Tập huấn nâng cao năng lực với Chủ đề: “Ứng dụng AI và Chat GPT trong học tập, nghiên cứu và giảng dạy”
NTTU – Ngày 10-12/01/2024, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã tổ chức Tập huấn nâng cao năng lực Chủ đề: “Ứng dụng AI và Chat GPT trong học tập, nghiên cứu và giảng dạy” cho giảng viên và sinh viên nhà trường.
Nhằm thực hiện việc nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, giảng viên, sinh viên, trường Đại học Nguyễn Tất Thành năm học 2023-2024, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành phối hợp với Viện Nghiên cứu Ứng dụng và Đổi mới sáng tạo Doanh nghiệp (3AI) tổ chức Chương trình Tập huấn “Ứng dụng AI và Chat GPT trong trong giảng dạy và, nghiên cứu” cho giảng viên ngày 10/01/2024; “Ứng dụng AI và Chat GPT trong trong học tập, nghiên cứu và khởi nghiệp” cho sinh viên ngày 12/01/2024.
Chương trình tuấn huấn có sự góp mặt của diễn giả: ThS. Ngô Hữu Thống – Phó Viện trưởng Thường trực Viện Nghiên cứu Ứng dụng và Đổi mới Sáng tạo Doanh nghiệp; Chủ biên sách “Chat GPT toàn tập – Bí kíp xây dựng sự nghiệp trong kỷ nguyên số”. Đại diện phía Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có sự hiện diện của PGS.TS Trần Thị Hồng – Phó Hiệu trưởng nhà trường, cùng sự tham dự của gần 200 quý thầy cô thuộc các khoa, viện, phòng ban, và gần 400 sinh viên đến từ các khoa/viện NTTU.
PGS.TS Trần Thị Hồng chia sẻ tại chương trình
PGS.TS Trần Thị Hồng tặng hoa cho diễn giả khách mời
Tại buổi tập huấn, PGS.TS Trần Thị Hồng chia sẻ: Kể từ khi ra mắt công chúng vào cuối năm 2022, Chat GPT đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của hàng triệu người dùng trên toàn cầu nhờ việc có thể hồi đáp chi tiết và trả lời lưu loát trên nhiều lĩnh vực kiến thức. ChatGPT được sử dụng ở nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục. Hi vọng chương trình tập huấn sẽ giúp các giảng viên, cán bộ – nhân viên nhà trường, sinh viên biết cách làm thế nào để khai thác hiệu quả và giảm thiểu những hạn chế của nó, đồng thời có cái nhìn toàn diện, khách quan và hiểu rõ vai trò của AI và Chat GPT từ đó có thể ứng dụng AI và Chat GPT vào trong học tập, giảng dạy, nghiên cứu, cũng như khởi nghiệp.
ThS. Ngô Hữu Thống chia sẻ về chủ đề “Ứng dụng AI và Chat GPT trong học tập, nghiên cứu và giảng dạy’
Trong buổi tập huấn ThS. Ngô Hữu Thống chia sẻ những nội dung chính như sau:
– Chia sẻ kiến thức về cách hoạt động của Chat GPT và các công cụ AI khác, từ những khái niệm cơ bản đến chi tiết về nguyên tắc và thuật toán. Phân tích một cách chi tiết về những thách thức và nguy cơ khi sử dụng Chat GPT, giúp hiểu rõ về các hạn chế và cách giải quyết.
– Tạo trải nghiệm thực tế bằng cách hướng dẫn người tham gia thực hành sử dụng Chat GPT để giải quyết các bài toán cụ thể về học tập, nghiên cứu và giảng dạy để họ có thể trải nghiệm trực tiếp.
– Chat GPT có thể hỗ trợ sinh viên giải quyết một số vấn đề về học tập và đưa ra lời khuyên cho những thắc mắc xoay quanh đến vấn đề việc làm, khởi nghiệp… Đặc biệt, Chat GPT cung cấp cho sinh viên cơ hội để giao tiếp với một hệ thống AI, giúp sinh viên cải thiện kỹ năng giao tiếp với “người máy” từ đó nâng cao kỹ năng giao tiếp với các hệ thống công nghệ khác trong tương lai.
– Góc nhìn đa chiều về các cơ hội, thách thức và tối ưu hoá tiềm năng của AI và ChatGPT trong hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học, đồng thời nâng cao năng lực cho giảng viên, nghiên cứu viên nhà trường trong bối cảnh phát triển các công cụ AI.
Với những kiến thức, nội dung thời sự và hấp dẫn này, tại phần thảo luận người tham dự đã đặt các câu hỏi rất sôi nổi dành cho diễn giả. Nội dung các câu hỏi xoay quanh tâm thế, thái độ và cách ứng xử của mỗi người khi sử dụng công cụ này, cách thức phát hiện khi sinh viên sử dụng ChatGPT để gian lận trong quá trình làm bài kiểm tra, cũng những lo ngại về môi trường và tính bền vững khi sử dụng các công cụ AI,… diễn giả đã giải đáp các thắc mắc của người tham gia. Đồng thời, gợi mở các vấn đề để người đặt câu hỏi tiếp tục suy nghĩ, hình thành câu trả lời của riêng mình.
Buổi tập huấn diễn giúp cho người tham dự tích luỹ nhiều kinh nghiệm quý giá, nhiều hứng khởi và cả những suy tư. Tập huấn thu hút sự quan tâm bởi tính thực tiễn và tính ứng dụng cao của chuyên đề, đặc biệt trong học tập, nghiên cứu và giảng dạy.
Nội dung: Phòng Khoa học Công nghệ
Hình ảnh: Media