SGGP – Trường đại học phải lấy chất lượng làm điều kiện tiên quyết

Báo SGGP: Trường đại học phải lấy chất lượng làm điều kiện tiên quyết 

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ vừa có buổi thăm và trao đổi với lãnh đạo, cán bộ công nhân viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.

Theo PGS.TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, qua 17 năm phát triển đến nay trường có quy mô đào tạo là 19.000 sinh viên, trong đó có 12.000 sinh viên bậc đại học. Nhà trường hiện đào tạo 1 ngành thạc sĩ, 26 ngành đại học, 22 ngành cao đẳng trong các lĩnh vực kỹ thuật – công nghệ, xã hội – nhân văn, kinh tế – quản trị, chăm sóc sức khỏe, và mỹ thuật – nghệ thuật. Về nghiên cứu khoa học, trong những năm qua, trường đã đầu tư nguồn lực rất lớn cho hoạt động nghiên cứu khoa học cho giảng viên và sinh viên, với khoản kinh phí trên 20 tỷ đồng/năm. Giảng viên trường hiện cũng là chủ nhiệm đề tài các cấp có nguồn kinh phí từ nhà nước, trong đó có 12 đề tài cấp nhà nước, 27 đề tài cấp bộ với kinh phí được cấp trên 45 tỷ đồng.

                 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thăm phòng thí nghiệm Khoa dược Trường ĐH Nguyễn Tất Thành

Về đội ngũ giảng viên, trường hiện có 1.126 giảng viên cơ hữu, trong đó có 8 GS, 14 PGS. Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ chiếm 7%, có trình độ ThS chiếm 44,5%. Bảo đảm tỷ lệ sinh viên/trên là 16,8. Thu nhập bình quân của giảng viên là 12 triệu đồng/tháng. Độ tuổi trung bình của giảng viên là 40 tuổi. Về cơ sở vật chất, hàng năm trường đầu tư từ 40-100 tỷ đồng cho đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị thí nghiệm, thực hành. Riêng trong 2 năm qua mỗi năm đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng cho xây dựng cơ bản. Chiến lược phát triển, từ nay đến 2020 Trường ĐH Nguyễn Tất Thành trở thành trường đại học ứng dụng thực hành, đạt chuẩn quốc gia và có uy tín trong nước và quốc tế.

Tại buổi làm việc, sau khi thăm cơ sở vật chất và nghe báo cáo chặng đường 17 năm phát triển của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao sự phát triển ổn định và bền vững của nhà trường trong suốt chặng đường đã qua. Bộ trưởng cho rằng trong số các trường tư thục, không có nhiều mô hình thành công như Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, mô hình trường đi lên từ một cơ sở đào tạo nghề lên trung cấp, cao đẳng rồi đại học. Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, thành công này có thể xuất phát từ 2 nguyên nhân chính: thứ nhất người lãnh đạo có tâm huyết, tầm nhìn nên mới có thể hút đội ngũ giỏi về với trường và truyền cảm hứng cho người học; thứ hai đó là hai chữ “chất lượng”, bởi lẽ không một trường nào có thể phát triển vững chắc mà không có văn hóa chất lượng. Bộ trưởng cũng dẫn chứng, thực tế cho thấy những trường ĐH tốt nhất thế giới là những trường luôn chú trọng đến kiểm định chất lượng.

Về đề xuất trở thành trường ĐH tư thục đầu tiên trở thành trường ĐH trọng điểm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng: “Trước tiên trường phải xem vị trí của mình đang ở đâu. Muốn biết được điều này thì phải kiểm định chất lượng chương trình đào tạo, hiện nay thì nên chọn tiêu chuẩn AUN (Tổ chức mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á) để đánh giá. Sau khi có kết quả đánh giá trường sẽ biết mình đã đạt và chưa đạt được những gì để phấn đấu. Một khi đã đạt được các tiêu chí kiểm định của quốc tế và khu vực thì đương nhiên trường sẽ trở thành trường ĐH trọng điểm mà không cần phải dựa vào các quy định hành chính nào cả”.

Trao đổi về đội ngũ sư phạm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng đội ngũ giao sư, phó giáo sư, tiến sĩ của trường là không hề ít. Tuy nhiên, trường cần có kế hoạch nâng tỉ trọng giảng viên có trình độ tiến sĩ lên cao hơn để đẩy mạnh hơn nữa về chất lượng đào tạo và nghiên cứu. Một trường ĐH học mà chỉ lo dạy, không có nghiên cứu thì không thể gọi là trường ĐH được.

Theo SGGP

Tin tức khácXem thêm