NTTU cùng các nhà khoa học “đi tìm” giải pháp cho an ninh lương thực, an toàn thực phẩm
Ngày 09/10, tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã diễn ra “Hội thảo khoa học quốc gia: Nông nghiệp bền vững vì an ninh lương thực và an toàn thực phẩm: AFS 2024” – diễn đàn về khoa học công nghệ để các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, cơ quan chức năng, doanh nghiệp… chia sẻ các kiến thức và kinh nghiệm, thảo luận các thách thức và giải pháp trong việc phát triển một nền nông nghiệp bền vững nhằm đảm bảo an ninh lương thực và nâng cao an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng
AFS 2024 do Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đăng cai và phối hợp với Hội Khoa học và Công nghệ lương thực thực phẩm Việt Nam (VAFoST), các trường đại học: Tiền Giang, Cần Thơ và nhiều đơn vị đồng hành khác cùng tổ chức. Chương trình có sự tham dự của PGS.TS. Nguyễn Duy Lâm – Chủ tịch VAFoST; GS.TS. Trần Đại Lâm – Viện trưởng Viện Kỹ thuật nhiệt đới, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; đặc biệt là có trên 300 đại biểu là các nhà khoa học, chuyên gia, giảng viên, nghiên cứu sinh và hơn 200 học viên, sinh viên từ các trường đại học, viện, trung tâm nghiên cứu, tổ chức, công ty/doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, khoa học sự sống, công nghệ thực phẩm và công nghệ sau thu hoạch tại TP.HCM và các địa phương vùng Đồng bằng Sông Cửu Long cùng đến tham gia.
PGS.TS. Trần Thị Hồng, PGS.TS. Bạch Long Giang đại diện Ban tổ chức trao hoa và thư cảm ơn các đơn vị đồng tổ chức, nhà tài trợ
PGS.TS. Nguyễn Duy Lâm cùng đại diện Ban tổ chức trao hoa và thư cảm ơn các báo cáo viên
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Trần Thị Hồng – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Trưởng ban tổ chức, cho biết: “AFS là sự kiện ý nghĩa và quan trọng – không chỉ riêng với các đơn vị giáo dục như Trường ĐH Nguyễn Tất Thành mà là cả toàn bộ ngành nông nghiệp và thực phẩm Việt Nam trong bối cảnh mà nhu cầu về an ninh lương thực an toàn thực phẩm ngày càng trở nên cấp bách. Và hội thảo hôm nay sẽ là diễn đàn kết nối các nhà khoa học, các đơn vị nghiên cứu về lĩnh vực an toàn thực phẩm và an ninh lương thực… cùng trao đổi học và các kết quả nghiên cứu mới mà đặc biệt là chia sẻ giải pháp trong việc phát triển một nền nông nghiệp bền vững. Đây chính là giải pháp tất yếu cho an ninh lương thực và an toàn thực phẩm để đảm bảo cuộc sống của hàng triệu người dân và cũng là để bảo vệ môi trường sống cho các thế hệ mai sau”.
PGS.TS. Trần Thị Hồng – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Trưởng ban tổ chức, phát biểu khai mạc hội thảo
Phát biểu đề dẫn hội thảo Nông nghiệp bền vững vì an ninh lương thực và an toàn thực phẩm, PGS.TS. Nguyễn Duy Lâm – Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ lương thực thực phẩm Việt Nam, khẳng định rằng: “Phát triển nông nghiệp bền vững là một nội dung lớn trong mục tiêu phát triển bền vững nói chung, giúp bảo đảm an ninh lương thực, duy trì môi trường sinh thái, đồng thời góp phần vào quá trình phát triển bền vững của toàn xã hội trên tất cả các lĩnh vực”. Mục đích đặt ra của phát triển nông nghiệp bền vững do đó chính là kiến tạo ra một nền sản xuất nông nghiệp bền vững cả về mặt lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, gắn với bảo vệ môi trường, vừa có tốc độ tăng trưởng vừa đạt năng suất, chất lượng đảm bảo đáp ứng bền vững và ổn định lương thực, thực phẩm, nguyên liệu cho sản xuất và tiêu dùng trong nước, xuất khẩu cả trước mắt và lâu dài.
“AFS 2024 sẽ đem đến nhiều thông tin hữu ích cho tất cả các đại biểu tham dự hội thảo – dù là đại diện từ doanh nghiệp, nhà sản xuất, kinh doanh hay là nhà khoa học, đào tạo, nhà quản lý thực phẩm…”, PGS.TS. Nguyễn Duy Lâm tin tưởng về vai trò của chương trình.
Trong phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Duy Lâm – Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ lương thực thực phẩm Việt Nam, bày tỏ nhiều băn khoăn về “hệ thống thực phẩm bền vững” và móc xích liên quan đến “nông nghiệp bền vững” Việt Nam hiện nay
Hội thảo AFS 2024 gồm một phiên toàn thể và năm tiểu ban với gần 150 báo cáo. Trong đó, với các bài được chọn đăng tại Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (ISSN 1859–4581), Tạp chí Khoa học và Công nghệ Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (ISSN 2615–9015) sẽ được tính điểm trong Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước.
Phiên toàn thể hội thảo tập hợp các nghiên cứu hàng đầu đã cung cấp một cái nhìn toàn diện về các giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam. Từ ứng dụng công nghệ nano trong sản xuất phân bón, khai thác nguồn tài nguyên từ phụ phẩm nông nghiệp, đến xây dựng chuỗi giá trị nông sản an toàn và phát triển kinh tế tuần hoàn, các nghiên cứu đã cho thấy tiềm năng to lớn trong việc chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường. Đặc biệt, những kết quả và đề xuất trong các nghiên cứu này không chỉ có ý nghĩa thực tiễn đối với khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long mà còn mở rộng trên phạm vi cả nước, tạo nền tảng quan trọng cho việc hoạch định chính sách và triển khai các giải pháp cụ thể để xây dựng nền nông nghiệp thịnh vượng, bền vững, có khả năng thích ứng với những thách thức trong tương lai.
GS.TS. Trần Đại Lâm trình bày báo cáo mở đầu phiên toàn thể hội nghị
Tại các phiên tiểu ban song song, các đại biểu tiếp tục báo cáo và thảo luận về các vấn đề liên quan đến Ứng phó với biến đổi khí hậu và môi trường trong nông nghiệp và thuỷ sản; Tận dụng tài nguyên phế phụ phẩm nông nghiệp, phát triển nguồn nguyên liệu thực phẩm bền vững, đảm bảo an ninh lương thực và nâng cao giá trị kinh tế cho nông sản Việt Nam; Khoa học và công nghệ xanh trong bảo quản và chế biến nông sản thực phẩm; Phát triển sản phẩm dinh dưỡng an toàn; Công nghệ sản xuất thực phẩm an toàn, dinh dưỡng, thân thiên với môi trường nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững trong ngành nông nghiệp và chế biến thực phẩm.
Ngày mai 10/10, các đại biểu còn có một số hoạt động trong khuôn khổ AFS 2024 là tham quan, tham dự một số sự kiện tại Triển lãm Quốc tế Food Ingredient Viet Nam 2024, Hội thảo khoa học “Xu hướng và tiến bộ mới về thành phần nguyên liệu và công nghệ trong ngành thực phẩm chức năng” do VAFoST và Tập đoàn Informa Markets tổ chức tại Trung tâm Triễn lãm và Hội nghị Sài Gòn (quận 7, TP.HCM).
Đại diện Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tham gia AFS 2024 có:
Ngoài ra còn có nhiều nhà nghiên cứu và giảng viên của Trường tham gia làm chủ toạ phản biện tại các phiên tiểu ban: PGS.TS. Nguyễn Thành Nho (tiểu ban 1), PGS.TS. Đinh Văn Phúc (tiểu ban 4, phiên 1), PGS.TS. Võ Thanh Sang (tiểu ban 4, phiên 2). |
>>> (Hình ảnh đang chờ cập nhật)
Tin bài: Thanh Hương
Ảnh: Ban Media