Sinh viên NTTU “gặt” 3 huy chương tại Giải thưởng Thiết kế, Chế tạo, Ứng dụng lần thứ 13 năm 2025
NTTU – Giải thưởng “Thiết kế, Chế tạo, Ứng dụng lần thứ 13 – năm 2025” vừa chính thức khép lại, tìm được “chủ nhân” của các giải thưởng tại hai bảng đấu: Sản phẩm thiết kế, chế tạo, ứng dụng; Sáng tạo phần mềm, ứng dụng dành cho sinh viên
Giải thưởng “Thiết kế, Chế tạo, Ứng dụng” do Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ và Thành Đoàn TP.HCM phối hợp cùng tổ chức nhằm tìm kiếm, phát hiện và tuyên dương các tác giả, nhóm tác giả có các sản phẩm sáng tạo có khả năng ứng dụng vào thực tiễn, tham gia giải quyết các vấn đề cuộc sống. Đặc biệt là khuyến khích khả năng sáng tạo, tạo dựng sân chơi khoa học, trí tuệ và bổ ích cho Đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên tại Thành phố Hồ Chí Minh, qua đó trau dồi, nâng cao kiến thức về khoa học công nghệ, thúc đẩy phong trào học tập, nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ phục vụ cộng đồng.
Cuộc thi năm nay thu hút sự tham gia tranh tài của 76 dự án đến từ nhiều trường đại học, cao đẳng, THPT và trung tâm đào tạo trên địa bàn Thành phố. Trong số đó, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành góp mặt với 8 dự án, trải rộng ở các lĩnh vực như dược phẩm, y sinh, nông nghiệp tuần hoàn, vật liệu mới và chăm sóc sức khỏe.
Vượt qua nhiều ý tưởng sáng tạo và mô hình ứng dụng nổi bật, các dự án của đoàn sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã xuất sắc mang về ba huy chương bao gồm: 02 huy chương bạc ( “AroTrips – Bộ sản phẩm chăm sóc sức khỏe du lịch từ nghệ trắng”, “Cốm trà Thanh An – Nâng tầm giá trị trà thảo dược Việt Nam”) và 01 huy chương đồng (“BioKitty – Cát mèo tái sinh từ bã sắn”). Thành tích xuất sắc này đã một lần nữa khẳng định năng lực và tư duy đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng của sinh viên nhà trường.
⁽¹⁾Dự án “AroTrips – Bộ sản phẩm chăm sóc sức khỏe du lịch từ nghệ trắng” hướng tới việc ứng dụng dược liệu bản địa – nghệ trắng – vào chế phẩm chăm sóc sức khỏe phù hợp với nhu cầu của khách du lịch, kết hợp đặc tính chống viêm, kháng khuẩn và tái tạo da. Đội hình thực hiện gồm các sinh viên Phạm Trần Minh Thư, Võ Ngọc Minh Thư, Đỗ Thanh Thúy, Trần Thái Hòa và Lê Minh Trí, dưới sự hướng dẫn chuyên môn của TS. Võ Thị Ngọc Mỹ (Khoa Kỹ thuật Xét nghiệm y học) và NCS.ThS. Trần Thành (Viện Khoa học liên ngành).
⁽²⁾Đề tài “Cốm trà Thanh An – Nâng tầm giá trị trà thảo dược Việt Nam”, tập trung phát triển dòng sản phẩm cốm hòa tan từ các loại thảo dược có dược tính cao, phù hợp với xu hướng chăm sóc sức khỏe tự nhiên. Nhóm tác giả gồm các sinh viên Lê Thị Thu Hương, Cao Thị Bích Ngọc, Huỳnh Như, Nguyễn Kim Quỳnh Như và Võ Thị Phương Như, do ThS. Lê Thị Thu Hương – giảng viên Khoa Dược trực tiếp hướng dẫn.
⁽³⁾Đề tài “BioKitty – Cát mèo tái sinh từ bã sắn”: một sáng kiến xanh nhằm tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để chế tạo cát vệ sinh cho thú cưng có khả năng phân hủy sinh học, hướng đến mô hình tiêu dùng bền vững. Dự án được thực hiện bởi Phan Hoàng Ngọc Thương và Nguyễn Thảo Anh, dưới sự hướng dẫn của NCS.ThS. Trần Thành (Viện Khoa học liên ngành).
Ba tấm huy chương tại một sân chơi khoa học – công nghệ chung với các trường khoa học kỹ thuật đã góp phần khẳng định chiến lược đào tạo của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành trong việc gắn nghiên cứu với thực tiễn, chú trọng đổi mới sáng tạo và phát triển sản phẩm ứng dụng. Đồng thời, đây cũng là minh chứng rõ ràng cho năng lực chuyên môn, khả năng định hướng và đồng hành của đội ngũ giảng viên trong quá trình phát triển ý tưởng và triển khai sản phẩm thực tế của sinh viên.
Đại diện hai dự án “Cốm trà Thanh An” (nữ, thứ 3 – từ trái sáng) và “AroTrips” (nữ, thứ 4 – từ trái sang) đại diện nhận huy chương bạc từ Ban tổ chức
Đại diện dự án BioKitty đoạt huy chương đồng nhận thưởng chung cuộc
Với kết quả đạt được tại cuộc thi “Thiết kế, Chế tạo, Ứng dụng lần 13 năm 2025”, sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã và đang cho thấy vai trò tiên phong trong các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, khởi nghiệp và sáng tạo vì một xã hội bền vững.
Đại diện toàn đoàn chia sẻ sau hành trình “chinh chiến” tại “Thiết kế, Chế tạo, Ứng dụng lần thứ 13 năm 2025”, sinh viên Phạm Trần Minh Thư (Leader của dự án “AroTrips”) cho rằng: “Cuộc thi là một sân chơi phù hợp với định hướng phát triển của sinh viên NTTU – nơi mà ý tưởng không chỉ dừng lại ở mức độ sáng tạo, mà còn được thử thách về khả năng hiện thực hóa và tính ứng dụng thực tiễn. Với riêng AroTrips, chúng em xem đây là cơ hội để lắng nghe phản hồi, hoàn thiện sản phẩm và quan trọng hơn là đưa sản phẩm nghiên cứu của cả nhóm đến gần hơn với người tiêu dùng”.
“Từ giải thưởng lần này, AroTrips không đơn thuần chỉ là kết quả nghiên cứu hay một bộ sản phẩm có giá trị ứng dụng thực tiễn mà còn là động lực để chúng em tiếp tục phát huy niềm đam mê, sức sáng tạo của tuổi trẻ trong nghiên cứu khoa học. Chỉ cần nỗ lực, tự tin vào điều mình làm thì một phòng lab nhỏ cũng có thể tạo ra giải pháp lớn”, Minh Thư tự hào chia sẻ thêm.
Sau cuộc thi, các dự án sẽ tiếp tục được hoàn thiện mô hình, nâng cấp tính ứng dụng và khả năng thương mại hóa. Nhà trường và Trung tâm Sáng tạo – Ươm tạo Khởi nghiệp sẽ đồng hành hỗ trợ kết nối với các chương trình ươm tạo, cố vấn chuyên môn và tìm kiếm nguồn quỹ phát triển. Các nhóm có tiềm năng sẽ được định hướng tham gia thêm các sân chơi khởi nghiệp cấp trường, cấp Thành và quốc gia trong thời gian tới.
Tin bài: Trần Thành – Thanh Hương