Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tổ chức Hội thảo một số mô hình đào tạo tiến sĩ trên thế giới

NTTU – Các trường đại học đóng vai trò như một trụ cột trong hệ thống đổi mới sáng tạo của các quốc gia, thông qua các sứ mệnh như cung cấp nguồn nhân lực, thúc đẩy tiến bộ khoa học – kỹ thuật. Trong những năm qua, kinh tế tri thức trở thành vấn đề ưu tiên trong chiến lược phát triển của hầu hết các nước trên thế giới, đòi hỏi một lực lượng lao động có kỹ năng cao trong việc nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tri thức, công nghệ mới, cung cấp kỹ năng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Nắm bắt được xu hướng phát triển và hội nhập với quốc tế, thích ứng với Cách mạng công nghiệp 4.0 vừa qua Trường Đại học Nguyễn Tất Thành tổ chức Hội thảo “Một số mô hình đào tạo tiến sĩ trên thế giới” tại cơ sở 300A Nguyễn Tất Thành, Phường 13, Quận 4.

Hội thảo thu hút sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học, các giảng viên, các nghiên cứu sinh của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành 

Hội thảo là cơ hội để các nhà khoa học và giảng viên, nghiên cứu viên trao đổi, thảo luận cho ý kiến về các nội dung như: các yếu tố cấu thành chất lượng đào tạo; đánh giá thực trạng; đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng mô hình đào tạo tiến sĩ ở các cơ sở đào tạo tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung trong giai đoạn hiện nay. Để từ đó góp phần quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.
Tham dự hội thảo, về phía diễn giả có sự hiện diện của GS.TSKH. Nguyễn Ngọc Thành – Giáo sư chính thức của Đại học Khoa học và Công nghệ Wroclaw Ba Lan, Thành viên Hội đồng Giáo sư Nhà nước Ba Lan, Thành viên Ủy ban Tin học Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan. Ông là giáo sư được mời và thỉnh giảng tại nhiều trường đại học như Đại học Friedrich-Alexander (Đức), Đại học Vrije ở Amsterdam (Hà Lan), Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Nhật Bản (Nhật Bản), Đại học Yeungnam (Hàn Quốc), Đại học Công nghệ Sydney (Úc), Đại học Quốc gia Cao Hùng (Đài Loan) và Đại học Autónoma de Madrid (Tây Ban Nha). Ông đã đứng đầu một số dự án nghiên cứu được tài trợ bởi các chương trình của EU như COST, DAAD, Polonor và National Foundation of Research and Development; chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Quốc gia và Ủy ban Châu Âu trong việc đánh giá dự án nghiên cứu trong các chương trình như MSCA-IF, REA-FET, EUREKA và COST.

GS.TSKH. Nguyễn Ngọc Thành trình bày tại Hội thảo

Về phía Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có sự tham dự của TS. Nguyễn Lan Phương – Phó Hiệu trưởng kiêm Viện trưởng Viện Đào tạo sau đại học; TS. Nguyễn Tuấn Anh – Phó Hiệu trưởng kiêm Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế; PGS.TS. Bạch Long Giang – Trưởng phòng Khoa học Công nghệ; các thầy cô Trưởng/Phó các Khoa đang đào tạo sau đại học, các Viện nghiên cứu và hơn 80 giảng viên, nhà nghiên cứu của Trường.
Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Bạch Long Giang – Trưởng phòng Khoa học Công nghệ gửi lời cảm ơn sâu sắc đến chuyên gia đã dành thời gian quý báu để chia sẻ kiến thức cần thiết cho quá trình phát triển nền kinh tế tri thức của Nhà trường. PGS.TS. Bạch Long Giang cho biết: “Nghiên cứu sinh phải thực sự coi đây là công việc của họ để toàn tâm toàn ý, từ đây mới tạo nên động lực đúng đắn, thúc đẩy nhà khoa học hoàn thành tốt công việc của mình, quá trình đào tạo tiến sĩ không chỉ có nghiên cứu mà còn giúp nghiên cứu sinh ngày càng trưởng thành hơn, hoàn thiện kỹ năng cơ bản thiết yếu để nhận được lại thành quả sau hành trình dài miệt mài nghiên cứu. Những giải pháp then chốt là tăng cường xây dựng, đầu tư dài hơi cho các nhóm nghiên cứu mạnh, đồng thời các trường đại học phải thu hút được nhà khoa học đầu ngành và nhân tài, hội nhập với quốc tế, thích ứng với Cách mạng công nghiệp 4.0”.

PGS.TS. Bạch Long Giang – Trưởng phòng Khoa học Công nghệ phát biểu tại hội thảo 

Hội thảo tạo diễn đàn để các nhà khoa học trao đổi, thảo luận các vấn đề liên quan đến chất lượng mô hình đào tạo tiến sĩ trên thế giới, đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng mô hình đào tạo tiến sĩ ở các cơ sở đào tạo tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung điển hình như: mô hình đào tạo ở Mỹ, Úc, Anh, Thuỵ Sĩ, Đức, Tây Ban Nha, Ý… trong giai đoạn hiện nay. Để từ đó nâng cao chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ, tạo điều kiện hội nhập với đào tạo trình độ tiến sĩ của khu vực và thế giới; giảm thiểu thủ tục hành chính; phát huy quyền tự chủ của các cơ sở đào tạo tiến sĩ căn cứ vào điều kiện đặc thù của từng trường và từng ngành.
Bên cạnh đánh giá thực trạng đào tạo, những thuận lợi – khó khăn hội thảo còn trao đổi về đào tạo tiến sĩ ở các nước tiêu biểu về các vấn đề như: yêu cầu đầu vào, chương trình đào tạo, cách đánh giá quá trình học và luận án, các hoạt động học thuật khác của NCS,… Trên cơ sở đó, đại biểu đã thảo luận và đưa ra những đề xuất, giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ trong thời gian tới. Theo đó, các ý kiến đề xuất tập trung vào các vấn đề về xây dựng bộ tiêu chí, thang đo đánh giá đầu vào phù hợp; bổ sung môn thi viết cùng với hình thức thi vấn đáp như hiện nay; nghiên cứu sinh phải có kế hoạch học tập chi tiết, giảng viên hướng dẫn và bộ môn quản lý chuyên môn phối hợp chặt chẽ kiểm tra tiến độ thực hiện; tuân thủ đúng thời gian đánh giá và lên điểm; tính chủ động và sự đầu tư nghiêm túc của nghiên cứu sinh; đồng thời tăng cường các hoạt động học thuật như hội thảo khoa học, seminar, trợ giảng, tham gia hướng dẫn luận văn;…
Ngoài việc truyền tải các thông tin, tại hội thảo quý thầy cô lãnh đạo các Khoa/Viện đã có một số câu hỏi dành cho chuyên gia, cụ thể như: (1) Tính khả thi về thời gian đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam ngắn hơn các nước trên thế giới được quy định theo Luật giáo dục đại học, phù hợp với Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1981/QĐ-TTg ngày 18 tháng 10 năm 2016 (giảm bớt các yêu cầu về quy trình, thủ tục không cần thiết để các cơ sở giáo dục đại học tự quyết và tự chịu trách nhiệm, đảm bảo chuẩn mực về chất lượng, tuyển sinh, đề cao tính công bằng, khách quan, trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục); (2) Lĩnh vực Văn hóa – Du lịch nên tập trung vào hướng nghiên cứu nào để phù hợp cho sự phát triển, đáp ứng nhu cầu xã hội hiện nay và vươn xa trên thị trường lao động, hội nhập quốc tế. Thông qua những trao đổi giữa những người tham gia với chuyên gia, chứng tỏ mức độ quan tâm và nhu cầu tìm hiểu về các vấn đề liên quan về xây dựng chương trình, hình thức đào tạo tiến sĩ cho các khối ngành tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.
Chú trọng phát triển đào tạo sau đại học là một trong những mục tiêu phát triển của Trường nhằm đào tạo đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học đóng vai trò quan trọng vào quá trình nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ, đóng góp tăng trưởng nguồn tài nguyên tri thức – tăng cường tiềm lực phát triển kinh tế và xã hội cho đất nước. Các chương trình đào tạo sau đại học của Trường luôn liên tục được cải tiến theo chuẩn quốc tế, nhiều chương trình hợp tác, trao đổi học thuật được triển khai, không chỉ ổn định về đào tạo chuyên ngành mà còn được đổi mới về nội dung, phương pháp đào tạo, đặc biệt theo định hướng gắn kết đào tạo với nghiên cứu khoa học, đa dạng hóa chương trình. Với bề dày truyền thống của Trường, cùng với đội ngũ nhân lực đáp ứng đủ yêu cầu về số lượng, chất lượng; điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật; hệ thống thư viện với nguồn tài liệu phong phú, đa dạng…Trường ĐH Nguyễn Tất Thành khẳng định hoàn toàn có đầy đủ khả năng để được mở và thực hiện đào tạo các ngành sau đại học đạt chất lượng cao. Theo học tại Trường các học viên, nghiên cứu sinh có thể lĩnh hội kiến thức, nâng cao trình độ và phương pháp quản trị hiện đại, tăng lợi thế thích ứng trong thị trường lao động nhiều sự thay đổi nhanh; mang lại cho người học một tầm nhìn bao quát toàn diện, cập nhật nhiều trải nghiệm thực tiễn để phát triển và thăng tiến trong sự nghiệp.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

 

Ngọc Giàu (Phòng Khoa học Công nghệ)

Tin tức khácXem thêm