Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tổ chức Lớp tập huấn hướng dẫn tra cứu thông tin sáng chế

NTTU – Nhằm nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, sinh viên năm học 2022 – 2023 sáng ngày 13/7/2023 Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã tổ chức lớp tập huấn Hướng dẫn tra cứu thông tin sáng chế. Đây là hoạt động cần thiết đối với Nhà trường để có thể định hướng phát triển sản phẩm, tránh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người khác và xây dựng tài sản sỡ hữu trí tuệ

Tham dự có khách mời là ông Trần Giang Khuê, Trưởng đại diện phía Nam của Cục Sở hữu trí tuệ; PGS.TS. Từ Diệp Công Thành, Giám đốc Trung tâm Sở hữu trí tuệ và Chuyển giao công nghệ – Đại học Quốc gia TP.HCM. Về phía lãnh đạo Trường có sự tham dự của PGS.TS. Trần Thị Hồng, Phó Hiệu trưởng Nhà trường, cùng đại diện Trưởng/Phó các đơn vị, các giảng viên đến từ các khoa và nghiên cứu viên đến từ các Viện nghiên cứu trong Trường.

Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Trần Thị Hồng nêu rõ Trường ĐH Nguyễn Tất Thành định hướng trở thành đại học đổi mới sáng tạo và khẳng định sự quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo Nhà trường dành cho hoạt động sở hữu trí tuệ, với mong muốn các kết quả nghiên cứu được đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích độc quyền để khẳng định chất lượng cũng như vị thế của Nhà trường. Và để đạt được kết quả này, việc tra cứu các thông tin sáng chế phục vụ cho việc xây dựng ý tưởng đề cương nghiên cứu và thực hiện đến kết quả cuối cùng là một công tác rất quan trọng, cần được quan tâm. Lãnh đạo Nhà trường cũng mong muốn trong thời gian tới, số lượng đơn đăng ký sáng chế, số lượng các patent của Trường sẽ ngày một tăng cao và hy vọng có thể chuyển giao công nghệ cũng như thương mại hóa…

PGS.TS. Trần Thị Hồng phát biểu tại chương trình 

Trao đổi với lớp tập huấn, ông Trần Giang Khuê – Trưởng đại diện phía Nam của Cục Sở hữu trí tuệ đã nêu ra những thuận lợi và khó khăn các đơn vị và cá nhân gặp phải trong quá trình chuẩn bị hồ sơ, tra cứu thông tin và hoàn thiện sáng chế để nộp theo quy định. Thông qua lớp tập huấn, ông Trần Giang Khuê đã giới thiệu và về cơ sở dữ liệu, phương pháp và hướng dẫn thực hành cách tra cứu thông tin sáng chế, hướng dẫn quy trình tra cứu và các bước thủ tục đăng ký.

Ông Trần Giang Khuê – Trưởng đại diện phía Nam của Cục Sở hữu trí tuệ giới thiệu và về cơ sở dữ liệu, phương pháp và hướng dẫn thực hành cách tra cứu thông tin sáng chế

Tra cứu thông tin sáng chế là một bước quan trọng trong quy trình đăng ký sở hữu trí tuệ. Việc xác định thông tin sáng chế chính là khái quát hóa giải pháp bằng cách đặt ra và trả lời các câu hỏi: mục đích của sáng chế là gì? Giải pháp là quy trình hay sản phẩm? Quy trình gồm bao nhiêu bước? Sản phẩm có cấu tạo như thế nào? Quy trình hoặc sản phẩm thực hiện/sử dụng như thế nào? Từ khóa mô tả tổng quan cho quy trình hoặc sản phẩm? Việc tra cứu thông tin sáng chế sẽ cho phép giảng viên-nghiên cứu viên tìm thấy các thông tin liên quan về xu hướng phát triển gần đây của một loạt lĩnh vực đang quan tâm. Trên thực tế, trong một số lĩnh vực công nghệ, những phát triển đầu tiên, mới và độc quyền chỉ được bộc lộ trong tài liệu sáng chế. Điều này sẽ giúp các giảng viên – nghiên cứu viên định vị được nghiên cứu của mình đồng thời có các tài liệu tham chiếu, bổ trợ và minh chứng cho tính độc đáo trong nghiên cứu của mình. Việc tra cứu sáng chế dễ dàng và chính xác hơn nhiều so với tra cứu bài báo công bố, bởi các khối lượng dữ liệu khổng lồ về sáng chế được cập nhật liên tục, với các công cụ tìm kiếm được thiết kế một cách tối ưu, cho phép người dùng dễ dàng tìm kiếm các sáng chế liên quan đến nội dung đang nghiên cứu.

Từ năm 2018 đến nay Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã đẩy mạnh hoạt động sở hữu trí tuệ trong trường. Hoạt động đăng ký sở hữu trí tuệ các kết quả nghiên cứu của giảng viên – nghiên cứu viên là chủ trương của lãnh đạo nhà trường được khuyến khích và ủng hộ.

Song song đó, mỗi năm, Nhà trường đều tổ chức các khóa tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên – nghiên cứu viên, trong đó sở hữu trí tuệ là một nội dung trọng tâm. Qua các khóa tập huấn sẽ cung cấp các thông tin về quyền sở hữu trí tuệ trong trường đại học diễn ra ở hoạt động giảng dạy, nghiên cứu và thương mại; trao đổi các giải pháp thúc đẩy năng lực sáng tạo và đăng ký quyền sở hữu trí tuệ trong các trường đại học Việt Nam nói chung và Trường ĐH Nguyễn Tất Thành nói riêng. Tập huấn, hướng dẫn, khuyến khích giảng viên, các nhà nghiên cứu đăng ký quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm, ý tưởng của mình.

Sau một thời gian thực hiện việc thúc đẩy sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã thu lại được một số thành quả quan trọng. Hiện tại, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã có 22 đơn đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích độc quyền trong đó đã được cấp 1 bằng độc quyền sáng chế và 2 bằng giải pháp hữu ích.

Bài: Phòng Khoa học Công nghệ

Ảnh: Media 

Tin tức khácXem thêm