Sốt xuất huyết ở trẻ em

NTTU – Hiện nay, sốt xuất huyết ở trẻ em bùng phát mạnh, tăng nhanh và chưa có dấu hiệu dừng lại. Đặc biệt, nếu bị ở mức độ nặng, bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm thậm chí tử vong nếu không được phát hiện kịp thời

Nguy cơ dịch bệnh 

Đến hết ngày 12/6, cả nước đã ghi nhận hơn 52.200 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 29 trường hợp tử vong. Các chuyên gia dự báo dịch sốt xuất huyết có thể bùng phát mạnh trong tháng 6 và tháng 7/2022.

Thời gian gần đây, các bệnh viện nhi đồng trên địa bàn TP. HCM đã điều trị cho nhiều trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó có nhiều ca bị sốc nặng, tổn thương đa cơ quan, có ca ngưng thở, ngưng tim trước nhập viện.

Khoa hồi sức tích cực – chống độc Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP. HCM) cho hay, trong 3 tháng đầu năm 2022, số ca sốt xuất huyết đến khám và nhập viện Nhi Đồng 1 tăng gấp 1,5 – 2 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố, từ Tết Nguyên đán đến nay, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 100 – 150 bệnh nhi mắc sốt xuất huyết, trong số này có 10% trẻ phải nhập viện để điều trị.

Biểu hiện bệnh

Giai đoạn sốt

Ở giai đoạn đầu của bệnh sốt xuất huyết bệnh nhân có thể ủ bệnh trong khoảng 4 đến 10 ngày. Sau đó, bệnh nhân thường xảy ra triệu chứng sốt cao đột ngột, sốt liên tục và rất khó hạ sốt. Có thể sốt đến 40 độ C.

Ở trẻ em, trẻ có thể bị sốt cao đột ngột, liên tục. Trẻ còn nhỏ thì bứt rứt, quấy khóc. Trẻ lớn hơn thì đau đầu, cảm thấy chán ăn, buồn nôn, biểu hiện da sung huyết (quan sát thấy có chấm xuất huyết dưới da), đau cơ khớp, nhức ở hai hố mắt, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam.

Giai đoạn nguy hiểm

Sau giai đoạn sốt, trẻ tiến vào giai đoạn nguy hiểm của bệnh, thường rơi vào khoảng ngày thứ 3 – 7 sau khi mắc bệnh. Vào giai đoạn này có thể còn sốt hoặc đã thuyên giảm, hạ sốt không có nghĩa là bệnh nhân đã khỏi bệnh, trẻ bị thoát huyết tương (Lượng huyết tương trong máu thoát ra ồ ạt khiến bụng bị chướng to, thường kéo dài trong 24 – 48 giờ, nguy cơ dẫn đến tử vong ở các bệnh nhi sốt xuất huyết).

Một số triệu chứng cảnh báo sự nguy hiểm: 

  • Người bệnh có biểu hiện vật vã, mệt mỏi li bì, các đầu chi lạnh, mạch nhỏ, tụt huyết áp, không đo được huyết áp, tiểu ít.
  • Xuất huyết: Biểu hiện xuất huyết có thể xảy ra ở dưới da mặt và sau đó là hai cẳng chân, mặt trong bàn tay, cánh tay, bụng và đùi, … Bệnh nhân có thể xuất hiện vết bầm tím trên da. Ngoài ra, người bệnh còn có thể bị chảy máu mũi, tiểu ra máu, kinh nguyệt kéo dài, nôn ra máu, phẫn lẫn máu, …
  • Đối với những trường hợp xuất huyết nghiêm trọng có thể gây ra tình trạng viêm gan nặng, viêm cơ tim, viêm não, …

Giai đoạn phục hồi

Sau giai đoạn nguy hiểm chừng 48 – 72 giờ là giai đoạn phục hồi, trẻ hết sốt, tình trạng cải thiện nhiều, biểu hiện thèm ăn, huyết áp ổn định hơn và tiểu nhiều hơn.

Các loại xét nghiệm chuẩn đoán

Tổng phân tích tế bào máu

  • Bạch cầu: Chỉ số bạch cầu sẽ giảm khi cơ thể bị nhiễm virus sốt xuất huyết Dengue
  • Tiểu cầu: Chỉ số tiểu cầu giảm cũng là một dấu hiệu cảnh báo người bệnh có nguy cơ bị sốt xuất huyết.
  • Chỉ số Hematocrit: Hematocrit tăng cũng là một dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết.

Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu có thể được chỉ định trong quá trình chẩn đoán bệnh hoặc trong quá trình theo dõi và điều trị bệnh.

Xét nghiệm miễn dịch

Đây là loại xét nghiệm nhằm tìm ra các kháng nguyên Dengue NS1 và các kháng thể IgM và IgG. Trong đó, IgM và IgG là những chỉ số rất quan trọng

  • Xét nghiệm kháng nguyên Dengue NS1: Thường được chỉ định trong 3 ngày đầu tiên khi cơ thể có biểu hiện nghi ngờ nhiễm bệnh
  • Xét nghiệm kháng thể IgM: Đây là loại kháng thể sinh ra để chống lại virus sốt xuất huyết
  • Xét nghiệm kháng thể IgG: Được chỉ định với mục đích kiểm tra xem bệnh nhân đã từng bị sốt xuất huyết hay chưa. Thông thường, sau khoảng 7 ngày mắc bệnh thì kháng thể IgG sẽ xuất hiện và tồn tại đến hết đời trong cơ thể người.

Các loại xét nghiệm bổ sung trong công tác chẩn đoán và điều trị 

  • Xét nghiệm điện giải đồ
  • Xét nghiệm Albumin
  • Xét nghiệm CRP
  • Xét nghiệm chức năng gan
  • Xét nghiệm chức năng thậN

Hướng dẫn điều trị

Khi nhận thấy trẻ em có dấu hiệu bị sốt xuất huyết, cần lập tức đưa trẻ đến bệnh viện khám và chẩn đoán. Sau đó, phần lớn các trường hợp trẻ em bị sốt xuất huyết đều có thể được điều trị tại nhà (điều trị ngoại trú) và đến tái khám đầy đủ theo lịch hẹn. Cần lưu ý những chỉ dẫn của bác sĩ để quá trình điều trị đạt hiệu quả nhanh nhất, cụ thể như sau:

  • Nếu bệnh nhi sốt cao trên 39oC, cần được uống thuốc hạ sốt paracetamol theo hướng dẫn sử dụng, nới lỏng quần áo, lau mát. Chú ý không được dùng aspirin hay ibuprofen, vì có thể dẫn đến xuất huyết, toan máu.
  • Khuyến khích bé uống nhiều nước (nước sôi để nguội), oresol (nước điện giải), nước trái cây (nước dừa, cam, chanh, …) hoặc cháo loãng pha với muối, để bổ sung chất điện giải cho bé;
  • Chế độ ăn uống trong ngày nên chia làm nhiều bữa nhỏ, thức ăn loãng, dễ tiêu, cân bằng dinh dưỡng. Không nên dùng thực phẩm và nước uống có màu sẫm (tránh trường hợp bị nhầm lẫn với xuất huyết tiêu hóa);
  • Nên để trẻ nghỉ ngơi tại nhà, hạn chế vận động trong thời gian trẻ bị sốt xuất huyết.
  • Trong trường hợp trẻ không thể uống được nước do nôn ói quá nhiều, lờ đờ, không tỉnh táo, cần đưa đến cơ sở y tế để được hướng dẫn.

Cần ngay lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế để được bác sĩ kiểm tra và điều trị kịp thời nếu nhận thấy trẻ có một trong các biểu hiện sau đây:

  • Vật vã, lừ đừ
  • Đau bụng ngày càng nặng
  • Da xung huyết nhưng tứ chi lạnh
  • Nôn ói đột ngột, liên tục
  • Xuất huyết tiêu hóa đột ngột

Cách phòng chống bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em 

Việt Nam vẫn chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết. Biện pháp phòng bệnh đang được áp dụng là chủ động kiểm soát các loại côn trùng trung gian truyền bệnh như: diệt bọ gậy (lăng quăng), tiêu diệt muỗi trưởng thành

Cha mẹ có thể loại bỏ nơi sinh sống và sinh sản của muỗi, tiêu diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách:

  • Đậy kín, vệ sinh các dụng cụ có chứa nước; Thu gom, vứt bỏ các vật dụng, phế liệu trong nhà và xung quanh nhà dễ đọng nước để muỗi không thể vào đẻ trứng.
  • Thả cá vào các dụng cụ đựng nước dung tích lớn (bể, giếng, chum, vại…)
  • Vệ sinh môi trường sinh sống, lật úp các vật dụng chứa nước khi chưa dùng đến;
  • Phòng chống muỗi đốt cho trẻ:
  • Cho trẻ mặc quần áo dài tay
  • Ngủ trong màn, giăng mùng, kéo rèm (kể cả ban ngày)
  • Sử dụng bình xịt diệt muỗi, nhang hương chống muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi, …

Bên cạnh đó, gia đình cần tích cực phối hợp với cấp chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết định kỳ.

Nguyễn Duy Thống – Khoa KTXNYH

 

Nguồn:

https://moh.gov.vn/tin-tong-hop/-/asset_publisher/k206Q9qkZOqn/content/-a-co-hon-52-000-ca-mac-sot-xuat-huyet-29-truong-hop-tu-vong-bo-y-te-canh-bao-cao-iem-mua-dich?

https://medlatec.vn/tin-tuc/chuyen-gia-huong-dan-danh-gia-ket-qua-xet-nghiem-sot-xuat-huyet-s58-n28554

https://medlatec.vn/tin-tuc/mot-so-loai-xet-nghiem-chan-doan-sot-xuat-huyet-thuong-duoc-bac-si-chi-dinh-s58-n28553

https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/nhung-bieu-hien-canh-bao-sot-xuat-huyet-o-tre-em

https://tuoitre.vn/tp-hcm-tre-em-den-vien-vi-sot-xuat-huyet-tang-nhieu-ca-bi-soc-nang-nguy-hiem-20220419225152429.htm

 

Tin tức khácXem thêm