Trường Đại học Nguyễn Tất Thành tích cực tham gia dự án ACCESS, chuẩn bị khởi động chính thức

Trường Đại học Nguyễn Tất Thành vui mừng thông báo về sự tham gia tích cực vào dự án ACCESS (Thúc đẩy phát triển hệ sinh thái công nghệ số trong giáo dục đại học tại Việt). Đây là một sáng kiến chiến lược nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học thông qua ứng dụng công nghệ số. Dự án, do Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) khởi xướng và được tài trợ bởi chương trình Erasmus+, hiện đang chuẩn bị cho giai đoạn khởi động chính thức.

Từ ý tưởng đến hiện thực

Ý tưởng xây dựng dự án ACCESS được AUF khởi xướng từ năm 2019 nhưng bị gián đoạn do đại dịch COVID-19. Sau đó, một bước phát triển quan trọng là hội thảo cùng xây dựng dự án của hàng chục đối tác tiềm năng, được tổ chức tại Trường Đại học Cần Thơ vào tháng 09/2023, với sự tham gia và đóng góp tích cực của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Dự án quy tụ 14 đơn vị thụ hưởng, bao gồm 9 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam, 3 cơ sở giáo dục đại học châu Âu, AUF, Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NASATI) và 12 đối tác liên kết là các doanh nghiệp và tổ chức kinh tế-xã hội. Sau hội thảo, hồ sơ chi tiết dự án ACCESS tiếp tục được biên soạn hoàn chỉnh và nộp ứng tuyển chương trình Erasmus+ vào tháng 2 năm 2024. Đến tháng 7 năm 2024, dự án đạt điểm số 87/100 và được chọn tài trợ, đứng trong số 25 dự án tại châu Á từ tổng 151 dự án được duyệt tài trợ trong 972 hồ sơ ứng tuyển, đánh dấu thành công và sự đóng góp quan trọng của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành trong việc hiện thực hóa ý tưởng ban đầu.

Hội thảo đồng xây dựng dự án ACCEES, Cần Thơ, từ ngày 13 đến 15/9/2023

Mục tiêu và chiến lược của dự án

Mục tiêu chính của ACCESS là thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái công nghệ số trong giáo dục đại học tại Việt Nam, nhằm nâng cao năng lực giảng dạy và học tập, đồng thời chuẩn bị cho sinh viên đối diện với những thách thức của thế kỷ XXI.

Dự án ACCESS đề ra năm mục tiêu chuyên biệt, bao gồm:

    • SO1: Tập hợp các sáng kiến nhằm củng cố hệ sinh thái công nghệ số và hoàn thiện chiến lược công nghệ số trong giáo dục đại học Việt Nam. Mục tiêu là xây dựng khung tham chiếu chuyển đổi số phù hợp với bối cảnh giáo dục đại học Việt Nam, đồng thời phát triển mạng lưới eduroam tại các trường đại học Việt Nam để kết nối với các cơ sở giáo dục toàn cầu.
    • SO2: Xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên số và các không gian học tập khuyến khích tinh thần đổi mới sáng tạo. Dự án sẽ tạo ra nền tảng chia sẻ tài nguyên giáo dục mở giữa các trường đại học và các không gian học tập số kiểu mẫu phù hợp với bối cảnh giáo dục Việt Nam và châu Á.
    • SO3: Phát triển hệ thống quản lý tích hợp các chương trình đào tạo cán bộ về sử dụng công nghệ số trong giáo dục đại học. Mục tiêu là xây dựng danh mục chương trình bồi dưỡng năng lực số và phát triển mạng lưới quốc gia các chuyên gia về công nghệ giáo dục tại Việt Nam.
    • SO4: Xây dựng khung tham chiếu năng lực số dành cho sinh viên cùng với các dịch vụ hỗ trợ đào tạo. Dự án hướng tới phát triển bộ chương trình bồi dưỡng năng lực số và chứng chỉ công nhận năng lực số Pix cho sinh viên đại học tại Việt Nam.
    • SO5: Tăng cường sự tham gia của các tổ chức, cá nhân thuộc lĩnh vực kinh tế – xã hội vào quá trình hoàn thiện khung pháp lý và trang bị năng lực nghề nghiệp cho sinh viên. Dự án mong muốn củng cố khuôn khổ pháp lý và khuyến khích chuyển đổi số trong giáo dục đại học, đồng thời củng cố quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục.

Chuẩn bị khởi đông chính thức

Với sự tham gia tích cực và chuẩn bị kỹ lưỡng, dự án ACCESS sắp chính thức khởi động. Tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, dự án do phòng Đảm bảo chất lượng phối hợp cùng với các đơn vị liên quan, cùng với các đối tác quan trọng như Trường Đại học Cần Thơ, NASATI, AUF, Đại học Strasbourg (Pháp), Đại học Mons (Bỉ), Đại học Patras (Hy Lạp) và nhiều đối tác khác, đang chuẩn bị cho các hoạt động triển khai đầu tiên của dự án.

Hướng tới tương lai

Sự tham gia của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành vào dự án ACCESS không chỉ khẳng định cam kết của trường trong việc nâng cao chất lượng giáo dục mà còn mở ra cơ hội hợp tác quốc tế và phát triển các chương trình đào tạo tiên tiến. Chúng tôi tin tưởng rằng dự án sẽ mang lại những lợi ích thiết thực và lâu dài cho hệ thống giáo dục đại học tại Việt Nam.

Để biết thêm thông tin chi tiết về dự án ACCESS và các hoạt động liên quan, xin vui lòng truy cập https://ntt.edu.vn/. Trang web của dự án đang được xây dựng và sẽ sớm ra mắt để cung cấp thông tin đầy đủ nhất xuyên suốt dự án.

TS. Trần Ái Cầm – Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành

Tin tức khácXem thêm