Việt Nam là quốc gia có sự phát triển mạnh mẽ về Robot và Trí tuệ nhân tạo, nhưng nguồn nhân lực đang “rất mỏng”.
NTTU – Hiện nay Robot và trí tuệ nhân tạo đang dần đi vào cuộc sống của chúng ta, biến những điều tưởng chừng như không tưởng trở thành hiện thực. Thậm chí, sự phát triển mạnh mẽ của nó còn có thể phát minh ra được những máy móc, thiết bị thay thế cho hoạt động của con người. Dự đoán rằng trong tương lai, ngành này sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa vượt lên cả những gì chúng ta có thể nghĩ đến. Cùng tìm hiểu thông tin chi tiết về chuyên ngành Robot và Trí tuệ nhân tạo thuộc ngành Công nghệ kỹ thuật cơ – điện tử tại NTTU được đào tạo như thế nào bạn nhé.
Robot và trí tuệ nhân tạo là ngành học đào tạo về các lĩnh vực công nghệ điện tử trong robot và AI (artificial intelligence). Trong đó, trọng tâm hướng đến phần bộ não của robot, lập trình cho robot và các thiết bị tự động sử dụng robot.
Sinh viên theo học chuyên ngành này sẽ được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng, phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp, qua đó đảm bảo khả năng ứng dụng các nguyên lý kỹ thuật và kỹ năng công nghệ vào các nhiệm vụ thực tế.
Ngành học robot và trí tuệ nhân tạo cũng được ứng dụng trong rất nhiều các lĩnh vực trong đời sống. Các sản phẩm được tạo ra trong ngành học này cũng được sử dụng với mục đích tối ưu hóa và tiết kiệm chi phí cho con người.
Chuyên ngành Robot và trí tuệ nhân tạo ở nước ta được xếp vào nhóm ngành kỹ thuật điện, điện tử để “điều hướng” phần thông minh của robot đồng thời lập trình cho robot những tính năng nhất định phục vụ từng mục đích cụ thể. Để nâng cao khả năng cạnh tranh kinh tế và đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa, trong Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020, hướng đến năm 2025, Việt Nam đặt ưu tiên vào robot công nghiệp và tự động hóa công nghệ cao. Xu hướng sử dụng robot đòi hỏi doanh nghiệp phải có lao động có tay nghề cao.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt những tập đoàn lớn như Samsung, Toshiba, Vinfast, Trường Hải, … đang có nhu cầu rất cao về tự động hóa và robot giữ vai trò chủ đạo. Đồng thời, doanh nghiệp cần các kỹ sư về robot, dây chuyền sản xuất công nghiệp … đòi hỏi khả năng xử lý liên quan đến trí tuệ nhân tạo, điều khiển thông minh, … Trong lĩnh vực giao thông vận tải, robot thông minh có nhiều ứng dụng mạnh, đặc biệt là xe tự hành và các robot di động phục vụ vận tải hàng hóa khoa bãi logistics.
Thực tế cho thấy chuyên ngành Robot & Trí tuệ nhân tạo tại nước ta đang rất khan hiếm nhân lực có trình độ cao. Do đó, các bạn trẻ đam mê ngành học này yên tâm ra trường không lo bị “ế” đâu nhé. Hơn nữa, mức thu nhập trung bình của ngành này rất cao lên đến 22.000USD/năm và có thể cao hơn trong tương lai. Các vị trí công việc mà một kỹ sư Robot & Trí tuệ nhân tạo có thể đảm nhiệm khi ra trường rất đa dạng:
+ Thiết kế, tích hợp, lập trình, vận hành, bảo trì, sửa chữa hệ thống robot và trí tuệ nhân tạo; phát triển phần mềm học máy, học sâu, thị giác máy và trí tuệ nhân tạo;
+ Quản lý, kiểm định đánh giá dự án, tư vấn giải pháp, tư vấn thiết kế, giám sát dự án về hệ thống robot – trí tuệ nhân tạo;
+ Bán hàng, tư vấn kỹ thuật và cung cấp dịch vụ kỹ thuật Robotics;
Chương trình đào tạo Kỹ sư Công nghệ Kỹ thuật Robot và Trí tuệ nhân tạo tập trung vào việc ứng dụng các kỹ thuật điều khiển hiện đại, tiên tiến để thiết kế, chế tạo và vận hành robot và các hệ thống, thiết bị tự động sử dụng robot dưới sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo. Chương trình được thiết kế với bốn nhánh kiến thức trọng tâm: kỹ thuật robot, thị giác máy tính, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo. Các khối kiến thức này được kết hợp một cách linh hoạt và phù hợp để giúp người học lĩnh hội lượng tri thức đầy đủ trước khi thực hiện khóa luận tốt nghiệp. Đó là thời điểm người học tự mình thiết kế những mẫu robot yêu thích, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật hiện đại, cũng như tự mình xây dựng bộ não thông minh cho robot trước khi chính thức trở thành các kỹ sư robot và AI thế hệ mới. Do đó, chương trình được thiết kế với 71% thời lượng cho khối kiến thức chuyên nghiệp (cơ sở ngành 27%, chuyên ngành 36%, thực tập và khóa luận tốt nghiệp 8%). Trong đó, 63% các học phần trên đều có phần thực hành trên các hệ thống máy tính, mô hình robot và các trang thiết bị hiện đại. Phần lớn các học phần được thiết kế theo phương pháp tích hợp. Phương pháp này giúp người học được áp dụng và trải nghiệm các kiến thức lý thuyết mình vừa lĩnh hội ngay tại lớp học.
Các kỹ sư Robot và AI tương lai không chỉ cần vững vàng về kiến thức chuyên môn mà còn phải tự tin, bản lĩnh trong quá trình làm việc và phát triển bản thân. Do đó, chương trình này đã dành ra một thời lượng đáng kể lên đến 22% cho các học phần liên quan đến các kỹ năng mềm (giao tiếp, làm việc nhóm và khởi nghiệp) và ngoại ngữ.
Bên cạnh các giờ học lý thuyết và thực hành trên lớp, sinh viên sẽ được tham gia các nhóm nghiên cứu dưới sự hướng dẫn tận tình của các giảng viên và sự hỗ trợ kinh phí rất lớn từ trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Sinh viên cũng được bố trí một phòng nghiên cứu riêng với đầy đủ trang thiết bị cần thiết để phát triển các ứng dụng liên quan đến robot, IoT, thị giác máy, tự động hóa, cơ điện tử, …. Đồng thời, rất nhiều “sân chơi kỹ thuât” thú vị sẽ được tổ chức thường niên để sinh viên giao lưu, học hỏi và nâng cao năng lực chuyên môn.
Thực hiện: Cẩm Thạch