Phát triển nguồn nhân lực du lịch: Đổi mới để phát triển

NTTU – Sáng 14/6, tại cơ sở chính Quận 4, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã phối hợp cùng Câu lạc bộ Khối đào tạo Du lịch (thuộc Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Đào tạo và nghiên cứu du lịch trong kỷ nguyên mới”

Tham dự chương trình, về phía khách mời có: PGS.TS. Lê Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Giáo dục, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ông Phạm Ngọc Lan – Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Công tác Hội viên, Hiệp hội các trường đại học cao đẳng Việt Nam; Ông Lê Trương Hiền Hoà – Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. HCM; Ông Trần Ngọc Đông Quân – Trưởng phòng lữ hành, Sở Du lịch TP. HCM; PGS.TS. Trần Hữu Tuấn – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khối đào tạo Du lịch, Hiệu trưởng Trường Du lịch – Đại học Huế; TS. Vũ Văn Viện – Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Khối đào tạo Du lịch, Trưởng Khoa Du lịch, Đại học Hạ Long; cùng sự có mặt của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các cơ quan Thông tấn báo chí, lãnh đạo đại diện các doanh nghiệp du lịch, nhà tài trợ, các trường đại học có đào tạo lĩnh vực du lịch trên cả nước.

Về phía Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có sự hiện diện của TS. Trần Ái Cầm – Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS. Bạch Long Giang – Trưởng phòng Khoa học và Công nghệ; TS. Phan Thị Ngàn – Quyền trưởng khoa Du lịch; TS. Nguyễn Phước Hiền, Phó Trưởng Khoa Du lịch cùng sự góp mặt của quý thầy cô là cán bộ, giảng viên và đặc biệt là sự có mặt của đông đảo sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh khoa Du lịch Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.

Hội thảo thu hút sự tham gia của đông đảo nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, giảng viên và sinh viên

Hội thảo khoa học quốc gia “Đào tạo và nghiên cứu du lịch trong kỷ nguyên mới” được chia làm 2 phiên chính là phiên toàn thể và phiên tiểu ban. Phiên tiểu ban sẽ bao gồm 3 nội dung: Ứng dụng chuyển đổi số trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch; Đào tạo và nghiên cứu du lịch trong bối cảnh đổi mới; Đào tạo du lịch gắn với định hướng nghề nghiệp.

Tại hội thảo, các nhà khoa học, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu sẽ trình bày thảo luận và phân tích những xu hướng, thách thức và cơ hội của du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới như: Ứng dụng E-learning đối với đào tạo du lịch trong bối cảnh hội nhập; Đào tạo nguồn nhân lực du lịch trong nền kinh tế chuyển đổi số; Nghiên cứu thiết kế sản phẩm du lịch đêm TP. HCM; Chiều cạnh trong giới du lịch; Liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp về đào tạo du lịch theo xu thế hội nhập;… Từ đó, tìm ra các giải pháp sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu du lịch.

Các chuyên gia, nhà khoa học trình bày các tham luận tại hội thảo

Đặt vấn đề về việc đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng nghiên cứu du lịch trong kỷ nguyên mới, TS. Trần Ái Cầm – Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành nhận định, du lịch – một ngành công nghiệp mũi nhọn của nền kinh tế đã có những thay đổi mạnh mẽ dưới tác động của trí tuệ nhân tạo và những xu hướng toàn cầu, trong bối cảnh đó việc đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực du lịch cũng phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu của thời đại.

Theo TS. Trần Ái Cầm – Hiệu trưởng nhà trường, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho du lịch là điều vô cùng cấp thiết

Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS. Trần Hữu Tuấn – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khối đào tạo Du lịch, Hiệu trưởng Trường Du lịch – Đại học Huế cũng cho rằng, việc đổi mới trong công tác đào tạo và nghiên cứu để đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 là vấn đề cấp thiết. Tuy nhiên, việc thực hiện vẫn còn gặp nhiều thách thức.

Theo PGS.TS. Trần Hữu Tuấn, đội ngũ giảng dạy của các cơ sở giáo dục hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số, đa phần việc cập nhật chương trình, công nghệ để đáp ứng yêu cầu giảng dạy của đội ngũ giảng viên chưa đáng kể. Bên cạnh đó, các chương trình đào tạo chưa bắt kịp với yêu cầu đổi mới của kỷ nguyên số. Vấn đề đầu tư công nghệ, cơ sở vật chất của các trường đại học vẫn còn hạn chế, đặc biệt là các trường đại học công lập, phụ thuộc chủ yếu vào nguồn ngân sách của Nhà nước. Tuy nhiên, PGS.TS. Trần Hữu Tuấn cho rằng, vấn đề này ở các trường tư thục thì thông thoáng hơn, việc đầu tư công nghệ và cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu giảng dạy và học tập được chú trong phát triển tương xứng.

Nhiều thách thức trong đào tạo nhân lực ngành Du lịch Việt Nam

Một trong những thách thức mà Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khối đào tạo Du lịch nhấn mạnh là người học. Theo PGS.TS. Trần Hữu Tuấn, phần lớn người học hiện nay còn mang tính thụ động, chưa sẵn sàng tiếp cận và thay đổi phương thức học tập.

Theo đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Vụ trưởng Vụ Giáo dục PGS.TS. Lê Anh Tuấn, Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và luật Du lịch số 09/2017/QH14 đã tạo ra hành lang pháp lý, thúc đẩy sự phát triển ngành du lịch Việt Nam. Trong đó, có công tác phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực du lịch được hoàn thiện từ trung cấp đến sau đại học, tạo ra bước tiến vượt trội trong công tác đào tạo nguồn nhân lực.

Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục PGS.TS. Lê Anh Tuấn, Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị và luật Du lịch 2017 đã tạo ra hành lang pháp lý, thúc đẩy sự phát triển ngành du lịch

Vụ trưởng Vụ Giáo dục cho rằng, để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập và chuyển đổi số, các cơ sở đào tạo cần chủ động chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo, cơ sở đào tạo và đặc biệt là người học cần xác định rõ định hướng học tập, ngành nghề. Trong kỷ nguyên số, người học cần được trang bị ngoại ngữ, chuyên môn nghiệp vụ, đào tạo kiến thức văn hóa các quốc gia trong khu vực và thế giới, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu phát triển của “ngành công nghiệp không khói”.

Nắm bắt được xu hướng phát triển của thời đại, từ nhiều năm qua, việc đào tạo nguồn nhân lực nói chung và nhân lực cho lĩnh vực nói riêng được Hội đồng Trường, Ban giám hiệu Trường ĐH Nguyễn Tất Thành dành sự quan tâm đặc biệt. Hiện nay, khoa Du lịch Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có 3 chương trình đào tạo trình độ đại học (Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, Du lịch, Việt Nam học) và 1 chương trình đào tạo trình độ Thạc sĩ (Du lịch) đã đạt chuẩn kiểm định chất lượng CTĐT theo Thông tư 04 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chương trình đào tạo cử nhân Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống được UPM gắn 3 sao Plus, Quản trị khách sạn được UPM gắn 4 sao.

Cơ sở vật chất của khoa Du lịch Trường ĐH Nguyễn Tất Thành

Bên cạnh đó, Nhà trường đã xây dựng và đưa vào sử dụng hệ thống cơ sở phòng thực hành gồm nhà hàng, bếp, bar, buồng/phòng khách sạn, lễ tân… đạt chuẩn 4-5 sao với các thiết bị hiện đại đáp ứng nhu cầu giảng dạy và học tập cho sinh viên. Đồng thời, kết nối với hơn 200 doanh nghiệp có uy tín trong và ngoài nước trong đào tạo, tuyển dụng, cung ứng nguồn nhân lực. Hàng năm, các hoạt động trao đổi sinh viên và đưa sinh viên đi thực tập ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Đức, Đài Loan (Trung Quốc), Ý… diễn ra sôi nổi.

Từ năm 2023, Khoa Du lịch Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã ghi dấu một bước tiến lớn trong sự phát triển của lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu du lịch tại Việt Nam khi là trường đại học ngoài công lập đầu tiên trong cả nước đào tạo trình độ Tiến sĩ chuyên ngành Du lịch. Đây không chỉ là thành tựu đáng kể mà còn là một minh chứng rõ ràng cho sự cam kết và nỗ lực không ngừng nghỉ của cả một tập thể trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Thực hiện: Hồng Quang

Ảnh: Media

Tin tức khácXem thêm