NTTU STARTUP: Cùng nghe những dự án khởi nghiệp kể chuyện – kỳ 4
NTTU – Với Sofa, những thành quả từ dự án khởi nghiệp này là điều vô cùng ngẫu nhiên, bởi xuất phát điểm của đề tài nghiên cứu này thực chất là từ một khoá luận tốt nghiệp ngành Công nghệ sinh học.
Dự án “Bộ sản phẩm SOFa ứng dụng trong hệ thống nông nghiệp tuần hoàn” được triển khai với mục đích ưu tiên sức khỏe là trên hết. Với xu hướng nông nghiệp hữu cơ bền vững hiện nay, nhóm đã tận dụng những nguồn lực sẵn có cùng với chuyên môn, nhóm đã cùng nhau nghiên cứu phát triển sản phẩm theo hướng vi sinh hữu cơ nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường sản xuất sản phẩm hữu cơ. Dự án gồm 5 sản phẩm: Sản phẩm SOFa Bio-decomposer; Sản phẩm Humic plus; Sản phẩm SOFa Vaccino; Sản phẩm Vanre; Sản phẩm Nutri super. Nhóm mong muốn đưa bộ 5 sản phẩm ứng dụng vào nông nghiệp sản xuất hiện nay góp phần vào nền nông nghiệp hữu cơ bền vững, sản xuất và xuất khẩu trái cây, nông sản,… đạt các tiêu chuẩn cơ sở, tiêu chuẩn Việt Nam, VietGAP, Global GAP,.. Nhóm đã đưa bộ phận kỹ thuật đến các vườn trồng nông nghiệp trực tiếp gặp nông dân để tư vấn chăm sóc và triển khai ứng dụng sản phẩm sinh học vào trồng trọt để sản phẩm đạt chất lượng sạch.
Dùng Khoá luận tốt nghiệp để khởi nghiệp
Nhóm bạn Trần Vũ Hoài An, Phan Văn Hoài Luân, Huỳnh Quí Nguyệt, Trương Ái Vy tham gia thực tập để làm khoá luận phục vụ tốt nghiệp. Thế nhưng, cơ duyên nào đó đã đẩy các bạn tiến bước vào con đường khởi nghiệp từ chính khoá luận của mình.
Trao đổi với NTTU, bạn Quí Nguyệt – Trưởng nhóm dự án Sofa cho biết, từ tháng 6/2022, nhóm tham gia thực tập để làm khoá luận tốt nghiệp, các bạn được tiếp xúc trực tiếp và nghiên cứu vi sinh để am hiểu hơn về những tác dụng đối với cây trồng. Từ đó, đã nung nấu trong lòng những cô cậu sinh viên này một con đường mới, đó chính là khởi nghiệp.
Tung sản phẩm ra thị trường từ ngày 14/10/2022, bộ sản phẩm Sofa gồm 5 sản phẩm: SOFa Bio-decomposer, Humic plus, SOFa Vaccino, Vanre và Nutri super. Sofa mong muốn đưa những sản phẩm này ứng dụng vào nông nghiệp sản xuất hiện nay, góp phần vào nền nông nghiệp hữu cơ bền vững, sản xuất và xuất khẩu trái cây, nông sản… đạt các tiêu chuẩn cơ sở, tiêu chuẩn Việt Nam, VietGAP, Global GAP…
Tính đến thời điểm hiện tại, bộ sản phẩm Sofa đang được sử dụng trên rau màu bởi tính chất ngắn ngày và hiệu suất cao. Theo Quí Nguyệt, hiện nay việc tiếp cận với khách hàng được thực hiện theo hình thức online, do đó đối tượng khách hàng mà nhóm tìm đến đều không giới hạn. Hiện nay, nhóm có 3 đại lý tại Bình Định, Lâm Đồng và Tiền Giang, thời gian tới Sofa muốn đưa con số này lên gấp 4 – 5 lần hiện tại.
Các sản phẩm của Sofa đang được cung cấp ở nhiều tỉnh thành như: Lâm Đồng, Tiền Giang, … Đặc biệt, đối với diện tích trồng rau màu của tỉnh Lâm Đồng đang là điều kiện thuận lợi để nhóm đẩy mạnh việc thử nghiệm sản phẩm. Nguyệt chia sẻ thêm, tại Lâm Đồng, nhóm đã bán được hơn 500 sản phẩm chỉ trong vòng chưa đầy 6 tháng. Con số này đã nói lên chất lượng và kết quả mang lại cho rau màu cũng như môi trường đất.
Muốn đứng trong top đầu các doanh nghiệp sản xuất vi sinh tại Việt Nam
Chia sẻ về những dự định trong thời gian tới của nhóm, Quí Nguyệt cho biết, nhóm sẽ nỗ lực để những sản phẩm hiện nay không chỉ sử dụng trên rau màu mà còn được sử dụng trên những loại cây ăn quả lâu năm như: sầu riêng, mít, nhãn, xoài, bưởi, … Đồng thời, giấc mơ lớn của Sofa đó là trở thành một trong những doanh nghiệp dẫn đầu trong công nghệ sản xuất vi sinh tại Việt Nam.
Theo Quí Nguyệt, để thực hiện được “tham vọng” trên, nhóm cần vượt qua nhiều rào cản, mà trước mắt đó là vấn đề về nhân sự. Nguyệt chia sẻ thêm, thành viên của nhóm luôn không ổn định bởi lịch thực tập và làm khoá luận của các bạn khác nhau. Bên cạnh đó, nhiều bạn lựa chọn con đường sự nghiệp để đảm bảo ổn định hơn ngay khi ra trường.
Bên cạnh đó, kiến thức để thực hiện khởi nghiệp cũng là một yếu tố cản trở nhóm đi đến thành công như hôm nay. Theo Quí Nguyệt, dù là sinh viên ngành Công nghệ sinh học, có thể đảm nhiệm được các yêu cầu chuyên môn trong quá trình nghiên cứu, thế nhưng các kiến thức về kinh doanh, kế toán, quản trị nhân lực đều là điều mà nhóm cần bổ sung rất nhiều.
Rất may mắn nhóm nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ Ban giám hiệu trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng như Trung tâm Ươm tạo và Sáng tạo khởi nghiệp NIIC về những kiến thức kinh doanh, khởi nghiệp. Đồng thời, sự cố vấn của các mentor là những đóng góp to lớn để sản phẩm của nhóm có thể tiếp cận gần hơn với thực tế, từ đó thu hút được các nhà đầu tư để sản phẩm có thể xuất hiện trên thị trường một cách rộng rãi.
Và đó là câu chuyện khởi nghiệp của Sofa với dự án “Bộ sản phẩm SOFa ứng dụng trong hệ thống nông nghiệp tuần hoàn” do nhóm sinh viên Trần Vũ Hoài An, Phan Văn Hoài Luân, Huỳnh Quí Nguyệt, Trương Ái Vy với sự hướng dẫn của ThS. Huỳnh Văn Hiếu.
NTTU xin cảm ơn Quí Nguyệt đã cùng đồng hành và chia sẻ về hành trình mà nhóm đã thực hiện. NTTU chúc những dự định mà các bạn hướng đến sẽ trở thành hiện thực. Dù phía trước có khó khăn gì thì cũng đừng nản chí các bạn nhé!
Trong kỳ tiếp theo của NTTU STARTUP: Cùng nghe những câu chuyện khởi nghiệp kể chuyện, NTTU rất vinh hạnh được trò chuyện cùng một trong những mentor hướng dẫn dự án để cùng lắng nghe những đánh giá và góp ý cho sự thành công ngày hôm nay nhé!
Hồng Quang
NTTU STARTUP: Cùng nghe những câu chuyện khởi nghiệp kể chuyện – kỳ 1
NTTU STARTUP: Cùng nghe những câu chuyện khởi nghiệp kể chuyện – kỳ 2
NTTU STARTUP: Cùng nghe những câu chuyện khởi nghiệp kể chuyện – kỳ 3