiếp xúc giữa các cá nhân và thường xuyên gây bệnh đường hô hấp. Tuy nhiên, chúng vẫn có thể gây ra các bệnh khác như các vấn đề ở đường tiêu hóa, viêm kết mạc và nhiễm trùng bàng quang. Hiện tại, giả thuyết hợp lý nhất chỉ ra rằng nhiễm trùng adenovirus có vai trò trong sự bùng phát của vi-rút cấp tính không phải viêm gan A-E gây viêm gan ở trẻ em. Tiền sử nhiễm SARS-CoV-2 (bao gồm cả biến thể Omicron) làm độ nhạy tăng lên, dẫn đến phản ứng miễn dịch mạnh hơn và do đó gây ra tổn thương gan nghiêm trọng khi nhiễm trùng adenovirus.

Theo khảo sát của Cơ quan An ninh Y tế Anh, 75% trẻ em có phơi nhiễm với virus Canine Adenovirus-1 (CAV-1), vốn là loại vi-rút gây ra viêm gan cấp tính ở loài chó.

Căn nguyên cũng như phương thức lây truyền của bệnh viêm gan cấp tính nghiêm trọng này vẫn chưa được kết luận và vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu. Việc xem xét đánh giá các yếu tố căn nguyên khác của viêm gan cấp tính nặng ở trẻ em, bao gồm các tác nhân lây nhiễm khác, việc tiếp xúc với môi trường (chất độc, thuốc men), tình trạng di truyền chuyển hóa hoặc rối loạn tự miễn dịch đang được mở rộng xem xét cùng ý kiến tham khảo của các bác sĩ gan mật nhi khoa.

Mặc dù vẫn chưa có báo cáo nào về các bệnh nhiễm trùng liên quan, nhưng không thể loại trừ việc lây truyền từ người sang người sau một vài báo cáo ban đầu về các trường hợp liên quan đến dịch tễ học. Cho đến khi biết thêm về căn nguyên của bệnh, WHO khuyến cáo người dân nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát nhiễm trùng nói chung bao gồm:

  • Thực hiện vệ sinh tay thường xuyên, sử dụng xà phòng và nước hoặc gel rửa tay có cồn
  • Tránh không gian đông đúc và duy trì khoảng cách với những người khác
  • Đảm bảo thông gió tốt khi ở trong nhà
  • Đeo khẩu trang vừa vặn che miệng và mũi khi thích hợp
  • Che cơn ho và hắt hơi
  • Sử dụng nước sạch để uống
  • Làm sạch thường xuyên các bề mặt thường xuyên chạm vào
  • Đảm bảo an toàn thực phẩm: giữ sạch sẽ khu vực chế biến; thực phẩm sống và chín riêng biệt; nấu chín; bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ an toàn; sử dụng nước và nguyên liệu an toàn
  • Ở nhà khi không khỏe và liên hệ hỗ trợ chăm sóc y tế khi cần thiết

Các trường hợp được xác định nghi mắc phù hợp với tiêu chí xác định ca bệnh do WHO đặt ra cần báo ngay cho các cơ quan y tế để được chăm sóc và điều trị.

ThS Lê Thị Thanh Lan (tổng hợp)

Tài liệu tham khảo

Uwishema, O., Mahmoud, A., Wellington, J., Mohammed, S. M., Yadav, T., Derbieh, M., … & Kolawole, B. (2022). A review on acute, severe hepatitis of unknown origin in children: A call for concern. Annals of Medicine and Surgery, 104457.

Tin tức khácXem thêm