Tình trạng rác thải nhựa, nilon và vấn nạn về ô nhiễm trắng

NTTU – Ô nhiễm trắng và tác hại của rác thải nhựa hiện là vấn nạn chung trên toàn cầu, được nhiều người quan tâm vì mức nguy hại mà chúng gây nên cho môi trường sống cũng như sức khỏe của con người. Bài viết dưới đây sẽ giúp quý thầy cô và các bạn sinh viên hiểu thêm về vấn nạn này!

Ô nhiễm trắng là gì?

Ô nhiễm trắng là loại ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa và túi nilon gây ra. Hiện nay, tình trạng ô nhiễm trắng tại Việt Nam đang ở mức báo động. Nước ta cũng là một trong những quốc gia trên thế giới có lượng rác thải nhựa và túi nilon ngày càng gia tăng và khó kiểm soát.

Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa, túi nilon hiện nay rất nghiêm trọng, lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam hiện vẫn ở mức rất cao, chiếm khoảng 8-12% chất thải rắn sinh hoạt. Thống kê cho thấy, nếu trung bình 10% lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn thì lượng chất thải nhựa này có thể đạt gần 2,5 triệu tấn/năm. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường lẫn sức khỏe con người.

Tác hại của rác thải nhựa, nilon và ô nhiễm trắng

Với ưu điểm bền, chắc, tiện dụng và giá thành thấp, các sản phẩm từ nhựa và túi nilon được sử dụng phổ biến và hầu như có mặt ở mọi nơi, từ cửa hàng nhỏ lẻ đến các siêu thị và những trung tâm thương mại lớn. Có rất nhiều loại nhựa và ứng dụng của nhựa mà khó có thể thay thế bằng vật liệu khác được như: vỏ bọc cách điện, ống nước, da giả, bộ phận xe hơi, dụng cụ y tế… Tuy nhiên, việc lạm dụng vô tội vạ, không kiểm soát các sản phẩm nhựa sử dụng một lần như bao nilon, cốc, thìa, bát nhựa… đang khiến cho lượng rác thải tăng lên rất nhanh theo từng năm. Công nghệ tái chế chất thải nhựa của Việt Nam chưa phát triển, cùng với hành vi vứt rác bừa bãi trên đường, cống rãnh, kênh rạch… càng khiến cho rác thải tràn lan ngoài môi trường.

Đáng lo ngại là người dân Việt Nam chưa có thói quen phân loại rác sinh hoạt hàng ngày càng gây khó khăn cho quá trình xử lý rác thải nhựa. Việc phân loại, thu gom chất thải nhựa và túi nilon có thể tái chế thường chỉ mang tính tự phát ở một số hộ gia đình, người thu gom rác và nhặt phế liệu tự do. Túi nilon được sử dụng tại các chợ và trung tâm thương mại thường là loại túi siêu mỏng, khó phân hủy và bị thải bỏ sau một lần sử dụng, loại túi này rất phổ biến ở các bãi chôn lấp vì giá trị thu hồi tái chế thấp.

Nếu không có tác động của ánh sáng mặt trời, quá trình phân hủy của nhựa và túi nilon có thể kéo dài từ 500 – 1.000 năm. Và khi tích tụ quá nhiều hoặc nằm rải rác ngoài môi trường, chúng sẽ gây ra hiện tượng ô nhiễm trắng, gây mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm không khí, tác động rất lớn đến hàng ngàn sinh vật sống bao gồm các loài động vật, vi sinh vật và cả con người. Khi bị lẫn vào đất, túi nilon sẽ làm thay đổi tính chất vật lý của đất gây xói mòn, đất không giữ được nước và dinh dưỡng, ngăn cản oxy đi vào đất, làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây trồng; làm tắc nghẽn cống rãnh, kênh rạch, gây ứ đọng nước thải hoặc ngập úng; ô nhiễm nguồn nước…

Ứng phó với tình trạng ô nhiễm trắng

Đã đến lúc mỗi cá nhân hãy từ bỏ những thói quen sử dụng đồ nhựa – tiện lợi nhưng gây nguy hại khôn lường cho môi trường sống và cả chính cuộc sống của chúng ta. Một vài giây để bỏ rác đúng chỗ, một phút để phân loại rác đúng quy định và một lời nhắc nhở để những người xung quanh không vứt rác bừa bãi, mang theo túi đựng khi đi mua sắm, nói không với đồ nhựa dùng một lần… Tất cả những hành động nhỏ này sẽ góp phần cho mục đích lớn là giảm thiểu tình trạng ô nhiễm trắng từ chất thải nhựa và túi nilon.

 

DS. Huỳnh Thị Chi – K. Kỹ thuật xét nghiệm y học (tổng hợp)

 

Tin tức khácXem thêm