Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã và đang tiếp cận đúng với đại học đổi mới sáng tạo ở nhiều phương diện

NTTU – Đó là lời phát biểu của GS.TS.NGND Nguyễn Hữu Đức tại Tọa đàm về xây dựng mô hình đại học khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Chương trình do trường ĐH Nguyễn Tất Thành tổ chức vào sáng 14/6, tại cơ sở quận 4.

Tham dự chương trình, về phía khách mời có: GS.TS.NGND Nguyễn Hữu Đức – Tổ trưởng Tổ tư vấn Ủy ban Quốc gia Đổi mới Giáo dục, Nguyên Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội, Thành viên sáng lập Hệ thống xếp hạng đối sánh chất lượng giáo dục đại học UPM; Trần Trúc Phương – Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Đào tạo Kinh tế Quốc tế, Chủ tịch sáng lập Đồng Khởi Group; Ông Hứa Phú Doãn – Chủ tịch CLB Doanh nghiệp trường ĐH Nguyễn Tất Thành; Ông Nguyễn Ngọc Thanh Chung – Phó chủ tịch CLB Doanh nhân Bến Tre; Ông Nguyễn Đức Bình – Giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp Nhỏ và Vừa (VCCI TP. HCM).

Về phía trường ĐH Nguyễn Tất Thành có sự góp mặt của TS. Trần Ái Cầm – Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS. Trần Thị Hồng – Phó Hiệu trưởng Nhà trường cùng toàn thể các Thầy cô là trưởng/phó các đơn vị, phòng ban, đại diện các doanh nghiệp và các trường đại học trên địa bàn TP. HCM.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, TS. Trần Ái Cầm – Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho biết, chiến lược phát triển Trường ĐH Nguyễn Tất Thành giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2035 hướng đến phát triển theo mô hình đại học thông minh, định hướng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Văn hoá đổi mới sáng tạo bước đầu đã được Nhà trường thiết lập một cách đồng bộ, trên tất cả các lĩnh vực từ quản trị, lãnh đạo quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng đến các dịch vụ mà trường đại học cung cấp. “Mô hình đại học khởi nghiệp, đại học khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã và đang là xu hướng chính của giáo dục đại học. Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo không phải thực hiện một cách đơn lẻ, mà là tạo ra sự thay đổi lan tỏa, kiến tạo hệ sinh thái, hình thành và thúc đẩy các giá trị văn hóa khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo để trường đại học đạt được sứ mạng của mình.” – TS. Cầm nhấn mạnh.

 TS. Trần Ái Cầm – Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho rằng mô hình đại học khởi nghiệp, đại học khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã và đang là xu hướng chính của giáo dục đại học

Thông qua tọa đàm, các doanh nghiệp, chuyên gia và quý thầy cô sẽ có cái nhìn thực tiễn từ góc nhìn của các bên liên quan bên trong và bên ngoài trường, cùng nhận diện các yếu tố đặc trưng của một trường đại học khởi nghiệp, đánh giá tầm quan trọng, sự cần thiết và mức độ đáp ứng dựa trên các yếu tố. Từ đó có sơ sở để xây dựng, phát triển mô hình vận hành của một trường đại học khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Theo GS.TS.NGND Nguyễn Hữu Đức – Tổ trưởng Tổ tư vấn Ủy ban Quốc gia Đổi mới Giáo dục, Nguyên Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội, Thành viên sáng lập Hệ thống xếp hạng đối sánh chất lượng giáo dục đại học UPM, mối quan tâm của xã hội trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không phải là tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm mà là tỷ lệ sinh viên khởi nghiệp và khởi nghiệp thành công. Chính vì thế, chuyển đổi mô hình giáo dục sang khởi nghiệp, đối mới sáng tạo chính là xu hướng và là yếu tố bắt buộc của các trường đại học trong kỷ nguyên 4.0.  Về mô hình đại học khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tại trường ĐH Nguyễn Tất Thành, GS. Đức đánh giá, trường ĐH Nguyễn Tất Thành đang tiếp cận đúng với Đại học khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo ở cả mô hình, giải pháp, quản trị và chỉ số.

GS.TS.NGND Nguyễn Hữu Đức đánh giá, trường ĐH Nguyễn Tất Thành đang tiếp cận đúng với Đại học khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo ở cả mô hình, giải pháp, quản trị và chỉ số

Trong khuôn khổ của tọa đàm, đại diện các doanh nghiệp, trường đại học đã cùng nhau thảo luận, đưa ra những ý kiến về xây dựng mô hình đại học khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trong đó, việc thành lập doanh nghiệp trong trường đại học được đại đa số đại biểu tham dự đồng thuận và tán thành.

Các doanh nghiệp, chuyên gia, giảng viên đồng nhất với ý kiến thành lập doanh nghiệp trong trường đại học

Từ nhiều năm qua, trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã thành công trong công tác đào tạo và định hướng khởi nghiệp cho sinh viên, điều này có thể thấy rõ qua bề dày thành tích nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp của giảng viên và sinh viên trường ĐH Nguyễn Tất Thành với nhiều giải thưởng tiêu biểu cấp trường và cấp Bộ. Đến nay, thực tiễn công tác khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của Nhà trường đã được nhìn nhận ngày càng sâu rộng hơn thông qua nhiều hội thảo, tọa đàm về đại học khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Bên cạnh môn Khởi nghiệp đã được Nhà trường triển khai giảng dạy từ năm 2016, trong thời gian tới trường ĐH Nguyễn Tất Thành sẽ hình thành Module về đổi mới sáng tạo và hướng đến phát triển chương trình đào tạo đổi mới sáng tạo, đồng thời thí điểm đưa môn học Kỹ năng số và tư duy sáng tạo vào giảng dạy ở bậc đại học, tương lai sẽ là bậc cao học. Ngoài ra, trường ĐH Nguyễn Tất Thành tiếp tục thực hiện gắn kết mối quan hệ giữa Nhà trường – Doanh nghiệp trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu cho đến chuyển giao công nghệ, thương mại hoá sản phẩm.

Chiến lược phát triển trường ĐH Nguyễn Tất Thành giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến 2030 hướng đến trở thành một trường đại học đổi mới sáng tạo, đa ngành, đa lĩnh vực, có tính hội nhập cao, đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực có năng lực khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, hội nhập và có sức cạnh tranh cao trong thị trường lao động, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam, khu vực và Quốc tế. Chính vì thế, công tác đổi mới sáng tạo sẽ được Nhà trường thực hiện đồng bộ ở các lĩnh vực như: quản trị, đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng.

Mô hình đại học khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành hiện đang được vận hành trên 05 cột trụ chính:

    • Đổi mới Bộ chỉ số quản trị đại học;
    • Định hướng đào tạo từ giáo dục theo nội dung sang giáo dục dựa trên CĐR, hướng đến sự thành đạt và khả năng làm chủ của người học sau tốt nghiệp;
    • Duy trì và phát triển đội ngũ nhân sự, các giảng viên, nhà khoa học giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm;
    • Phát triển năng lực khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và năng lực số dựa trên nền tảng tư duy Design Thinking cho cả người dạy và người học;
    • Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Được nhìn nhận là một trong số ít các cơ sở giáo dục đại học tiên phong với mô hình đại học khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, việc trường ĐH Nguyễn Tất Thành tiếp cận, xây dựng mô hình và lan tỏa văn hóa đại học khởi nghiệp đổi mới sáng tạo không chỉ hoàn toàn phù hợp với bối cảnh thay đổi của giáo dục đại học, mà còn thích ứng với chủ trương và định hướng phát triển Chiến lược của Thành phố Hồ Chí Minh là “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo lấy sự phát triển của khoa học công nghệ làm nền tảng; hình thành và đẩy mạnh phát triển trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh”.

Trường ĐH Nguyễn Tất Thành

Ảnh: Media

Tin tức khácXem thêm