Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có thêm 5 chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định chất lượng theo TT 04/2016 của Bộ GD&ĐT
NTTU – Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục ĐHQG Hà Nội đã trao chứng nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng theo Thông tư 04 của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho 5 chương trình: Y học dự phòng, Thanh nhạc, Đông phương học, Thiết kế nội thất và Quản lý tài nguyên và môi trường của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành. Lễ trao chứng nhận nằm trong khuôn khổ Lễ khai giảng chào đón năm học mới 2023 – 2024 và Gala chào đón Tân sinh viên khóa 2023
Các chương trình đào tạo của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành được thực hiện đánh giá theo Thông tư 04/2016/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo với 11 tiêu chuẩn, 50 tiêu chí. Theo kết luận của Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục ĐHQG Hà Nội, tất cả các tiêu chuẩn/tiêu chí đánh giá của 5 chương trình đào tạo gần như đáp ứng đầy đủ theo chuẩn kiểm định.
Cụ thể, chương trình đào tạo Cử nhân Thanh nhạc đạt 86%; Chương trình đào tạo Cử nhân Đông Phương học đạt 88%; Cử nhân Thiết kế nội thất đạt 88%; Chương trình đào tạo Bác sĩ Y học dự phòng đạt 92%; Cử nhân Quản lý tài nguyên và môi trường đạt 94%. Trong đó, Y học dự phòng và Thanh nhạc là 2 chương trình đào tạo đầu tiên tại Việt Nam tham gia kiểm định chất lượng theo Thông tư 04 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
“Với 5 chương trình đào tạo tham gia kiểm định có đến 2 chương trình lần đầu tiên tại Việt Nam thực hiện kiểm định đã thể hiện được tính dẫn dắt, tinh thần chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học, mà ở đây là Trường ĐH Nguyễn Tất Thành” – TS. Tạ Thị Thu Hiền – Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục ĐHQG Hà Nội đánh giá tại lễ bế mạc phiên khảo sát chính thức diễn ra trước đó.
5 CTĐT đạt chuẩn kiểm định chất lượng gồm: Y học dự phòng, Thanh nhạc, Đông phương học, Thiết kế nội thất và Quản lý tài nguyên và môi trường
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã có 37 chương trình đào tạo đạt chuẩn chất lượng và gắn sao. Trong đó, có 21 chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định chất lượng theo Thông tư 04/2016/TT-BGD&ĐT, 8 chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định theo bộ tiêu chuẩn QUN-QA, 8 chương trình được gắn sao của tổ chức UPM. TS. Trần Ái Cầm – Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho biết, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành luôn kiên định phương châm “Lấy chất lượng làm nền tảng cốt lõi để phát triển bền vững; tiếp cận đa chiều để tiếp tục kiện toàn và phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong”, chính vì thế các hoạt động đảm bảo chất lượng, kiểm định, gắn sao chính là sự giải trình của Nhà trường đối với người học và xã hội.
TS. Trần Ái Cầm phát biểu chào mừng và đề ra mục tiêu cho năm học mới 2023 – 2024
Thay mặt lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đã biểu dương những cố gắng nỗ lực mà các thế hệ cán bộ, giảng viên, nhân viên và sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành. Trong hoạt động bảo đảm chất lượng, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đánh giá cao sự tích cực của Nhà trường trong việc nâng cao các điều kiện đảm bảo chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đào tạo và kiểm định chương trình đào tạo theo định hướng phát triển, hội nhập với giáo dục quốc tế.
Phát biểu chỉ đạo về công tác đào tạo, đảm bảo chất lượng tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng yêu cầu Nhà trường tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác với các trường đại học, tổ chức quốc tế để tranh thủ kinh nghiệm, tiếp cận các chương trình đào tạo tiên tiến và công nghệ đào tạo hiện đại. Bên cạnh đó, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, địa phương để phát huy tiềm năng, thế mạnh của Nhà trường, lấy nhu cầu của thực tiễn sản xuất làm mục tiêu đổi mới hoạt động giảng dạy và nâng cao chất lượng đào tạo.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng biểu dương những cố gắng nỗ lực của tập thể sư phạm Trường ĐH Nguyễn Tất Thành
Năm học 2023 – 2024 là năm thứ 2 Trường ĐH Nguyễn Tất Thành thực hiện Chiến lược phát triển Trường Đại học Nguyễn Tất Thành giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2035” hướng đến trở thành đại học khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Một trong những công việc quan trọng để hiện thực hóa chiến lược trên chính là phát triển các chương trình đào tạo, quy mô đào tạo các bậc, các loại hình đào tạo, đồng bộ với chiến lược phát triển nguồn thu. Đồng thời, tăng cường chiến lược quốc tế hóa, phát triển nhanh một số mô hình đào tạo mới, lĩnh vực và ngành học mới, hiện đại, nhất là các ngành học đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thực hiện: Hồng Quang
Ảnh: Media
Tin tức cùng chuyên mục: