“Thế hệ data”, gen Z chọn ngành Khoa học dữ liệu để thích ứng nghề nghiệp

 

NTTU – Sự bùng nổ về dữ liệu lớn (big data) với sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ điện toán đám mây (Cloud Computing), trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI), công nghệ chuỗi khối (Blockchain), thực tế tăng cường (Augmented Reality – AR), Internet vạn vật (Internet of Things – IoTs) cùng việc ứng dụng dụng hệ thống thông tin quản lý đặt ra nhu cầu cấp thiết về nguồn nhân lực chất lượng cao có khả năng thu thập, khai thác, phân tích và dự báo các hiện tượng kinh tế,… Chính vì vậy, ngành Khoa học dữ liệu rất phát triển trong kỷ nguyên số, trở thành ngành nghề triển vọng cho các bạn trẻ Gen Z, thu hút sự quan tâm của nhiều tổ chức, doanh nghiệp và tập đoàn lớn ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong nền kinh tế. Cùng tìm hiểu thông tin chi tiết về ngành Khoa học dữ liệu tại NTTU được đào tạo như thế nào bạn nhé.


Hiểu một cách đơn giản, Khoa học dữ liệu là khoa học về việc quản trị và phân tích dữ liệu, trích xuất các giá trị từ dữ liệu để tìm ra các hiểu biết, các tri thức hành động, các quyết định dẫn dắt hành động.

Khoa học dữ liệu gồm có ba phần chính: Tạo ra và quản trị dữ liệu, phân tích dữ liệu và chuyển kết quả phân tích thành giá trị của hành động. Việc phân tích và dùng dữ liệu lại dựa vào ba nguồn tri thức: toán học (thống kê toán học), công nghệ thông tin (máy học) và tri thức của lĩnh vực ứng dụng cụ thể.
Cũng như các hình thức thí nghiệm khác, khoa học dữ liệu sẽ yêu cầu bạn thực hiện các quan sát, đặt câu hỏi, hình thành các giả thuyết, tạo các bài kiểm tra, phân tích kết quả và đưa ra một khuyến nghị thực tế. Chính vì vậy mà mục đích chính của Khoa học dữ liệu là biến đổi một lượng lớn dữ liệu chưa qua xử lý, làm thế nào để định vị được thành mô hình kinh doanh, từ đó giúp đỡ các tổ chức tiết giảm chi phí, gia tăng hiệu quả làm việc, nhìn nhận cơ hội, rủi ro trên thị trường và làm gia tăng lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp.

Các lĩnh vực của khoa học dữ liệu gồm: Khai thác dữ liệu (Data mining), Thống kê (Statistic), Học máy (Machine learning), Phân tích (Analyze) và Lập trình (Programming).


Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Khoa học dữ liệu có thể đạt các vị trí phù hợp, hoạt động trong nền công nghiệp tri thức đang phát triển một cách mạnh mẽ, cả trong các cơ quan quản lý nhà nước lẫn các công ty đa quốc gia:
+ Nhà phân tích, thiết kế hệ thống công nghệ thông tin, quản trị, phát triển, bảo trì, lập trình viên về phân tích dữ liệu, dự đoán xu thế;
+ Nhà nghiên cứu và phát triển khoa học dữ liệu;
+ Giảng dạy tại các cơ sở đào tạo công nghệ thông tin;


Thế kỷ XXI chứng kiến cuộc cách mạng 4.0 của Internet, khoa học công nghệ và trí tuệ nhân tạo. Những thành tựu của cuộc cách mạng này đã và đang khiến cuộc sống của chúng ta thay đổi vượt bậc. Giờ đây, chỉ cần một “cú chạm” trên màn hình điện thoại, bạn có thể điều hành cả một hệ thống. Hoặc điển hình như việc mua sắm chuyển từ trạng thái “offline” – ra tận cửa hàng sang hình thức online của các trang thương mại điện tử, các website…

Tại Việt Nam, các công ty/ doanh nghiệp công nghệ, các “kỳ lân” công nghệ lớn đều đang chú trọng phát triển lĩnh vực big data, vì đây là cách mà các doanh nghiệp tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp bằng cách thu thập dữ liệu, đánh giá hành vi khách hàng và đề xuất các sản phẩm tương tự. Ví dụ, các ứng dụng đặt xe phải luôn cập nhật dữ liệu về bản đồ (Maps) để tối ưu cho người dùng chọn điểm đón dễ dàng, các sàn thương mại điện tử cần xử lý dữ liệu về hành vi của người dùng khi sử dụng ứng dụng mua sắm của mình…

Hơn nữa, khoa học dữ liệu là một ngành rất mới ở nước ta, nhưng giàu triển vọng khi Chính phủ quyết tâm phát triển nền kinh tế số và đặt ra mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số sẽ đóng góp 20% vào GDP của cả nước. Ở giai đoạn “ươm mầm” những thế hệ kỹ sư khoa học dữ liệu đầu tiên của đất nước, hầu hết các doanh nghiệp đều đang “nhập khẩu” lao động về khoa học dữ liệu từ nước ngoài như Ấn Độ, Anh, Mỹ… với giá cả đắt đỏ. Người làm được loại việc này liên tục được mời gọi bởi các tổ chức “săn đầu người”, nhưng vẫn thiếu hụt nhân sự trầm trọng. Do đó, ngành học khoa học dữ liệu hứa hẹn nhiều cơ hội cho các học sinh, sinh viên trong tương lai để “cạnh tranh” với các nguồn lực từ bên ngoài.


Khoa học dữ liệu là khoa học dựa trên sự kết hợp của toán học – chủ yếu là toán thống kê, công nghệ thông tin và kiến thức chuyên ngành ứng dụng. Theo đó, tại NTTU sinh viên sẽ được trang bị khối kiến thức nền tảng vững chắc về quản lý, xử lý và phân tích dữ liệu lớn; kiến thức chuyên ngành sâu và rộng về khoa học dữ liệu và hệ thống thông tin; các kiến thức về hội nhập, khởi nghiệp cũng như tham gia các khóa học bồi dưỡng để nắm bắt các xu hướng công nghệ mới. Song song đó, các bạn còn được rèn luyện những kỹ năng mềm cần thiết để phục vụ cho công việc sau này.

Bên cạnh đó, các sinh viên còn trang bị thêm các kỹ năng mềm như giải quyết vấn đề, thuyết trình phản biện, tổ chức và quản lý dự án công nghệ. Ngoài ra, NTTU có thế mạnh về hệ thống cơ sở vật chất khang trang nên sinh viên theo học ngành Khoa học dữ liệu tại đây có thể yên tâm về trình độ tay nghề vì các bạn sẽ được thực hành trong phòng thực hành hiện đại, trang thiết bị tiên tiến để hoàn thiện kỹ năng chuyên môn. Đây cũng là cơ sở quan trọng để sinh viên sau khi ra trường có thể tự tin tìm việc và làm tốt công việc được giao.

Nhà trường còn trang bị và tạo điều kiện cho các bạn sinh viên được thực hành tại các trung tâm thí nghiệm hiện đại, tham quan các công ty, doanh nghiệp có tiếng; Ngoài ra, khi học tại các trường uy tín này, các bạn còn được chú trọng rèn luyện thêm kỹ năng mềm cần thiết để có thể trình bày, tổ chức thực hiện các đề án thực tế thuộc lĩnh vực của ngành học bên cạnh những kỹ năng mềm về giao tiếp và kỹ năng làm việc nhóm hiệu quả,…

Thực hiện: Cẩm Thạch

Tin tức khácXem thêm