NTTU STARTUP: Cùng nghe những dự án khởi nghiệp kể chuyện – Kỳ 3

NTTU – “Tham vọng hiện tại của mình và cả nhóm là làm sao biến dự án này thành Công ty”- Đây là lời chia sẻ của bạn Biện Công Đoàn – Trưởng nhóm dự án “Ứng dụng ruồi lính đen vào nền nông nghiệp tuần hoàn – Fly Bio” vừa đạt Giải Nhì cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2023.

Thông tin dự án: Đưa ruồi lính đen vào nền nông nghiệp tuần hoàn là một ý tưởng sử dụng ruồi lính đen làm nhà máy chế biến lượng phế phụ phẩm nông nghiệp dư thừa. Ruồi lính đen đã chính thức được cho phép nuôi theo Nghị định 46/2022/NĐ-CP. Việc ứng dụng ruồi lính đen xử lý phế phụ phẩm nông nghiệp và làm thức ăn chăn nuôi là giải pháp hiệu quả để tiếp cận xu hướng nông nghiệp bền vững toàn cầu hiện nay. Nhận thấy được tiềm năng ứng dụng ruồi lính đen, nhóm FLY BIO mong muốn xây dựng nhà máy chế biến lượng phế phụ phẩm nông nghiệp dư thừa, xử lý nhanh rác thải hữu cơ, giảm thiểu hiệu ứng nhà kính do khí metan, CO2 gây ra. Lượng phân hữu cơ này dùng để trả lại phù sa cho đất trong kế hoạch sản xuất tuần hoàn nông nghiệp giảm thấp nhất tình trạng sa mạc hóa. Bên cạnh đó quá trình nuôi ruồi lính đen còn mang lại một nguồn sinh khối protein cung cấp vào chuỗi sản xuất thức ăn chăn nuôi bền vững, góp một phần giảm tác động của chuỗi cung ứng thức ăn. Vì giấc mơ một nền nông nghiệp xanh và bền vững, tác giả dự án muốn đóng góp phần nào đó công sức của mình đã tạo ra quy trình nuôi ấu trùng ruồi lính đen khác biệt so với các phương nuôi thông thường trước đây nhằm đẩy nhanh tiến độ phát triển của ấu trùng đồng thời tạo ra ấu trùng sạch, giảm mùi hôi và tạo lượng phân cho cây trồng hấp thụ dễ dàng nhất.

Đưa sản phẩm đến với thực tế: Còn nhiều thách thức

Hiện nay, việc đưa sản phẩm từ dự án khởi nghiệp ra thực tế còn nhiều vướng mắc như: Kiểm định, Sỡ hữu trí tuệ, nguồn vốn, giấy phép hoạt động, nhân lực thực hiện … những điều này vô tình khiến không ít sản phẩm rơi vào vòng luẩn quẩn.

Theo cậu sinh viên ngành Công nghệ sinh học, Viện Kỹ thuật Công nghệ cao NTT Biện Công Đoàn chia sẻ, với dự án “Ứng dụng ruồi lính đen vào nền nông nghiệp tuần hoàn – Fly Bio” của nhóm khi triển khai ra thực tế gặp nhiều khó khăn, một trong số đó là nguồn vốn. Theo Đoàn, dù những sản phẩm của nhóm hiện nay đang được đánh giá cao đối với một số diện tích sử dụng, tuy nhiên đây chỉ là những sản phẩm mẫu thử để kiếm tra quy mô, nhu cầu thị trường, từ đó các công việc như đăng ký dòng sản phẩm, đăng ký thành lập công ty, các vấn đề thương mại khác. Còn đối với việc để đưa dự án này biến thành sản phẩm thực tế với quy mô lớn cần nguồn kinh phí rất lớn.

Bên cạnh đó, nhân lực thực hiện dự án cũng đang bị hạn chế rất lớn do đa phần các bạn đều có lịch học, lịch thực tập khác nhau. Chia sẻ với NTTU, Công Đoàn cho biết tâm lý của các bạn trong nhóm quyết định sự thành công của dự án. Bởi khi thực hiện tham gia dự án này, nhiều bạn vẫn đang mông lung chưa biết tương lai cũng như kết quả. Do đó, trở ngại về nhân lực cũng là một phần thách thức không nhỏ trong khi thực hiện dự án.

Sản phẩm được người dùng đánh giá cao

Dù chỉ đang trong giai đoạn thử nghiệm thị trường, thế nhưng kết quả mà sản phẩm mang đến được nhiều người sử dụng đánh giá cao. Hiện nay, dự án đang triển khai với nhiều dòng sản phẩm như: Ấu trùng tươi, Ấu trùng sấy khô, Thức thủy sản, Dịch thủy phân và Phân bón hữu cơ. Theo trưởng nhóm Fly Bio, các sản phẩm đang được thử nghiệm tại tỉnh Vĩnh Long với dòng sản phẩm dịch thủy phân làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, mỗi tháng nhóm cung cấp khoảng 150 lít cho thị trường.

Đối với tỉnh Lâm Đồng, nơi nhóm này cung cấp sản phẩm dịch thủy phân dành cho rau hữu cơ nhận được nhiều phản hồi tích cực. Cụ thể, với những luống rau hữu cơ sử dụng dịch thủy phân của nhóm Fly Bio tăng hơn 1,5 lần so với những sản phẩm khác, từ đó nhiều hộ dân mong muốn tiếp tục hợp tác, đàm phán và sử dụng sản phẩm này trên quy mô lớn hơn.

Không muốn sản phẩm chỉ dừng lại ở quy mô dự án

“Cách đây 5 phút, các bạn đã nói với tôi rằng: Thầy ơi, em vẫn muốn theo Thầy đi tới làm sao cho cái dự án này nó ra được sản phẩm, nó bán được trên thị trường thì đấy là cái kết quả cuối cùng của dự án này” – Đây là những lời chân thật nhất mà TS. Trần Quý (Mentor hướng dẫn dự án) chia sẻ với NTTU ngay sau lễ Vinh danh các dự án đạt giải trong Cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp 2023.

Và khi hỏi đến dự định mà nhóm mong muốn, NTTU cũng nhận được câu trả lời tương tự với một tinh thần “Không chỉ dừng lại ở quy mô một dự án”. Công Đoàn chia sẻ, mong muốn đầu tiên là “bắt buộc” phải thành lập được công ty, bởi sau cuộc thi dự án nhận được các đơn vị, các nhà đầu tư muốn xây dựng dự án từ quy mô thí nghiệm sang sản phẩm thực tế. Bên cạnh đó, nhóm cũng đang đầu tư nghiên cứu và sắp tới sẽ tiến hành đăng ký kiểm định sản phẩm, từ đó có thể đưa các dòng sản phẩm ra thị trường, phục vụ nhu cầu cải tạo đất đai, môi trường nuôi trồng cho người dân.

NTTU STARTUP xin cảm ơn Công Đoàn về câu chuyện khởi nghiệp của nhóm. Trong kỳ tiếp theo, NTTU STARTUP sẽ có buổi gặp gỡ với nhóm dự án “Bộ sản phẩm SOFa ứng dụng trong hệ thống nông nghiệp tuần hoàn” của nhóm sinh viên Trần Vũ Hoài An, Phan Văn Hoài Luân, Huỳnh Quí Nguyệt, Trương Ái Vy tham gia lĩnh vực Kinh doanh tạo tác động xã hội.

Hãy theo dõi kỳ 3 của NTTU STARTUP: Cùng nghe những dự án khởi nghiệp kể chuyện để xem hành trình khởi nghiệp của nhóm bạn này như thế nào nhé!

Hồng Quang

NTTU STARTUP: Cùng nghe những dự án khởi nghiệp kể chuyện – Kỳ 1

NTTU STARTUP: Cùng nghe những dự án khởi nghiệp kể chuyện – Kỳ 2

Tin tức khácXem thêm