Việt Nam đối mặt nguy cơ “dịch chồng dịch”

NTTU – Trong khi nguy cơ Covid-19 có thể bùng phát trở lại thì số ca bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm A có chiều hướng gia tăng, ngoài ra, nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập cũng là một vấn đề đáng lo ngại

Đó là thông tin được quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu tại Hội nghị trực tuyến về Công tác phòng chống dịch bệnh hồi đầu tháng 08.

Trong bảy tháng đầu năm, Bộ Y tế ghi nhận hơn 9 triệu ca Covid-19 mới và đang xu hướng tăng trở lại do xuất hiện các biến chủng phụ mới của Omicron như BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn những biến chủng trước, mới nhất là chủng BA.2.12.1, BA.2.75. Tính đến ngày 31/7, Việt Nam đã tiếp nhận khoảng 253 triệu liều vắc-xin các loại, phân bổ 249 triệu liều cho các địa phương tiến hành tiêm chủng, còn 3,7 triệu liều chưa phân bổ. Công tác tiêm vắc-xin vẫn đang được đẩy mạnh.

Trong khi đó, từ đầu năm đến nay dịch sốt xuất huyết cũng bùng phát trên diện rộng với 136.075 ca, 45 trường hợp tử vong trên cả nước. So với cùng kỳ năm 2021, số ca bệnh tăng 3,2 lần, số tử vong tăng 31 trường hợp.

Đối với dịch sốt xuất huyết, hiện chưa có thuốc đặc hiệu và vắc-xin phòng bệnh nên biện pháp tốt nhất vẫn là tăng cường các biện pháp phòng bệnh như: diệt muỗi và lăng quăng. Người dân cần chú ý các vật dụng chứa nước vì việc phun hóa chất diệt muỗi chỉ là biện pháp cấp bách để giảm nhanh số muỗi tăng trưởng, nhưng khi hóa chất hết hiệu lực, lứa muỗi mới lại phát sinh. Vậy nên các biện pháp phòng dịch cần triển khai quyết liệt, bền bỉ và đồng bộ để nhanh chóng kiểm soát được dịch.

Bên cạnh đó, dịch cúm A hiện cũng đang bùng phát mạnh mẽ. Bộ Y tế cho biết theo báo cáo của Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, trong thời gian gần đây, số trường hợp mắc bệnh cúm không có sự khác biệt so với những năm trước đây. Tuy nhiên, số ca nhập viện có xu hướng tăng tại một số bệnh viện tuyến cuối và một số tỉnh, thành phố. Trong đó phần lớn là các trường hợp nhiễm cúm A (chiếm 97,6% số trường hợp dương tính với cúm theo thống kê của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương). Từ đầu năm 2022 đến nay, số mắc cao nhất trong tháng Ba (37.442 trường hợp mắc), tháng Hai (28.199 trường hợp mắc), tháng Tư (21.992 trường hợp mắc).

Lý giải về việc bệnh nhân cúm A tăng trong mùa hè, TS. Nguyễn Lương Tâm – Phó cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), phân tích: “Trong 2 năm dịch COVID-19, người dân mang khẩu trang nhiều, thực hiện giãn cách, tuân thủ phòng chống dịch như thường xuyên rửa tay sát khuẩn nên số ca cúm A ít. Tuy nhiên sau khi khống chế được COVID-19, người dân chủ quan hơn trong phòng chống dịch, ví dụ không đeo khẩu trang khi xuất hiện nơi công cộng. Bên cạnh đó, yếu tố thời tiết thay đổi thất thường cũng khiến bệnh phát triển”.

Về dịch bệnh đầu mùa khỉ, ngày 23/07/2022, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã quyết định ban bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu vì làn sóng bùng phát các ca mắc đậu mùa khỉ tại nhiều nơi trên thế giới. Tuy Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ nhưng Bộ Y tế đánh giá nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam của bệnh đậu mùa khỉ là rất cao. Để sẵn sàng ứng phó với dịch, không để bị động, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương chỉ đạo các đơn vị xây dựng ngay kịch bản khi nước ta xếp vào nhóm 2, 3 (tức là quốc gia ghi nhận ca bệnh và có sự lây lan).

Hơn thế nữa, 6 tháng cuối của năm là cao điểm của mùa mưa, dự báo tình hình dịch bệnh sẽ ngày càng phức tạp. Nếu không có các biện pháp phòng bệnh ngay từ bây giờ thì nguy cơ bùng dịch, chồng dịch rất lớn.

“Nguy cơ dịch chồng dịch là hiện hữu, trong khi hiện có tình trạng chủ quan, lơ là, thiếu cảnh giác trong phòng chống dịch, nhất là một số địa phương tiến độ tiêm vắc-xin COVID chưa đạt yêu cầu”, đó là phát biểu của quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan, và cũng theo quan điểm của bà, phòng dịch từ sớm, từ xa, từ cơ sở; “tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không để dịch bùng phát trở lại”.

Hà Mỹ Nhân – Khoa Kỹ thuật xét nghiệm y học (tổng hợp)

Tài liệu tham khảo

Tin tức khácXem thêm