Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đẩy mạnh hoạt động NCKH và chuyển giao ứng dụng thông qua triển khai các đề tài nghiên cứu cấp Trường
NTTU – Trong thời gian từ ngày 13/9/2021 đến ngày 25/9/2021, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã tổ chức họp Hội đồng nghiệm thu các đề tài cấp cơ sở của các đơn vị Viện Kỹ thuật Công nghệ cao, Khoa Cơ khí – Điện – Điện tử – Ô tô, Khoa Công nghệ thông tin và Khoa Kiến trúc -Xây dựng-Mỹ thuật Ứng dụng thông qua hình thức trực tuyến.
PGS.TS. Trần Thị Hồng – Phó hiệu trưởng Nhà trường đã chủ trì các các hội đồng nghiệm thu đề tài cấp cơ sở cùng với các nhà khoa học, chuyên gia đến từ các đơn vị như Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên-Đại học Quốc gia Tp.HCM, Viện Khoa học Vật liệu ứng dụng, Trường ĐH Duy Tân, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Đại học FPT, Trường ĐH Mở Tp.HCM.
Hội đồng xét duyệt và nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Trường
Theo đó, Hội đồng đã nghiệm thu thành công các đề tài nghiên cứu gồm:“Nghiên cứu thiết kế và thi công bộ GATEWAY GSM -LORA” của ThS. Hồ A Lil (Khoa Cơ khí – Điện – Điện tử – Ô tô); “Thiết kế và chế tạo mô hình hệ thống phanh điều khiển tự động phục vụ công tác dạy học” của ThS. Phạm Minh Trí (Khoa Cơ khí – Điện – Điện tử – Ô tô); “Nghiên cứu chế tạo gel siêu hấp thụ nước từ các polymer tự nhiên và diatomite bằng phương pháp chiếu xạ làm chất giữ ẩm trong nông nghiệp” của ThS. Trần Lệ Trúc Hà (Ngành Công nghệ sinh học-Viện Kỹ thuật Công nghệ cao); “Nghiên cứu tính giải được, tính chất nghiệm và các thuật giải số bài toán biên cho phương trình giả parabolic” của TS. Nguyễn Hữu Nhân (Khoa Công nghệ thông tin).
Ngoài ra, Hội đồng cũng đã xét duyệt cho các đề tài của Khoa Kiến trúc-Xây dựng-Mỹ thuật Ứng dụng gồm: “Mô phỏng 3D biện pháp thi công cột, dầm sàn và cầu thang” của ThS. Đặng Duy Khanh; “Đánh giá sức chịu tải của cọc barrette công trình nhà nhiều tầng bằng phương pháp thí nghiệm Osterberg (o-cell)” của TS. Ngô Đức Trung.
Được biết trong thời gian tới Trường Đại học Nguyễn Tất Thành sẽ tiếp tục tập trung định hướng các đề tài trong việc ứng dụng công nghệ tạo ra các sản phẩm phục vụ công tác đào tạo. Đối với một số ngành đặc thù cần thực hành, thực tập nhiều, việc lồng ghép các nội dung kết hợp giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học để đi từ giảng đường đến phòng thí nghiệm, phòng thực hành là hướng triển khai phù hợp. Những hướng nghiên cứu này đáp ứng được nhu cầu thực tiễn, phục vụ công tác đào tạo đồng thời nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho giảng viên, phù hợp với chủ trương định hướng chiến lượng phát triển của Nhà trường.
Phòng Khoa học Công nghệ