Trở thành kỹ sư của Samsung Việt Nam: Dễ hay khó?
NTTU – Vượt qua hơn 2.000 hồ sơ tham gia ứng tuyển vào các vị trí làm việc tại tập đoàn Samsung, 10 sinh viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã xuất sắc trở thành kỹ sư chính thức của Samsung Việt Nam và sẽ làm viêc tại 8 nhà máy/trung tâm của Samsung trong thời gian tới.
Hành trình trở thành kỹ sư tại Tập đoàn Samsung
Với chính sách nhân sự hấp dẫn cùng chế độ đãi ngộ đặc biệt, mỗi năm Tập đoàn Samsung luôn thu hút mạnh mẽ hàng chục ngàn hồ sơ ứng tuyển vào vị trí kỹ thuật viên (kỹ sư, lập trình…). Được làm việc tại một trong những tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới như Samsung là ước mơ của không ít người. Tuy nhiên, để được trở thành nhân viên chính thức của tập đoàn, các ứng viên phải trải qua một quá trình ứng tuyển khó khăn, nghiêm ngặt và đầy thử thách.
Tập đoàn Samsung tổ chức ngày hội tuyển dụng tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành trong ngày 31/03 vừa qua
Thông thường, các ứng viên sẽ tham gia nộp hồ sơ, thi tuyển GSAT (bài kiểm tra năng lực Samsung toàn cầu dành cho ứng viên tốt nghiệp Đại học, gồm các nội dung chính về: “khả năng toán học”,“khả năng suy luận” và “tư duy hình ảnh), phỏng vấn trực tiếp và hoàn thành các hồ sơ do Tập đoàn Samsung quy định. Toàn bộ quá trình có thể mất từ 4 – 5 tháng.
Chính vì thế, để trở thành “người một nhà” với Samsung đòi hỏi sinh viên không chỉ giỏi kiến thức chuyên môn mà kỹ năng phải phù hợp với hoạt động sản xuất – kinh doanh của công ty, đồng thời bắt nhịp với xu thế phát triển của xã hội.
Tập đoàn Samsung tiếp tục ứng tuyển hai vị trí – Thông Dịch Viên Tiếng Hàn (Korean Interpreter) – Kỹ sư/Kỹ thuật viên Khuôn mẫu (Mold PM) Mọi chi tiết xem tại: https://samsungcareers.com.vn |
Kết hợp “kép” nhằm giải quyết nhu cầu việc làm cho sinh viên
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, việc bắt tay hợp tác với các doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn lớn đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản trong đào tạo và giới thiệu việc làm cho sinh viên là “con đường” đúng đắn mà ĐH Nguyễn Tất Thành đề ra và thực hiện tốt trong nhiều năm qua.
Với triết lý đào tạo Thực học – Thực hành – Thực danh – Thực nghiệp” cùng nguyên lý học đi đôi với hành, gắn tuyển sinh với tuyển dụng, gắn đào tạo với cung ứng nguồn nhân lực trong lộ trình đào tạo tay nghề, Nhà trường đã giúp sinh viên không chỉ có việc làm ngay sau khi ra trường mà còn đạt yêu cầu từ phía doanh nghiệp, cũng như những đòi hỏi khắt khe của thị trường lao động hiện nay. Điều đó thể hiện định hướng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao bám sát và đáp ứng nhu cầu của xã hội của Nhà trường.
Ký kết hợp tác với các doanh nghiệp, tập đoàn nhằm tăng cơ hội việc làm cho sinh viên khi ra trường
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu, cùng tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 làm ảnh hưởng sâu sắc đến mọi lĩnh vực, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành vẫn luôn khẳng định vị trí hàng đầu về chất lượng đào tạo; đội ngũ nhân lực; tiên phong trong nhiều lĩnh vực về nghiên cứu và ứng dụng thực hành; cung ứng nguồn nhân lực trẻ có chất lượng cao cho đất nước, xứng danh là trường đại học thế hệ trẻ mang tên Đại học Nguyễn Tất Thành.
Trong chương trình học kỳ Sacombank được thiết kế dành riêng cho sinh viên năm khối ngành kinh tế Trường Đại học Nguyễn Tất Thành gồm các khoa: Tài chính – Kế toán; Quản trị – Luật trong 6 tháng vừa qua, đã có 80 sinh viên của ĐH Nguyễn Tất Thành được nhận vào làm việc tại các vị trí nhân viên – chuyên viên của Ngân hàng Sacombank. Lãnh đạo Ngân hàng Sacombank cho biết, trong số các vị trí mà các bạn đảm nhận, sẽ có các vị trí được cân nhắc nâng từ chuyên viên lên làm cấp quản lý. |
Bài: Nga Nguyễn
Ảnh: Tiến Thành – Duy Anh