Thúc đẩy hợp tác với trung tâm và doanh nghiệp trong hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học 2022 – 2023
NTTU – Sáng ngày 03/02/2023, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã có buổi làm việc với Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ, Thành Đoàn TP. HCM và Công ty Cổ phần HGHT. Hoạt động này nhằm trao đổi, thảo luận, từ đó thống nhất triển khai xây dựng kế hoạch cụ thể cho năm học 2022-2023 đồng thời thúc đẩy việc hợp tác giữa trung tâm, doanh nghiệp với Nhà trường làm cơ sở xúc tiến triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thương mại hóa kết quả nghiên cứu đảm bảo chặt chẽ, đồng bộ và đạt được hiệu quả cao trong thời gian tới
Tham dự tại buổi làm việc, về phía Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ, Thành đoàn TP. HCM gồm có: ThS. Trần Đức Sự – Phó Giám đốc Trung tâm; đ/c Hoàng Sơn Giang – Trưởng phòng Quản lý Khoa học và Phát triển dự án; đ/c Hoàng Thị Cẩm Chương – Phó Trưởng phòng Quản lý Khoa học và Phát triển dự án; đ/c Lê Văn Cường – Phó phòng Phát triển Phong trào Sáng tạo cùng các chuyên viên của trung tâm. Đại diện Công ty Cổ phần HGHT có sự hiện của ông Nguyễn Trường Giang – Chủ tịch Hội đồng Quản trị; bà Nguyễn Thị Thu Hằng – Phó Giám đốc tài chính.
Trường Đại học Nguyễn Tất Thành có sự hiện diện và chủ trì của PGS.TS. Trần Thị Hồng – Phó Hiệu trưởng, PGS.TS. Bạch Long Giang – Trưởng phòng Khoa học Công nghệ; TS. Trần Viết Thắng – Phó Trưởng phòng Khoa học Công nghệ; TS. Nguyễn Hữu Thuần Anh – Phó Trưởng phòng Khoa học Công nghệ; PGS.TS. Trần Việt Cường – Viện phó Viện Kỹ thuật Công nghệ cao NTT; ThS. Huỳnh Hồng Mai – Phó Giám đốc Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo khởi nghiệp (NIIC) cùng các chuyên viên phòng Khoa học Công nghệ.
Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Trần Thị Hồng – Phó Hiệu trưởng Nhà trường đã gửi lời chào mừng đến các đối tác và có những chia sẻ: “Trong những năm qua, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành luôn chú trọng vào hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp để từ đó đạt được những thành tựu nhất định. Vừa qua, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã xuất sắc vươn lên vị trí thứ 4 tăng 3 bậc trong bảng xếp hạng Webometrics các trường Đại học Việt Nam. Để có được những thành quả này, bên cạnh nội lực của lãnh đạo, đội ngũ cán bộ – giảng viên, nghiên cứu viên Trường còn có sự hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp, trung tâm, viện nghiên cứu trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả mối liên kết giữa trường đại học và trung tâm, doanh nghiệp; cần thiết lập bộ phận chuyên trách liên kết, hợp tác với doanh nghiệp, có chiến lược liên kết như: ký thỏa thuận hợp tác về đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, đề ra những nhiệm vụ cụ thể”.
Trao đổi, thảo luận các nội dung hợp tác trong năm học 2022-2023
Đại diện lãnh đạo Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ, Thành đoàn TP. HCM (TST), ThS. Trần Đức Sự – Phó Giám đốc trung tâm mong muốn trong thời gian tới TST sẽ có nhiều nội dung hợp tác và phát triển hơn nữa với Trường về mọi mặt, không ngừng tăng cường các mối quan hệ hợp tác hữu nghị, phát triển trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; đặc biệt cần tập trung về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và giáo dục STEM để từ đó góp phần đem lại giá trị cho người học, cho xã hội.
Làm việc với Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng – Phó Giám đốc tài chính, Đại diện Công ty Cổ phần HGHT, chia sẻ: “Để đảm bảo tính bền vững, cần cân nhắc các yếu tố liên quan tới xu hướng thị trường, các nguồn nông sản chủ lực, quy trình công nghệ, thiết bị nghiên cứu, xây dựng một danh mục công nghệ dựa trên nhu cầu và năng lực thực tế. Do đó, sự hợp tác giữa các Nhà trường và doanh nghiệp trong tương lai là rất quan trọng”.
Làm việc với lãnh đạo Công ty HGHT
Để tiếp tục duy trì thành quả đạt được trong hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu Nhà trường tích cực, chủ động thiết lập, mở rộng quan hệ với các cơ quan, bộ, ngành từ trung ương đến địa phương, doanh nghiệp trong năm học 2022-2023, thông qua các hoạt động: (1) Đẩy mạnh đề tài nghiên cứu khoa học thuộc chương trình Vườn ươm Sáng tạo Khoa học và Công nghệ Trẻ, đặc biệt là các đề tài thuộc lĩnh vực chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo; (2) Đăng cai tổ chức Giải thưởng Sinh viên Nghiên cứu khoa học – Euréka lần thứ 25 năm 2023; (3) Tổ chức các hội thảo, tập huấn khoa học các cấp, duy trì và phát triển hoạt động đào tạo, khoa học công nghệ, gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu với công bố bài báo trên các tạp chí khoa học được xếp hạng trong nước và quốc tế theo quy định; (4) Phối hợp, liên kết chặt chẽ, xây dựng các câu lạc bộ học thuật giữa trường đại học với các trường trung học phổ thông tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, thiết kế bài giảng STEM theo từng lĩnh vực chuyên môn cụ thể; (5) Đề xuất, triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ, xây dựng dây chuyền tự động hoá, đề xuất thêm các phương pháp sản xuất, đảm bảo đem lại hiệu quả cao trong lĩnh vực nông nghiệp. Ngoài ra còn có các hoạt động như: chuyến xe công nghệ, xây dựng không gian văn hoá Hồ Chí Minh,…
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra rất nhanh và mạnh mẽ trên nhiều phương diện của đời sống – xã hội, đặc biệt trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo… Việc gắn kết đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu thực tiễn mà điển hình là nhu cầu của các trung tâm, sở ban ngành và doanh nghiệp có vai trò hết sức quan trọng, quyết định đến sự phát triển ổn định của trường đại học. Buổi trao đổi hợp tác khép lại với nhiều cảm xúc đặc biệt, là cơ sở quan trọng để Nhà trường cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch hợp tác đi vào chiều sâu, ngày càng có hiệu quả; xây dựng, duy trì ổn định và cùng hợp tác phát triển toàn diện.
Bài: Ngọc Giàu
Ảnh: Media