Trí tuệ nhân tạo (AI): Thách thức trong đào tạo nhân lực

NTTU – Bên lề tọa đàm “AI – Công cụ sáng tạo cho trường Đại học & Doanh nghiệp – từ hiểu biết cốt lõi đến kinh nghiệm thực tiễn” do Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tổ chức, các diễn giả, doanh nghiệp đã cùng nhau bàn luận, cho ý kiến về những cơ hội, thách thức của trí tuệ nhân tạo (AI) trong đào tạo nhân lực đối với các giáo dục đại học

Thị trường Trí tuệ nhân tạo (AI) toàn cầu dự kiến ​​sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR (tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm) là 35% từ năm 2023 đến năm 2028. Dự kiến ​​sẽ đạt trên 521.3 tỷ USD vào năm 2028 từ mức 35 tỷ USD vào năm 2022. Việt Nam đã có những bước đi mạnh mẽ trong việc tham gia thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng và phát triển nguồn nhân lực AI.

Trí tuệ nhân tạo đã trở thành công cụ hỗ trợ không thể thiếu trong mọi lĩnh vực của kinh tế – xã hội

Theo ông Hồ Tấn Dương – Chủ tịch Hiệp Hội Thiết Kế TP. HCM, trí tuệ nhân tạo đã trở thành một khái niệm thông dụng trong nhiều ngành công nghiệp và đối với lĩnh vực thiết kế cũng không ngoại lệ. Ông Dương cho rằng, AI ra đời sẽ tạo ra sự thay đổi lớn về công việc của người làm thiết kế, thậm chí là đe dọa đến vị trí việc làm của con người trong tương lai. Trước đây, nếu như ý tưởng thiết kế có thể mất từ 2 – 4 ngày, thậm chí 1 tuần thì hiện nay, với việc ứng dụng AI, ý tưởng thiết kế có thể tính đến con số hàng nghìn, hàng triệu chỉ trong vòng vài phút.

Tuy nhiên, ông Dương cũng cho rằng việc phát triển trí tuệ nhân tạo không phải là vấn đề tiêu cực, mà sự phát triển của công cụ hỗ trợ này trái lại sẽ phần nào giúp con người giảm bớt gánh nặng, công việc bàn giấy sẽ được tự động hóa. Vấn đề cốt lõi là người kiểm soát những công cụ này phải có đầy đủ chuyên môn, năng lực cũng như khả năng thích ứng nhanh với sự thay đổi.

“Điều này đòi hỏi trường các cơ sơ giáo dục cần tập trung vào việc giảng dạy, đổi mới hình thức đào tạo cũng như cập nhật liên tục các kiến thức trên thế giới” – ông Dương nhấn mạnh.

Từ thực tế cho thấy, không chỉ riêng lĩnh vực thiết kế mà còn ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực trong hoạt động giáo dục. Để tránh lạc khỏi cuồng quay này, các cơ sở giáo dục không chỉ phải thay đổi trong hình thức đào tạo, nghiên cứu mà việc đổi mới trong công tác quản trị cũng là điều cần thiết.

TS. Trần Ái Cầm – Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết, công tác quản trị nhà trường, quản lý giảng viên, sinh viên và thực hiện triển khai đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu của xã hội trong kỷ nguyên số là điều vô cùng thách thức đối với các cơ sở giáo dục đại học. Trước làn sóng của trí tuệ nhân tạo hiện tại, chương trình đào tạo cần được cập nhật liên tục theo những nghiên cứu mới và thực tế cuộc sống, công tác quản trị cũng cần được điều chỉnh theo hướng tinh gọn nhưng vẫn đạt được hiệu quả. Điều này đòi hỏi các trường đại học cần tăng cường kết nối để chia sẻ nguồn lực, không chỉ là nhân lực nghiên cứu, giảng dạy, mà còn là các công nghệ, dữ liệu, … để có thể cùng phát triển.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác quản trị và đào tạo đối với một cơ sở giáo dục đại học luôn là thách thức

Ghi nhận tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, nhằm đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội, nhà trường đã không ngừng cải tiến công tác quản trị, đào tạo và đặc biệt là đưa chuyển đổi số trở thành một trong những mục tiêu chiến lược trong giai đoạn 2020 – 2025 và tầm nhìn đến 2030.

Theo TS. Cầm, nhà trường đã thực hiện lộ trình thay đổi trong chương trình đào tạo của sinh viên, đồng thời trang bị hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, phù hợp với yêu cầu đổi mới công nghệ hiện nay.

Từ nhiều năm nay, sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã có thể học tập, xem lịch học, lịch thi nay trực tiếp thi kết thúc môn trên công thông tin người học và hệ thống LMS. Hay sinh viên không cần đến thư viện những vẫn có thể dễ dàng tra cứu, truy cập các dữ liệu nước ngoài thông qua hệ thống thuộc Trung tâm thông tin thư viện với hơn 30 cơ sở dữ liệu trong và ngoài nước. Điều này chính là việc đổi mới trong công tác quản trị nhà trường đã được Ban lãnh đạo Trường ĐH Nguyễn Tất Thành thực hiện.

Bên cạnh đó, từ năm học 2024 – 2025, bên cạnh những học phần vốn dĩ đã có trong tổng thể chương trình đào tạo, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành sẽ chính thức đưa môn học “năng lực số và tài nguyên giáo dục mở” vào đào tạo cho sinh viên khóa 2024. Thông qua môn học này, sinh viên sẽ được trang bị những cái kỹ năng, kiến thức mới về đổi mới công nghệ, phương pháp nghiên cứu.

Ngoài ra, để đáp ứng nguồn lực giảng dạy, nhà trường đã tập trung giới thiệu các công cụ hỗ trợ thông minh như AI, chat GPT đến đội ngũ giảng viên. Bên cạnh việc ứng dụng trong đào tạo, những công cụ hỗ trợ thông minh này sẽ được ứng dụng mạnh mẽ trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ.

Trường ĐH Nguyễn Tất Thành ký kết cùng các Hội/Hiệp hội, doanh nghiệp cùng đồng hành trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyên giao công nghệ

Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho rằng, thông qua việc ứng dụng công cụ này, việc kiểm tra các thông tin về lịch học lịch thi, lịch giảng hay cập nhật các thông báo của Nhà trường đối với giảng viên và sinh viên sẽ trở nên dễ dàng hơn, tiết kiệm thời gian và tránh sai sót.

Từ những nỗ lực này, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành hy vọng sẽ đào tạo thế hệ sinh viên có được tư duy và nền tảng, đồng thời tiếp cận và sử dụng các công cụ hỗ trợ thông minh một cách hiệu quả.

Thực hiện: Hồng Quang

Ảnh: Media

Tin tức khácXem thêm