Ung thư vú: dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán
NTTU – Theo thống kê của Tổ chức Ung thư Toàn cầu (GLOBOCAN), trong năm 2020, có hơn 2,2 triệu phụ nữ được chẩn đoán mắc ung thư vú và gần 685.000 ca tử vong do căn bệnh này. Tại châu Á, ung thư vú chiếm 45% tổng số ca mắc trên toàn cầu và dự kiến số ca mắc sẽ tăng 20,9%, trong khi tỷ lệ tử vong sẽ tăng 27,8% trong giai đoạn 2020-2030
Ở Việt Nam, ung thư vú cũng là loại ung thư đứng hàng đầu, chiếm tới 25,8% các trường hợp ung thư ở nữ giới với 21.555 người mới được phát hiện bệnh và 9.345 bệnh nhân tử vong.
Ung thư vú là sự phát triển bất thường của các tế bào lót trong các tiểu thùy hoặc ống dẫn vú. Những tế bào này phát triển không kiểm soát và có khả năng lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể. Mặc dù ung thư vú hiếm gặp ở nam giới, cả nam giới và phụ nữ đều có thể mắc bệnh này. Người chuyển giới nữ và người không thuộc giới tính nhị phân cũng có thể mắc ung thư vú. Phụ nữ chuyển giới sử dụng liệu pháp hormone để giảm nội tiết tố nam và tăng cường nội tiết tố nữ có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư vú.
Trang bị đầy đủ kiến thức về căn bệnh này là cần thiết để phát hiện sớm các triệu chứng liên quan đến ung thư vú.
Dấu hiệu và triệu chứng của ung thư vú
Đôi khi một số trường hợp mắc không có các triệu chứng cụ thể. Ung thư vú thường được phát hiện khi chụp nhũ ảnh hoặc thăm khám vú bởi bác sĩ. Một số triệu chứng của ung thư vú:
- Xuất hiện khối u mới hoặc dày lên ở vú, đặc biệt chỉ xuất hiện ở một bên vú;
- Có vết loét núm vú hoặc thay đổi hình dạng của núm vú;
- Núm vú chảy dịch hoặc bị thụt vào trong;
- Thay đổi kích thước hoặc hình dạng của vú;
- Da vú bị lõm hoặc nhăn nheo;
- Vùng vú cảm thấy khó chịu hoặc sưng ở vùng nách;
- Phát ban hoặc sưng đỏ ở ngực;
- Cơn đau liên tục không liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt, kéo dài sau kỳ kinh và chỉ xảy ra ở một bên vú;
Nguyên nhân gây ung thư vú
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư vú bao gồm:
- Tuổi cao, độ tuổi trung bình chuẩn đoán của ung thư vú năm 2023 là 62 tuổi;
- Tiền sử gia đình có người mắc ung thư vú;
- Di truyền các đột biến trong gen BRCA2, BRCA1 và CHEK2;
- Tiếp xúc với hormone nữ (tự nhiên hoặc nhân tạo) thường xảy ra ở các bệnh nhân chuyển giới nữ;
- Bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt trước tuổi 12;
- Chẩn đoán ung thư vú trước đây;
- Tiền sử mắc một số tình trạng bệnh liên quan vú không phải ung thư;
Các yếu tố lối sống cũng có thể làm tăng nhẹ nguy cơ ung thư vú ở nam và nữ bao gồm:
- Thừa cân;
- Thiếu hoạt động thể chất;
- Uống rượu;
Ngoài ra, còn có mối liên hệ với một số bệnh lý lành tính ở vú và tiền sử tiếp xúc với phóng xạ trong quá khứ.
Phương pháp kiểm tra, chẩn đoán
Khám vú
Nếu nhận thấy sự thay đổi bất thường ở vú, bác sĩ sẽ tiến hành khám và kiểm tra trực tiếp về hình dạng, kích thước, độ cứng… ở cả 2 vú. Ngoài ra, các hạch bạch huyết phía trên xương đòn và phía trên cánh tay cũng được kiểm tra để xem có xuất hiện dấu hiệu sưng to hay không. Bệnh sử cá nhân, bao gồm bất kỳ yếu tố nguy cơ nào liên quan đến ung thư vú, chẳng hạn như tuổi tác, tiền sử gia đình mắc bệnh và lối sống cũng được ghi nhận để đánh giá nguy cơ.
Chụp nhũ ảnh
Chụp nhũ ảnh là phương pháp chụp X-quang liều thấp có thể phát hiện những thay đổi nhỏ. Bạn nên cho nhân viên y tế biết nếu có cấy ghép vú trước khi chụp nhũ ảnh.
Chụp nhũ ảnh
Siêu âm
Siêu âm vú là kỹ thuật sử dụng sóng siêu âm để khảo sát và tái tạo hình ảnh, cấu trúc của tuyến vú, giúp phát hiện các bất thường về hình thái tuyến vú.
Sinh thiết
Nếu nghi ngờ ung thư vú, bác sĩ sẽ sinh thiết một phần mô vú để bác sĩ giải phẫu bệnh khảo sát dưới kính hiển vi.
Sinh thiết vú
Các kỹ thuật hình ảnh khác
Trong trường hợp ung thư vú đã được chẩn đoán, các thăm dò hình ảnh bổ sung có thể được chỉ định để đánh giá khả năng di căn xa, thường bao gồm chụp cắt lớp vi tính (CT scan) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI scan).
Hình ảnh khối u vú trái trên MRI
Sau khi được chẩn đoán mắc ung thư vú, bạn có thể cảm thấy sốc, buồn bã, lo lắng hoặc hoang mang. Đây là những phản ứng hoàn toàn bình thường. Việc chia sẻ cảm xúc và lo lắng với bác sĩ, gia đình và bạn bè có thể giúp bạn giải tỏa căng thẳng, nhận được sự thấu hiểu và hỗ trợ tinh thần cần thiết. Bạn có thể thảo luận với bác sĩ về các phương pháp điều trị, cân nhắc lợi ích và nguy cơ của từng phương pháp, đồng thời đưa ra quyết định phù hợp nhất với mong muốn và tình trạng sức khỏe của bản thân. Quá trình điều trị ung thư vú có thể gây ra nhiều thách thức về mặt thể chất và tinh thần. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ từ đội ngũ y tế, gia đình và bạn bè, bạn hoàn toàn có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này và chiến thắng căn bệnh.
ThS. Quốc Kỳ Duyên – Khoa K.TXNYH (tổng hợp)
Tài liệu tham khảo
- Understanding Breast Cancer, Cancer Council Australia © 2020. Last medical review of source booklet: July 2020.
- Australian Institute of Health and Welfare. Cancer data in Australia [Internet]. Canberra: Australian Institute of Health and Welfare, 2023 [cited 2023 Sept 04]. Available from: https://www.aihw.gov.au/reports/cancer/cancer-data-in-australia