Sinh viên Khoa Công nghệ thông tin NTTU có thêm nơi thực hành và nghiên cứu hiện đại

NTTU – Sáng ngày 26/05/2024, Khoa Công nghệ Thông tin Trường Đại học Nguyễn Tất Thành Khánh thành 05 phòng thực nghiệm (Labs) và Trung tâm điện toán đám mây phục vụ cho việc thực hành, nghiên cứu và phát triển các kỹ năng cho sinh viên. Đây cũng là chuỗi sự kiện nhằm chào mừng 13 năm thành lập Khoa CNTT Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (26/5/2011 – 26/5/2024)

Về phía Ban Giám hiệu Nhà trường có sự tham dự của TS. Trần Ái Cầm – Hiệu trưởng Nhà trường; TS Nguyễn Lan Phương – Phó hiệu trưởng Nhà trường đến tham dự cắt băng khánh thành.

Đại diện Các phòng ban Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có sự tham dự của ThS. Hoàng Hữu Du – Viện phó Viện đào tạo Sau đại học và Thầy Vũ Đình Thịnh – Phó trưởng ban xây dựng.

Khoa CNTT, tham dự lễ Khánh thành có Ban chủ nhiệm khoa CNTT: TS. Nguyễn Kim Quốc, Trưởng Khoa CNTT; TS. Cao Văn Kiên – Phó trưởng Khoa CNTT cùng các Trưởng Bộ Môn của các Bộ môn Khoa CNTT.

Thay mặt Ban Giám hiệu Nhà trường, TS. Trần Ái Cầm – Hiệu trưởng Nhà trường đã gửi lời chúc mừng Khoa CNTT đã cố gắng nỗ lực, từng bước phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ giảng dạy và học tập, qua đó xây dựng nền tảng vững chắc cho các thế hệ sinh viên và từng bước phát triển Khoa CNTT.

Được biết, Đại diện các Phòng ban, Ban chủ nhiệm Khoa CNTT và Ban Giám hiệu Nhà trường đã cắt băng khánh thành 05 phòng thực nghiệm tại tầng 4, cơ sở An Phú Đông, Q.12, TP. HCM
– Tên 5 phòng thực nghiệm:
+ Phòng thực nghiệm Công nghệ thông tin (L.405A)
+ Phòng thực nghiệm Khoa học dữ liệu (L.405B)
+ Phòng thực nghiệm Trí tuệ nhân tạo (L.406)
+ Phòng thực nghiệm Mạng máy tính (L.407A)
+ Phòng thực nghiệm Kỹ thuật phần mềm (L.407B)

– Số lượng máy tính trong mỗi phòng: 30 máy trạm và 01 máy Server
– Máy trạm cho SV thực tập với cấu hình mạnh và hiện đại: CPU Intel thế hệ 13th, RAM 16GB, có SSD, đặc biệt là có VGA card 3070 đáp ứng nhu cầu học phần chuyên ngành như training trong Trí tuệ nhân tạo, chạy các thuật toán khai phá dữ liệu…
– Mỗi máy trạm cài đặt Hệ điều hành Windows và Linux, cùng với hơn 50 phần mềm các loại. Đảm bảo đáp ứng tất cả các học phần đào tạo.
– Máy Server trong mỗi phòng mạng vai trò:
+ Hỗ trợ giao tiếp mạng và internet cho các máy trạm.
+ Lưu trữ dữ liệu phục vụ các môn học chuyên ngành.
+ Phân phối bài giảng, bài thực hành, bài kiểm tra cho Sinh viên.
– Mỗi phòng Thí nghiệm có WiFi riêng, có thêm các ổ cắm điện hỗ trợ cho giảng viên và sinh viên sử dụng máy laptop, smartphone.

Việc xây dựng các phòng thực nghiệm tại Khoa CNTT, đặc biệt là trong lĩnh vực CNTT, mang lại nhiều lợi ích thiết thực và quan trọng cho sinh viên, giảng viên. Phòng thực nghiệm cung cấp môi trường học tập thực tế, nơi sinh viên có thể áp dụng lý thuyết vào thực hành, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo. Cung cấp cơ hội cho sinh viên tiếp cận và làm việc với các công nghệ, thiết bị và phần mềm hiện đại. Ngoài ra, đây cũng là nơi sinh viên có thể thực hiện các dự án nghiên cứu, thử nghiệm các ý tưởng mới và phát triển các giải pháp sáng tạo.

* Phòng thực nghiệm Công nghệ thông tin hỗ trợ sinh viên nắm bắt các khái niệm và kỹ năng cần thiết trong việc triển khai và quản lý dịch vụ CNTT, định hướng sinh viên theo xu hướng công nghệ mới, nơi các dịch vụ CNTT như IoT, điện toán đám mấy, công nghệ Blockchain, … đang trở thành một phần quan trọng trong hạ tầng CNTT của các doanh nghiệp.
* Phòng thực nghiệm Mạng Máy tính và truyền thông dữ liệu, sinh viên có cơ hội làm việc trực tiếp với các thiết bị mạng thực tế, giúp họ hiểu rõ hơn về cấu trúc và hoạt động của mạng. Hỗ trợ sinh viên chuẩn bị cho các chứng chỉ quốc tế như CCNA, CCNP. Giúp sinh viên hiểu và giải quyết các vấn đề liên quan đến bảo mật mạng. Ngoài ra, nó còn cung cấp các nền tảng và dịch vụ đám mây như AWS, Azure, Google Cloud, giúp sinh viên thực hành triển khai và quản lý các ứng dụng trên đám mây.
* Phòng thực nghiệm Kỹ thuật Phần mềm cung cấp các công cụ phát triển phần mềm, bao gồm máy tính cấu hình cao, môi trường lập trình (IDE), phần mềm quản lý mã nguồn (Git) và các công cụ hỗ trợ khác. Giúp sinh viên nâng cao kỹ năng lập trình và tiếp cận công nghệ mới nhất. Sinh viên học cách quản lý dự án phần mềm từ giai đoạn thiết kế đến triển khai. Đòn thời, phát triển kỹ năng làm việc nhóm qua các dự án thực tế.
* Phòng thực nghiệm Trí tuệ nhân tạo (AI) tập trung vào nghiên cứu và phát triển các mô hình AI và học máy, trang bị các máy tính có GPU mạnh để xử lý các tác vụ phức tạp, cùng với các công cụ như TensorFlow, PyTorch. Cung cấp môi trường cho sinh viên nghiên cứu và phát triển các thuật toán AI và mô hình học máy. Sinh viên áp dụng AI vào các bài toán thực tế như nhận diện hình ảnh, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, dự báo dữ liệu. Ngoài ra còn giúp sinh viên nắm bắt các công nghệ tiên tiến, đáp ứng nhu cầu cao trong ngành công nghiệp.
* Phòng thực nghiệm về Khoa học Dữ liệu (Data Science) là một môi trường quan trọng trong các trường đại học và cơ sở đào tạo chuyên sâu về công nghệ thông tin. Đây là nơi sinh viên có thể thực hành, nghiên cứu và phát triển các kỹ năng liên quan đến dữ liệu lớn, phân tích dữ liệu, và học máy. Sinh viên học cách khai thác dữ liệu từ các nguồn khác nhau, làm sạch, biến đổi và chuẩn bị dữ liệu cho quá trình phân tích. Giúp sinh viên hiểu rõ quá trình chuẩn bị dữ liệu, một bước quan trọng trong mọi dự án khoa học dữ liệu. Hơn thế nữa, sinh viên áp dụng các mô hình học máy về cách xây dựng, huấn luyện và đánh giá các mô hình, từ đó giải quyết các vấn đề thực tế trong nhiều lĩnh vực như tài chính, y tế, marketing.
Ngoài ra, Trung tâm Tích hợp dữ liệu và Điện toán đám mây (Data integration and cloud computing center) đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp hạ tầng công nghệ hiện đại, hỗ trợ lưu trữ, xử lý và quản lý dữ liệu, cũng như triển khai các ứng dụng và dịch vụ trên nền tảng đám mây.

Khoa Công nghệ thông tin

Tin tức khácXem thêm