Trường đại học ngoài công lập duy nhất tại Việt Nam có mặt trong BXH Đại học thế giới về Bền vững 2025
NTTU – Tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS), Vương quốc Anh vừa công bố danh sách các trường đại học thế giới về bền vững năm 2025. Trong đó, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành là trường đại học ngoài công tập duy nhất tại Việt Nam góp mặt trong bảng xếp hạng này
Năm 2025, QS xếp hạng cho gần 1.800 trường đến từ hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng hơn 350 trường so với năm 2024. Tại Việt Nam, số lượng trường đại học được xếp hạng cũng tăng 2 trường, nâng tổng số trường được xếp hạng lên 10 cơ sở giáo dục đại học. Trong đó Trường ĐH Nguyễn Tất Thành xếp hạng 1.451-1.500 trên thế giới, đứng thứ 8 tại Việt Nam, đồng thời là trường đại học ngoài công tập duy nhất tại Việt Nam góp mặt trong bảng xếp hạng này
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành là trường đại học ngoài công tập duy nhất tại Việt Nam góp mặt trong bảng xếp hạng Đại học thế giới về Bền vững
Bảng xếp hạng Đại học thế giới về Bền vững đánh giá việc thực hiện cam kết và tác động của các đại học đối với phát triển bền vững, thông qua nghiên cứu, giảng dạy và phục vụ cộng đồng. QS đã sử dụng các chỉ số được thiết kế để đo lường khả năng của một tổ chức trong việc giải quyết những thách thức lớn nhất thế giới về môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Ba yếu tố chính để đánh giá sự đóng góp của các trường là: Tác động môi trường (Environmental Impact), Tác động xã hội (Social Impact), và Quản trị (Governance). Trong đó, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành được đánh giá với nhiều tiêu chí đạt chỉ số cao như:
Trong nhóm Tác động môi trường (Environmental Impact), các tiêu chí được đánh giá cao như: Nghiên cứu môi trường (Environmental Research) đạt 67,7%; Tiêu chí Môi trường bền vững (Environmental Sustainability) đạt 11.3%.
Nhóm Tác động xã hội (Social Impact) có các tiêu chí: Tiêu chí Trao đổi kiến thức (Knowledge Exchange) đạt 64,2; Tác động của giáo dục (Impact of Education) đạt 54,2%; Tiêu chí Sức khỏe & Hạnh phúc (Health & Wellbeing) đạt 52,3%; Tiêu chí Việc làm & Cơ hội (Employability & Opportunities) đạt 42,4%; Bình đẳng (Equality) đạt 42,2%.
Và nhóm Quản trị (Governance) với tiêu chí Quản trị tốt đạt 20,9%.
Trước đó, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng xuất sắc dẫn đầu các trường đại học tại Việt Nam, đồng thời xếp hạng trong top 301 – 400 (top 20%) trường đại học trên toàn thế giới ngay trong lần xếp hạng đầu tiên trong bảng xếp hạng THE Impact Rankings 2024. Đây là bảng xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học có tầm ảnh hưởng về phát triển bền vững uy tín hàng đầu thế giới. Cùng với sự phát triển mạnh về các yếu tố như công bố quốc tế, hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, uy tín học thuật, uy tín tuyển dụng, tỷ lệ sinh viên/giảng viên … Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tiếp tục có tên trong BXH các đại học tốt nhất trong khu vực Châu Á năm 2025 (QS Asia University Rankings 2025) với thứ hạng trong Top 34%.
Trong chiến lược phát triển Trường ĐH Nguyễn Tất Thành giai đoạn 2020 – 2025 và tầm nhìn đến 2035, Nhà trường định hướng mô hình đổi mới sáng tạo, chiến lược quốc tế hóa và chất lượng là nền tảng cốt lõi để phát triển bền vững. Trong 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, nhiều mục tiêu đã được Nhà trường chú trọng thực hiện như: Sức khỏe và có cuộc sống tốt; Giáo dục có chất lượng; Bình đẳng giới; Quan hệ đối tác vì các mục tiêu; …
Việc tham gia vào các bảng xếp hạng quốc tế được nhà trường thực hiện sau cú chuyển mình mang tính bước ngoặt từ định hướng đại học ứng dụng sang theo đuổi con đường trở thành trường đại học định hướng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.Thông qua hoạt động xếp hạng, kiểm định theo các Bộ tiêu chuẩn chất lượng trong nước và quốc tế sẽ giúp Trường ĐH Nguyễn Tất Thành phát triển toàn diện không chỉ trong công tác đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xã hội mà còn tập trung cho hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và phục vụ cộng đồng, hướng đến lan tỏa các giá trị khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Đồng thời, hội nhập sâu, tiếp cận nhanh với các xu thế phát triển nhanh của đại học thế giới.
Thực hiện: Hồng Quang
Ảnh: Media