Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tham quan không gian số tại các nước Châu Âu
NTTU – Từ ngày 21/6 đến ngày 01/7, đoàn đại biểu gồm 11 trường đại học và tổ chức giáo dục Việt Nam đã thực hiện chuyến tham quan học tập tại các trường đại học hàng đầu châu Âu, nhằm tìm hiểu kinh nghiệm chuyển đổi số trong giáo dục đại học và xây dựng hệ sinh thái công nghệ số hiện đại. Đoàn công tác Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có 3 thành viên, do TS. Trần Ái Cầm – Hiệu trưởng Nhà trường dẫn đầu
Chuyến tham quan được tổ chức trong khuôn khổ dự án ACCEES (Thúc đẩy phát triển hệ sinh thái công nghệ số trong giáo dục đại học tại Việt Nam), nhằm học hỏi kinh nghiệm từ các trường đại học tiên phong về chuyển đổi số, để từ đó xây dựng chiến lược phát triển hệ sinh thái công nghệ số phù hợp cho các trường đại học Việt Nam. Đoàn tham quan bao gồm đại diện từ 11 trường đại học và tổ chức giáo dục Việt Nam, gồm: Trường Đại học Cần Thơ, Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Tổ chức Đại học Pháp ngữ, Trường Đại học Hà Nội, Trường Đại học Giao thông Vận tải, Khoa Quốc tế Pháp ngữ – ĐHQG Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa – ĐH Đà Nẵng, Đại học Kinh tế TP. HCM, Trường Đại học Nông Lâm TP. HCM, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành và Trường Đại học Sư phạm TP. HCM.
Trong suốt 10 ngày, đoàn công tác Trường ĐH Nguyễn Tất Thành sẽ tham quan 03 địa điểm chính gồm: Đại học Mons tại thành phố Mons, Vương quốc Bỉ; Đại học Strasbourg tại thành phố Strasbourg, Pháp; Đại học Patras tại thành phố Patras, Hy Lạp.
Chuyến tham quan tập trung vào việc học tập kinh nghiệm về không gian học tập sáng tạo và chuyển đổi số trong giáo dục đại học. Đoàn đã khám phá các mô hình tiên tiến như Fab Lab Le Click tại UMONS với công nghệ AI, IoT, robot và in 3D; không gian L’@telier hỗ trợ giảng viên thiết kế bài giảng sáng tạo và Le Studium với tỷ lệ hỗ trợ cao tại Đại học Strasbourg; cùng với hệ thống thư viện số kết nối toàn cầu và mô hình học tập kết hợp linh hoạt tại Đại học Patras.
Chuyến tham quan đã giúp NTTU học hỏi về các mô hình không gian số tại các trường đại học Châu Âu
Bên cạnh đó, Đoàn đã trải nghiệm trực tiếp các không gian học tập sáng tạo, tham quan các trung tâm công nghệ hiện đại và trao đổi với các chuyên gia giáo dục. Tại UMONS, đoàn được giới thiệu về mô hình Blended Learning với 30% giảng viên tham gia và hệ thống quản lý chất lượng Equip. Tại Strasbourg, đoàn tìm hiểu về triết lý “học tập lấy người học làm trung tâm” với tỷ lệ hỗ trợ 1 cán bộ cho 20 giảng viên và 1 cán bộ cho 40 sinh viên. Tại Patras, đoàn khám phá mô hình kết hợp giữa truyền thống triết học và công nghệ hiện đại.
Tại Đại học Mons tại thành phố Mons, Vương quốc Bỉ: Đoàn đã tham quan và trải nghiệm hệ sinh thái học tập số tiên tiến tại UMONS, bao gồm Fab Lab Le Click – không gian hỗ trợ khởi nghiệp công nghệ với các công cụ AI, IoT, robot và in 3D; thư viện số ứng dụng AI thông minh; dự án NUMONS và hệ thống quản lý chất lượng Equip; cùng với mô hình Blended Learning được 30% giảng viên áp dụng. Trải nghiệm trực tiếp các không gian sáng tạo công nghệ, tham quan thư viện số thông minh và tìm hiểu cách UMONS tích hợp công nghệ, tư duy khởi nghiệp và quản trị chất lượng. Đoàn được giới thiệu về cách thức hỗ trợ khởi nghiệp công nghệ thông qua Fab Lab và mô hình học tập kết hợp đang được triển khai rộng rãi.
Tại Đại học Strasbourg tại thành phố Strasbourg, Pháp: Đoàn đã tham quan và trải nghiệm hai không gian học tập số tiêu biểu tại Đại học Strasbourg: L’@telier – không gian hỗ trợ giảng viên thiết kế bài giảng sáng tạo, trao đổi và thảo luận; và Le Studium – mô hình thư viện học tập kết hợp với tỷ lệ hỗ trợ cao (1 cán bộ cho 20 giảng viên và 1 cán bộ cho 40 sinh viên). Bên cạnh đó, chuyến tham quan nhằm tìm hiểu triết lý “học tập lấy người học làm trung tâm” của Đại học Strasbourg, để học hỏi kinh nghiệm về cách cá nhân hóa học tập và nâng cao chất lượng hỗ trợ giảng viên, sinh viên trong môi trường số. Trải nghiệm trực tiếp các không gian học tập được thiết kế chuyên biệt, tìm hiểu cách thức vận hành L’@telier với vai trò hỗ trợ giảng viên chuẩn bị bài giảng hiệu quả, và khám phá mô hình Le Studium với tỷ lệ hỗ trợ cao đảm bảo mọi người nhận được sự hỗ trợ cần thiết.
Tại Đại học Patras tại thành phố Patras, Hy Lạp: Đoàn đã khám phá mô hình độc đáo tại Đại học Patras – nơi giao thoa giữa truyền thống triết học và công nghệ hiện đại, với hệ thống học tập kết hợp linh hoạt và thư viện số kết nối toàn cầu, tạo nên một môi trường học tập mở và chia sẻ tri thức. Chuyến tham quan nhằm tìm hiểu cách Đại học Patras ứng dụng triết lý cổ điển Hy Lạp vào chuyển đổi số, với việc nhấn mạnh yếu tố con người, cộng đồng và chia sẻ tri thức trong môi trường học tập hiện đại. Trải nghiệm mô hình học tập kết hợp linh hoạt, tìm hiểu cách thức kết nối sinh viên với các hoạt động học tập hiệu quả và gắn kết cộng đồng học thuật. Đoàn cũng khám phá hệ thống thư viện số hỗ trợ chia sẻ nguồn tài nguyên, tạo điều kiện thuận lợi cho học tập và nghiên cứu.
Thúy Nga – Phòng Đảm bảo chất lượng