Tập huấn “Sở hữu trí tuệ, phương thức thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và đàm phán hợp đồng chuyển giao công nghệ”

NTTU – Vào ngày 25/03, tại cơ sở 300A Nguyễn Tất Thành, Q.4, TP.HCM, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã tổ chức chương trình tập huấn “Sở hữu trí tuệ, phương thức thương mại hoá kết quả nghiên cứu khoa học và đàm phán hợp đồng chuyển giao công nghệ” thu hút đông đảo khách mời và cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên đăng ký tham gia

Chương trình được tổ chức nhằm mục đích nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, giảng viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, đồng thời thúc đẩy việc xây dựng trường đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Khách mời tham gia chương trình là các diễn giả, chuyên gia về sở hữu trí tuệ: TS. Lê Thị Khánh Vân – nguyên Phó Cục trưởng Cục Thông tin Khoa học và Công nghiệp Quốc gia; ThS. Trần Giang Khuê – Trưởng Văn phòng đại diện Cục Sở hữu Trí tuệ tại TP. HCM; ThS.  Nguyễn Thị Minh Lý – nguyên Phó chủ tịch Quacert Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường Chất lượng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ nhiệm nhiệm vụ.

Về phía Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có PGS.TS. Trần Thị Hồng – Phó hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng – Trưởng khoa Răng – Hàm – Mặt; TS. Trần Thị Châu – Trưởng khoa Điều dưỡng; NSƯT.ThS. Nguyễn Thị Ánh Tuyết – Trưởng khoa Âm nhạc – Điện ảnh; cùng sự góp mặt của trưởng phó các đơn vị phòng, ban, khoa, viện, trung tâm và đông đảo quý thầy cô là cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên của Trường.

Phát biểu khai mạc buổi tập huấn, PGS.TS. Trần Thị Hồng đã chia sẻ, bày tỏ mong muốn qua chương trình có thể giúp quý đại biểu khách mời, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên Nhà trường hiểu rõ quy trình chuyển đổi các kết quả nghiên cứu thành sản phẩm hoặc dịch vụ có giá trị thương mại. Thông qua việc thương mại hóa này có thể thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp, tiếp thị và bán hàng hoặc hợp tác với các công ty, tổ chức khác để phát triển và thương mại hóa sản phẩm.

PGS.TS. Trần Thị Hồng – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành

Tại buổi tập huấn, TS. Lê Thị Khánh Vân – nguyên Phó Cục trưởng Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia, đã trực tiếp chia sẻ các về các thông tin cũng như hướng dẫn giảng viên, nghiên cứu viên tìm hiểu, nghiên cứu kiến thức về chuyển giao công nghệ và hợp tác doanh nghiệp, bao gồm cả việc nắm vững các khái niệm, quy trình, quy định pháp lý và các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình chuyển giao công nghệ. Qua đây khuyến khích các đại biểu có mặt tại buổi tập huấn tiếp tục cố gắng trong con đường sự nghiệp, nâng cao năng lực bản thân, đặc biệt là giúp các đại biểu có thêm thông tin và hiểu rõ về sở hữu trí tuệ, phương thức thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, đàm phán hợp đồng chuyển giao công nghệ…

TS. Lê Thị Khánh Vân – nguyên Phó Cục trưởng Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia

Ngoài ra, trong khuôn khổ của chương trình, TS. Trần Giang Khuê – Trưởng Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP. HCM, cũng đã chia sẻ với các đại biểu một số nội dung về nhận diện, đăng ký và quản trị tài sản trí tuệ trong trường đại học, đơn vị nghiên cứu, hướng dẫn cách khai thác, áp dụng quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ các ý tưởng, phát minh, sáng chế, tác phẩm nghệ thuật và các sản phẩm sáng tạo khác.

 

ThS.Trần Giang Khuê – Trưởng Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP. HCM

Tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, việc khai thác các sáng chế, tài sản trí tuệ và triển khai hoạt động sở hữu trí tuệ được thực hiện một cách bài bản hướng đến hỗ trợ hiệu quả cho công tác nghiên cứu, giảng dạy, thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để hình thành các doanh nghiệp tiến tới thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, ứng dụng vào thực tiễn đời sống, đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội đất nước.

ThS. Nguyễn Thị Minh Lý – nguyên Phó chủ tịch Quacert Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường Chất lượng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ nhiệm nhiệm vụ, chia sẻ tại chương trình

Hình ảnh các đại biểu, cán bộ giảng viên, nghiên cứu viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tham dự tập huấn

Thông qua chương trình tập huấn “Sở hữu trí tuệ, phương thức thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và đàm phán hợp đồng chuyển giao công nghệ”  lần này, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành với vai trò là đơn vị tổ chức hy vọng đã góp phần mang đến cho các đại biểu khách mời, đặc biệt là cán bộ giảng viên, nghiên cứu viên đang công tác trong và ngoài trường có mặt tại chương trình tập huấn có cơ hội học hỏi từ những người có kinh nghiệm để tăng cường hiệu suất làm việc và phát triển các kỹ năng quản lý, trang bị thêm được nhiều kiến thức về chuyển giao công nghệ và hợp tác doanh nghiệp; ứng dụng quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ các ý tưởng, phát minh, sáng chế, tác phẩm nghệ thuật/sáng tạo; kiểm soát việc sử dụng và thương mại hóa kết quả của công trình nghiên cứu; chuyển đổi các kết quả nghiên cứu thành sản phẩm hoặc dịch vụ có giá trị thương mại… Xa hơn nữa là có thể vận dụng kiến thức tập huấn vào thương mại hóa, thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp, tiếp thị và bán hàng, hoặc hợp tác với các doanh nghiệp để phát triển – thương mại hóa sản phẩm, tạo ra giá trị kinh tế.

Được biết từ nhiều năm qua Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã tổ chức các lớp tập huấn và mời chuyên gia về phổ biến, trao đổi, tập huấn nâng cao năng lực về chuyển giao công nghệ – sở hữu trí tuệ cho tập thể cán bộ giảng viên, nhân viên, nghiên cứu viên của nhà trường. Tính đến thời điểm hiện tại, Trường đã có 01 bằng giải pháp hữu ích, 15 đơn đăng ký quyền sở hữu trí tuệ đã được Cục Sở hữu trí tuệ ra Quyết định chấp nhận đơn, 01 quyền tác giả và nhiều kết quả nghiên cứu khác đang hoàn thiện để chuẩn bị làm hồ sơ đăng ký sở hữu trí tuệ. Hoạt động đăng ký sở hữu trí tuệ các kết quả nghiên cứu của giảng viên – nghiên cứu viên là chủ trương của lãnh đạo nhà trường được khuyến khích và ủng hộ. Để quản lý và khai thác có hiệu quả hoạt động sở hữu trí tuệ nói chung và quyền sở hữu trí tuệ nói riêng, Nhà trường giao cho Phòng Khoa học Công nghệ phụ trách làm đầu mối hướng dẫn thủ tục và tiến hành đăng ký. Kinh phí đăng ký và tư vấn hỗ trợ làm hồ sơ đăng ký bằng sáng chế ở Cục Sở hữu trí tuệ được Trường hỗ trợ 100%. Tất cả sáng chế đăng ký là kết quả nghiên cứu của giảng viên – nghiên cứu viên trong trường, và các sáng chế này đều do Trường ĐH Nguyễn Tất Thành làm chủ đơn.

Trong thời gian sắp tới, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc đăng ký quyền Sở hữu trí tuệ dành cho tác giả của các giáo trình, tài liệu tham khảo biên soạn; tiếp tục đăng ký độc quyền sáng chế các kết quả nghiên cứu từ đó định hướng xây dựng việc chuyển giao công nghệ và thương mại hóa các sáng chế này góp phần tái đầu tư cho nghiên cứu khoa học.

Tin bài: Minh Huyền

Ảnh: Media

Tin tức khácXem thêm