Tích hợp tiếp cận kiểm định và xếp hạng trong quản trị chất lượng giáo dục đại học
NTTU – Kiểm định và xếp hạng đã được tích hợp, trở thành công cụ hữu dụng để các cơ sở giáo dục đại học vừa quản trị chất lượng và thương hiệu, vừa tự tin hội nhập quốc tế
Cuối năm 2023, tổ chức Quacquarelli Symonds (QS) đã công bố bảng xếp hạng đại học châu Á năm 2024, số các trường đại học Việt Nam có tên trong bảng xếp hạng đã tăng từ 11 lên 15 trường đại học, trong đó có đến 3 cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập.
GS.TS. NGND. Nguyễn Hữu Đức, Nguyên Phó giám đốc ĐHQG Hà Nội khẳng định, đây là tín hiệu đáng mừng của giáo dục đại học, bởi trong một thời gian dài, các cơ sở giáo dục nước ta chỉ tập trung vào công tác đào tạo, khả năng nghiên cứu và đổi mới sáng tạo rất hạn chế nên rất ít các trường được xếp hạng. Việc các trường đại học, kể cả các trường đại học ngoài công lập, dành thêm sự quan tâm đến xếp hạng tức là đã quan tâm đầu tư cho nghiên cứu khoa học đã cho thấy các nỗ lực thực hiện đầy đủ chức năng của giáo dục đại học.
Bằng cấp của trường đạt kiểm định trong nước, quốc tế được doanh nghiệp đánh giá cao, mở ra nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên
Tuy nhiên, về cả hệ thống, Việt Nam chỉ mới đang ở tốp 68-70 so với các quốc gia trên thế giới, tốp 5 của ASEAN và đặc biệt Việt Nam chưa có thành phố nào nằm trong 128 thành phố đại học tốt nhất toàn cầu. Theo GS. Đức, nếu xem xét chi tiết, có rất nhiều tiêu chí mà đa số các trường đại học nước ta mới chỉ đạt trong khoảng 1-5 điểm (trên mức 100), thực sự còn là vùng trũng của châu Á.
Đồng tình với quan điểm này, TS. Trần Ái Cầm, Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho biết, Nhà trường đã tổ chức phân tích các chỉ số có mức đạt thấp và triển khai các chương trình hành động cải tiến chất lượng, từ tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ đến năng suất và chất lượng nghiên cứu khoa học, hỗ trợ phát triển năng lực sáng tạo của người học và yêu cầu của các nhà tuyển dụng. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học không chỉ để gia tăng công bố quốc tế và uy tín học thuật mà còn làm cơ sở để nhà trường thực hiện phương châm đào tạo thông qua nghiên cứu. Đặc biệt, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành còn xây dựng hệ thống đối tác doanh nghiệp và giảng viên doanh nghiệp, trực tiếp tham gia các hoạt động đào tạo, đánh giá chuẩn đầu ra và năng lực sinh viên tốt nghiệp.
Nhờ đó mà trường có đến 6/11 tiêu chí đã được đánh giá cao và xếp hạng tổng thể ở thứ 291–300 của khu vực châu Á.
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành xếp hạng 291 – 300 tại khu vực Châu Á trên BXH QS Asia University Rankings 2024
Thực tế cho thấy, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành không chỉ quan tâm đơn thuần đến xếp hạng, đó chỉ là kết quả tất yếu của các nỗ lực cải tiến chất lượng. Xu hướng quản trị chất lượng hiện nay là tích hợp kiểm định và xếp hạng thông qua các bộ tiêu chuẩn toàn diện hơn (được gọi chung là xếp hạng đối sánh). Tiếp cận này đang được nhiều tổ chức thực hiện như hệ thống QS-stars (Anh Quốc), SETARA (Malaysia), U-multirank (châu Âu) hay UPM (Việt Nam). Thông qua đó, các trường được kiểm định và xếp hạng có cái nhìn toàn diện về mọi mặt, nhận diện được các điểm mạnh và các điểm cần cải tiến, góp phần nâng cao năng lực của hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong.
Xếp hạng và kiểm định đã trở thành tất yếu và yêu cầu khách quan trong việc đánh giá năng lực và chất lượng đào tạo, nghiên cứu của một trường đại học
Để xây dựng được các cơ sở giáo dục đúng chuẩn mực, GS. Đức cho rằng, các trường đại học nên chuẩn bị tốt các nguồn lực và điều kiện đảm bảo chất lượng, triển khai thực hiện đầy đủ cả ba chức năng đào tạo, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng. Đồng thời, chỉ nên sử dụng thông tin xếp hạng như là một kênh để “thăm khám” sức khoẻ chất lượng. Kết hợp cả kiểm định để đánh giá các điều kiện tối thiểu bắt buộc và xếp hạng đối sánh để quản trị mức độ xuất sắc của mình.
Với quan điểm lấy “chất lượng” làm kim chỉ nam, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành kết hợp đa dạng các bộ tiêu chuẩn chất lượng trong nước, quốc tế để quản trị và đo lường kết quả đạt được trong tất cả các lĩnh vực hoạt động. Việc tham gia vào các BXH quốc tế chỉ được nhà trường thực hiện sau khi đối sánh đã thực hiện thành công chiến lược phát triển theo định hướng ứng dụng và tuyên bố chuyển sang theo đuổi con đường trở thành trường đại học định hướng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Đây cũng là quyết tâm hội nhập sâu và tiếp cận nhanh với các xu thế phát triển nhanh của đại học thế giới của tập thể sư phạm Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.
Thực hiện: Hồng Quang
Ảnh: Media