SVVN – Cần phát triển mô hình giáo dục Đại học 4.0

Báo SVVN: Cần phát triển mô hình giáo dục Đại học 4.0

Giáo dục đại học 4.0 là mô hình giáo dục thông minh, liên kết nhà trường với nhà quản lý và doanh nghiệp. Đồng thời, đưa tiến bộ công nghệ thông tin vào trường học để nâng cao hiệu quả đào tạo, giúp việc dạy và học diễn ra mọi lúc mọi nơi. Xung quanh chủ đề này, Sinh Viên Việt Nam đã có cuộc trao đổi với PGS. TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng trường ĐH Nguyễn Tất Thành.

PGS.TS. Nguyễn Mạnh Hùng – Hiệu trưởng trường ĐH Nguyễn Tất Thành

THƯA ÔNG, MÔ HÌNH GIÁO DỤC ĐẠI HỌC 4.0 LÀ GÌ?

Trước khi nói về giáo dục đại học 4.0, chúng ta phải hiểu rằng, nền công nghiệp đã trải qua nhiều thời kỳ phát triển. Từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất dần dần tiến tới một một cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ ở một số nước trên thế giới. Nền công nghiệp 4.0 liên quan đến Internet của vạn vật. Nơi con người, sự vật và máy móc được kết nối khắp nơi để sản xuất hàng hóa và dịch vụ mang tính cá thể hóa. Có thể nói, nền công nghiệp 4.0 có sức ảnh hưởng trực tiếp đến từng cá thể, gia đình, doanh nghiệp và đặc biệt chịu ảnh hưởng lớn nhất chính là môi trường giáo dục, nơi trực tiếp đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho công nghiệp 4.0.

Giáo dục đại học 4.0 là một mô hình giáo dục thông minh, liên kết chủ yếu giữa các yếu tố nhà trường với nhà quản lý và nhà doanh nghiệp, để tạo điều kiện cho việc sáng tạo, tăng năng suất lao động trong xã hội tri thức. Đồng thời, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của giảng viên, sinh viên. Tạo điều kiện cho hợp tác giữa đại học và công nghiệp, gắn kết cùng các nỗ lực phát triển kinh tế khu vực và địa phương… Xu thế của nền công nghiệp 4.0 sẽ đòi hỏi một nguồn nhân lực 4.0. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành chúng tôi cũng đang đẩy mạnh phát triển theo chuẩn mô hình giáo dục 4.0.

ĐỂ ĐẠT ĐẾN MÔ HÌNH GIÁO DỤC 4.0, MỖI TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN PHẢI LÀM GÌ?

Trường đại học theo chuẩn giáo dục 4.0 không chỉ là nơi đào tạo, nghiên cứu mà còn là trung tâm đổi mới sáng tạo, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong sinh viên, nâng cao năng suất lao động nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Nắm bắt được xu thế phát triển của giáo dục đại học 4.0, trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã nghiên cứu và ứng dụng mô hình này vào thực tiễn đào tạo. Nhà trường trở thành đơn vị tiên phong trong việc đổi mới giáo dục, cải tiến phương thức đào tạo, góp phần vào quá trình phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của xã hội. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã chủ động đăng ký kiểm định quốc tế AUN, vinh dự là trường ngoài công lập đầu tiên đạt kiểm định chất lượng của Bộ GD – ĐT và đạt chuẩn quốc tế 3 sao của tổ chức QS-Stars.

Để đẩy mạnh phát triển mô hình giáo dục đại học 4.0 và cụ thể hóa mục tiêu đó, trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã thành lập Ban Nghiên cứu mô hình giáo dục đại học 4.0, với điểm sáng là mô hình đại học thông minh do một số giảng viên tiêu biểu dẫn dắt. Bên cạnh đó, trường còn chú trọng đầu tư phát triển cơ sở vật chất, xây dựng công viên khoa học, trung tâm phát triển công nghệ. Đó sẽ là hệ sinh thái trường học, bao gồm các trung tâm đào tạo, trung tâm nghiên cứu, cơ sở sản xuất ứng dụng thực nghiệm tạo môi trường hiện đại, thuận lợi cho các chuyên gia nghiên cứu và hoàn thiện các sản phẩm công nghệ mới theo mô hình giáo dục 4.0, gắn kết thành công giữa nhà trường với doanh nghiệp.

LÀ MỘT TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGOÀI CÔNG LẬP NON TRẺ, TRƯỜNG CÓ ĐỦ TIỀM LỰC ĐỂ PHÁT TRIỂN MÔ HÌNH GIÁO DỤC 4.0?

Qua 18 năm phát triển theo mô hình trường trong doanh nghiệp, trường đã tự lực phát triển từ một trung tâm đào tạo nghề của doanh nghiệp trở thành một trường đại học đa ngành có uy tín trong cả nước. Hằng năm, nhà trường đầu tư hơn 40 tỷ đồng cho việc nâng cấp trang thiết bị phục vụ dạy và học. Riêng về xây dựng cơ bản, trong 2 năm qua, trường đã đầu tư hơn 200 tỷ đồng. Tổng tài sản hiện nay của trường là 1.000 tỷ đồng. Trường đang có 8 cơ sở tại các quận ở TP. HCM, với tổng diện tích sàn xây dựng phục vụ việc dạy và học trên 70.000 m2, 300 phòng học lý thuyết, phòng thí nghiệm và xưởng thực hành được trang bị hiện đại. Thư viện có khoảng 50.000 bản sách, có hệ thống thư viện sách điện tử, quản trị thư viện bằng phần mềm quản lý trực tuyến và khoảng 3.000 máy tính nối mạng.

Thông qua chính sách đãi ngộ cạnh tranh, nhà trường đã thu hút được đông đảo giảng viên nhiệt tình, có trình độ và kinh nghiệm. Hiện nay, trường có hơn 1.100 giảng viên cơ hữu. Quỹ lương hằng năm trên 184 tỷ đồng. Nhà trường hiện có trên 19.000 sinh viên, thuộc 14 khoa, đang theo học tại 54 chương trình đào tạo. Tất cả chương trình đào tạo của trường đều được đánh giá theo chuẩn chương trình AUN của Đông Nam Á. Hằng năm, trường cung cấp cho thị trường lao động gần 5.000 kỹ sư, cử nhân lành nghề. Tỷ lệ sinh viên có việc làm trong vòng 6 tháng sau tốt nghiệp luôn đạt từ 95%, suốt nhiều năm qua. Trường đã đầu tư nguồn lực rất lớn cho hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên. Mỗi năm, trường dành từ 3 – 5% ngân sách hoạt động để thúc đẩy nghiên cứu khoa học. Số công bố khoa học của giảng viên trung bình đạt 250 bài báo nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế mỗi năm.

Thời gian tới, chiến lược phát triển nhà trường đặt ra mục tiêu trên cơ sở huy động nguồn lực xã hội hóa, sẽ xây dựng trường ĐH Nguyễn Tất Thành trở thành trường đại học trọng điểm, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Cụ thể, đến năm 2020, sẽ đạt chuẩn kiểm định trường theo tiêu chuẩn AUN, với 50% chương trình đào tạo. Năm 2025, xếp hạng trong 300 các trường hàng đầu châu Á, với 100% chương trình đạt chuẩn kiểm định chương trình AUN. Trường cũng sẽ tập trung phát triển hai khối ngành Chăm sóc sức khoẻ và Công nghệ cao như là thế mạnh cạnh tranh của trường. Đổi mới, sáng tạo chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin theo mô hình giáo dục đại học 4.0.

THEO ÔNG, MÔ HÌNH GIÁO DỤC ĐẠI HỌC 4.0 SẼ THÀNH CÔNG Ở VIỆT NAM?

Vừa rồi, trường đã làm việc và báo cáo với Bộ GD – ĐT về Đề án thí điểm mô hình giáo dục 4.0 trong trường đại học. Thứ trưởng Bộ GD – ĐT Bùi Văn Ga đã đánh giá cao định hướng giáo dục 4.0 của nhà trường và cho rằng, trường là đơn vị tiên phong về mô hình giáo dục đại học 4.0, nên rất ủng hộ. Để góp phần thực hiện mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và TP. HCM, trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã kiến nghị Chủ tịch UBND TP. HCM tiếp tục ủng hộ đề xuất của trường ĐH Nguyễn Tất Thành trở thành trường đại học tư thục trọng điểm đầu tiên, với định hướng mới là theo mô hình trường đại học 4.0. Đồng thời, TP.HCM sẽ hỗ trợ cho trường được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi từ Quỹ Đầu tư Phát triển TP. HCM và các nguồn vốn ưu đãi khác.

Để thúc đẩy việc chuẩn hóa, hội nhập hệ thống giáo dục TP. HCM với các nền giáo dục tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, trường có dự án Tòa nhà 21 tầng, tại cơ sở 298A, Nguyễn Tất Thành, Q. 4, TP. HCM. Với thiết kế hiện đại và đầu tư mạnh mẽ, Tòa nhà 21 tầng sẽ giúp trường triển khai xây dựng Trung tâm Chuyển giao công nghệ giáo dục thông qua kết nối, chuyển giao và chia sẻ nguồn lực công nghệ giáo dục tiên tiến từ các đối tác quốc tế cho các trường tại TP. HCM và cả nước. Góp phần thực hiện Chương trình Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của TP. HCM, trường đề xuất hợp tác với các ban, ngành TP. HCM nghiên cứu thực trạng và đề ra các giải pháp phát triển hệ thống giáo dục đào tạo để đưa TP. HCM trở thành trung tâm giáo dục hàng đầu trong khu vực.

Xin cảm ơn ông!

Theo Báo SVVN

Tin tức khácXem thêm