Trường đại học ngoài công lập duy nhất tại Việt Nam thụ hưởng Hệ sinh thái Công nghệ số trong giáo dục đại học

NTTU – Ngày 31/3/2025, dự án Thúc đẩy phát triển Hệ sinh thái Công nghệ số trong giáo dục đại học tại Việt Nam (ACCEES) chính thức khởi động tại Trường ĐH Cần Thơ. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành là trường đại học ngoài công lập duy nhất được lựa chọn là đối tượng thụ hưởng trong số 14 cơ sở giáo dục tham gia dự án này

Mục tiêu chính của dự án ACCEES là thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong giáo dục đại học Việt Nam theo các tiêu chuẩn quốc tế, nhằm nâng cao năng lực sư phạm của giảng viên và trang bị cho sinh viên những kỹ năng cần thiết để đối mặt với các thách thức mới trong thế kỷ XXI. Thông qua ACCEES, các trường đại học nói chung và Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có thể tăng cường ứng dụng công nghệ số trong các trường đại học Việt Nam, tạo ra một hệ sinh thái giáo dục số hiệu quả và bền vững.

Chuyển đổi số trong Giáo dục là vô cùng cần thiết, quá trình chuyển đổi số trong giáo dục đã đem lại rất nhiều lợi ích cho ngành giáo dục. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành được biết đến là một trong những đơn vị giáo dục triển khai chương trình chuyển đổi số từ khá sớm và đã được xây dựng thành mục tiêu trọng tâm. Từ năm 2017,  Nhà trường bắt đầu chú trọng việc tập huấn nâng cao nhận thức của đội ngũ giảng viên, cán bộ, nhân viên về vai trò và tầm quan trọng của chuyển đổi số; số hóa học liệu, bài giảng … để vận hành hệ thống giảng dạy E-Learning, sử dụng nền tảng số hóa bài giảng, mô phỏng mô hình tham quan thực tập nhà máy ảo… Năm 2021, Nhà trường triển khai thực hiện Chiến lược phát triển giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2035, trong đó tiếp tục đẩy mạnh mục tiêu “Chuyển đổi số” từ công tác quản trị – số hóa hệ thống hành chính đến “Chuyển đổi số” trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học…

Các chuyên gia đầu ngành về chuyển đổi số làm việc tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành

Chia sẻ về công tác tham gia dự án, TS. Trần Ái Cầm – Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho biết, những năm qua Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã chủ động trong việc đẩy mạnh chuyển đổi số với nhiều giải pháp hiệu quả trong công tác quản lý – điều hành, đào tạo, tuyển sinh, chăm sóc sinh viên,… mục tiêu trọng tâm được nêu trong Chiến lược phát triển của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2035. “Chuyển đổi số” đã mang lại nhiều sức bật, diện mạo mới của Nhà trường, giúp nâng cao năng lực quản trị, tạo ra các trải nghiệm mới cho người học, giá trị gia tăng cho các bên liên quan, thích ứng nhanh với tất cả bối cảnh, điều kiện tác động của môi trường bên ngoài. TS. Cầm nhấn mạnh, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tham gia vào dự án ACCESS không chỉ khẳng định cam kết của Nhà trường trong việc nâng cao chất lượng giáo dục mà còn mở ra cơ hội hợp tác quốc tế và phát triển các chương trình đào tạo tiên tiến. Nhà trường cũng tin tưởng rằng dự án sẽ mang lại những lợi ích thiết thực và lâu dài cho hệ thống giáo dục đại học tại Việt Nam.

Với dự án ACCEES này, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá trong việc phát triển hệ sinh thái số toàn diện, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu, đồng thời trang bị cho sinh viên những kỹ năng số thiết yếu để thích ứng với thị trường lao động trong kỷ nguyên số. Trường hướng đến việc trở thành một mô hình tiên phong trong chuyển đổi số giáo dục đại học tại Việt Nam, mở ra cơ hội hợp tác quốc tế mới và tạo môi trường học tập đổi mới sáng tạo cho thế hệ sinh viên tương lai. Thông qua dự án này, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cam kết đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.

Cùng ngày, Hội thảo quốc tế “Hệ sinh thái Công nghệ số trong Giáo dục Đại học tại Việt Nam theo các chuẩn mực quốc tế: Hiện trạng và triển vọng” cũng diễn ra tại nhiều đầu cầu tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, An Giang. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của đại diện lãnh đạo Trường Đại học Cần Thơ, các cơ sở giáo dục đại học thuộc dự án, các giáo sư diễn giả đến từ Australia và Nhật Bản, cùng cán bộ, giảng viên các trường thành viên của dự án. Hội thảo còn có sự góp mặt của các chuyên gia, doanh nghiệp và tổ chức đối tác liên kết với dự án.

Đoàn công tác của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành do TS. Trần Ái Cầm – Hiệu trưởng Nhà trường dẫn đầu, tham gia hội thảo.

Phát biểu khai mạc, GS. Nicolas Maïnetti, Giám đốc Khu vực, AUF Châu Á – Thái Bình Dương, nhấn mạnh mục tiêu của hội thảo là nâng cao nhận thức về các yếu tố then chốt trong chiến lược chuyển đổi số giáo dục đại học, đánh giá hiện trạng và các điều kiện cần thiết cho chiến lược chuyển đổi số tại Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số từ các quốc gia phát triển và chính thức khởi động dự án ACCEES.

Hội thảo thu hút sự tham gia của hàng trăm nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia về chuyển đổi số

Tại hội thảo, các diễn giả đã trình bày các tham luận nâng cao năng lực số cho giảng viên và sinh viên, phát triển nội dung số chất lượng cao, cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại để hỗ trợ quá trình giảng dạy và học tập.

Dự án ACCESS được AUF khởi xướng từ năm 2019 nhưng bị gián đoạn do đại dịch COVID-19. Dự án ACCEES đã được Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ cùng 14 đối tác đại học và cơ quan quản lý Nhà nước tại Việt Nam và châu Âu chung tay xây dựng từ năm 2023. Bên cạnh đó, còn có 12 doanh nghiệp và tổ chức kinh tế – xã hội tham gia trong vai trò đối tác liên kết, đại diện cho một bộ phận quan trọng trong hệ sinh thái công nghệ số bao quanh các cơ sở giáo dục đại học.

Hồ sơ dự án ACCEES đã được nộp ứng tuyển cho Chương trình Erasmus+ 2024 của Liên minh Châu Âu (EU), và đã trúng tuyển với kết quả xuất sắc 87/100, thuộc nhóm 16% các dự án được duyệt tài trợ, với tổng kinh phí được EU cấp là 1.000.000 EUR (tương đương gần 27 tỷ đồng), triển khai trong bốn năm 2025-2028.

9 đối tác đại học tại Việt Nam – đơn vị thụ hưởng bao gồm: Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Hà Nội, Trường Đại học Giao thông Vận tải, Khoa Quốc tế Pháp ngữ – Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng, Đại học Kinh tế TP. HCM, Trường Đại học Nông Lâm TP. HCM, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Trường Đại học Sư phạm TP. HCM. Ngoài ra, đối tác thụ hưởng thuộc về cơ quan quản lý nhà nước, có Cục Thông tin, Thống kê – Bộ KH&CN. Cùng với đó là 4 đối tác đại học quốc tế bao gồm: Tổ chức Đại học Pháp ngữ – Bỉ, Đại học Strabsourg – Pháp, Đại học Mons – Bỉ, Đại học Patras – Hy Lạp. 12 doanh nghiệp và tổ chức kinh tế – xã hội – đối tác liên kết bao gồm: Viettel Solutions, Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Thành phố Cần Thơ, DFM-Engineering,  Officience, iNet Solution, I&E Việt Nam Education and Technology Development Co., LTD, Linagora Company Limited, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghệ Mô phỏng Việt Nam, Titops Việt Nam, Viet Nam DX, DMC Mekong Image Travel & Events, Schoolab.

Dự án quy tụ 14 đơn vị thụ hưởng, bao gồm 9 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam, 3 cơ sở giáo dục đại học châu Âu, AUF, Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NASATI) và 12 đối tác liên kết là các doanh nghiệp và tổ chức kinh tế-xã hội. Sau hội thảo, hồ sơ chi tiết dự án ACCESS tiếp tục được biên soạn hoàn chỉnh và nộp ứng tuyển chương trình Erasmus+ vào tháng 2 năm 2024. Đến tháng 7 năm 2024, dự án đạt điểm số 87/100 và được chọn tài trợ, đứng trong số 25 dự án tại châu Á từ tổng 151 dự án được duyệt tài trợ trong 972 hồ sơ ứng tuyển, đánh dấu thành công và sự đóng góp quan trọng của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành trong việc hiện thực hóa ý tưởng ban đầu.

Dự án ACCESS đề ra năm mục tiêu chuyên biệt, bao gồm:

  • SO1: Tập hợp các sáng kiến nhằm củng cố hệ sinh thái công nghệ số và hoàn thiện chiến lược công nghệ số trong giáo dục đại học Việt Nam. Mục tiêu là xây dựng khung tham chiếu chuyển đổi số phù hợp với bối cảnh giáo dục đại học Việt Nam, đồng thời phát triển mạng lưới eduroam tại các trường đại học Việt Nam để kết nối với các cơ sở giáo dục toàn cầu.
  • SO2: Xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên số và các không gian học tập khuyến khích tinh thần đổi mới sáng tạo. Dự án sẽ tạo ra nền tảng chia sẻ tài nguyên giáo dục mở giữa các trường đại học và các không gian học tập số kiểu mẫu phù hợp với bối cảnh giáo dục Việt Nam và châu Á.
  • SO3: Phát triển hệ thống quản lý tích hợp các chương trình đào tạo cán bộ về sử dụng công nghệ số trong giáo dục đại học. Mục tiêu là xây dựng danh mục chương trình bồi dưỡng năng lực số và phát triển mạng lưới quốc gia các chuyên gia về công nghệ giáo dục tại Việt Nam.
  • SO4: Xây dựng khung tham chiếu năng lực số dành cho sinh viên cùng với các dịch vụ hỗ trợ đào tạo. Dự án hướng tới phát triển bộ chương trình bồi dưỡng năng lực số và chứng chỉ công nhận năng lực số Pix cho sinh viên đại học tại Việt Nam.
  • SO5: Tăng cường sự tham gia của các tổ chức, cá nhân thuộc lĩnh vực kinh tế – xã hội vào quá trình hoàn thiện khung pháp lý và trang bị năng lực nghề nghiệp cho sinh viên. Dự án mong muốn củng cố khuôn khổ pháp lý và khuyến khích chuyển đổi số trong giáo dục đại học, đồng thời củng cố quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục.

Thực hiện: Hồng Quang – Ngọc Anh

Ảnh: Media

Tin tức khácXem thêm