NTTU tổ chức Lễ hội Tết cổ truyền Campuchia – Lào 2025: Kết bản sắc – Nối tình thân
NTTU – Sáng ngày 16/04/2025, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã tổ chức một sự kiện đặc biệt ” Giao lưu văn hóa Việt Nam – Lào – Campuchia và sinh viên nước ngoài đón Tết cổ truyền Campuchia (Chol Chnam Thmay), Lào (Bunpimay) năm 2025″. Chương trình được tổ chức nhằm tạo không khí Tết cổ truyền ấm áp, thân thương dành cho sinh viên Lào và Campuchia đang học tập tại trường, giúp các em vơi đi nỗi nhớ quê hương trong những ngày đầu năm mới. Đây cũng là dịp để giảng viên, sinh viên NTTU cùng giao lưu, chia sẻ bản sắc văn hóa, góp phần thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân ba nước
Sự kiện thu hút sự tham dự của đông đảo sinh viên ba nước cùng các thầy cô, cán bộ Nhà trường và khách mời đặc biệt: TS. Nguyễn Tuấn Anh – Phó Hiệu trưởng, Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế; TS. Hoàng Hữu Dũng – Phó Hiệu trưởng; ThS. Hoàng Hữu Tiến – Chánh Văn phòng trường; ThS. Nguyễn Quỳnh Sơn – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên Quốc tế; ThS. Bùi Quang Trung – Trưởng phòng Truyền thông; ThS. Nguyễn Trần Như Quỳnh – Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh; ThS. Trương Quang Trị – Phó Trưởng Phòng CTSV; ThS. Nguyễn Mai Thanh Trúc – Phó Bí thư Đoàn thanh niên, cùng Ông Phouthone SOUVANKONE – Bí thư Đảng ủy sinh viên Lào tại TP HCM và Trưởng Ban Tự Quản Sinh Viên Lào tại TP HCM.
ThS. Nguyễn Quỳnh Sơn – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên Quốc tế chia sẻ tại chương trình
Mở đầu chương trình, ThS. Nguyễn Quỳnh Sơn – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên Quốc tế – đã gửi lời chào nồng nhiệt tới tất cả các bạn sinh viên quốc tế. Thầy khẳng định rằng, sự kiện này không chỉ thể hiện sự quan tâm sâu sắc của nhà trường đối với sinh viên quốc tế mà còn là cơ hội để các bạn giao lưu, chia sẻ những văn hóa hóa đẹp đẽ của quê hương mình, từ đó tạo ra một cộng đồng học thuật quốc tế gắn kết và phát triển.
“Chúng tôi luôn coi sinh viên quốc tế là một phần quan trọng trong cộng đồng học thuật của Nhà trường. Chương trình nhằm giúp các bạn sinh viên Lào, Campuchia có dịp hưởng trọn vẹn mùa tết ấm áp của quê nhà ngay trên quê hương thứ hai của các bạn – TPHCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình, đồng thời đóng góp xây dựng một cộng đồng sinh viên quốc tế kết nối và phát triển”, ThS. Nguyễn Quỳnh Sơn chia sẻ.
Tiếp theo là phần giao lưu văn nghệ với sự tham gia của các bạn sinh viên đến từ ba quốc gia, đã mang đến những tiết mục đặc sắc và đậm đà văn hóa của Lào và Campuchia. Chương trình văn nghệ đã tạo nên không khí ấm cúng, vui tươi, là cơ hội để sinh viên các quốc gia giao lưu, học hỏi và kết nối. Đặc biệt, một phần không thể thiếu trong chương trình là phong tục “buộc chỉ tay”, một nét đẹp trong văn hóa Lào. Đây là hành động thể hiện lòng hiếu khách, chúc phúc cho bạn bè với những lời chúc bình an và may mắn.
Trong khuôn khổ chương trình, Ban Giám hiệu Nhà trường đã trao kỷ niệm chương tri ân các thành viên Ban Tự quản Sinh viên nhiệm kỳ III – lực lượng nòng cốt trong công việc hỗ trợ, kết nối sinh viên quốc tế với Nhà trường trong suốt thời gian qua. Với nhiều đóng góp trong các hoạt động học thuật, văn hóa, thể thao và đời sống sinh viên, Ban Tự quản đã để lại dấu ấn đậm nét về tinh thần đoàn kết và trách nhiệm.
TS. Hoàng Hữu Dũng – Phó Hiệu trưởng Nhà trường tặng quà cho Ông Phouthone SOUVANKONE – Bí thư Đảng ủy sinh viên Lào tại TP HCM và Trưởng Ban Tự Quản Sinh Viên Lào tại TP HCM
Tại chương trình, Tổng Lãnh sự quán Lào tại TP.HCM cũng chính thức công bố và ra mắt 7 gương mặt tiêu biểu của Ban Tự quản Sinh viên nhiệm kỳ IV. Họ sẽ tiếp tục là cầu nối quan trọng, đồng hành cùng sinh viên trong học tập, sinh hoạt và hỗ trợ đời sống tinh thần, góp phần xây dựng cộng đồng sinh viên quốc tế ngày càng gắn kết và mạnh mẽ tại NTTU.
Midavanh Chansomphou, sinh viên ngành Y đa khoa đến từ Lào
Đại diện cho sinh viên quốc tế, Midavanh Chansomphou, sinh viên ngành Y đa khoa đến từ Lào, đã xúc động chia sẻ: “Hôm nay, dù xa quê hương, nhưng nhờ có sự tổ chức chu đáo và không khí ấm áp từ chương trình, chúng em cảm thấy như đang được đón Tết ngay trên chính quê hương mình. Chương trình đã tạo ra một không gian thân mật, nơi em có thể kết nối với các bạn sinh viên Việt Nam và Campuchia, chia sẻ những giá trị văn hóa của đất nước mình.”
Sau phần lễ, chương trình chuyển sang phần thi nấu ăn, với sự tham gia của 20 đội đến từ các quốc gia Lào, Campuchia và Việt Nam. Các đội thi đã chuẩn bị các món ăn đặc sắc mang đậm văn hóa ẩm thực của mỗi quốc gia. Đây không chỉ là cơ hội để sinh viên có thể thực hiện khả năng nấu nướng mà còn là dịp để chia sẻ những câu chuyện văn hóa ẩm thực đầy ý nghĩa, làm phong phú thêm trải nghiệm văn hóa của mỗi sinh viên quốc tế.
Có thể thấy, một trong những yếu tố giúp Trường ĐH Nguyễn Tất Thành trở thành điểm đến lý tưởng cho sinh viên quốc tế chính là sự quan tâm sâu sắc và nỗ lực không ngừng trong việc chăm sóc, hỗ trợ các bạn sinh viên. Với phương châm “Sinh viên quốc tế là bạn đồng hành trong quá trình học tập và phát triển”, nhà trường không chỉ chú trọng đến chất lượng giảng dạy mà còn tạo ra một môi trường học tập thân thiện, nơi mỗi sinh viên đều cảm thấy được quan tâm và hỗ trợ tối đa.
Chia sẻ về sự hỗ trợ này, TS. Hoàng Hữu Dũng – Phó Hiệu trưởng Nhà trường bày tỏ: ” Chúng tôi nỗ lực tạo ra một môi trường học tập không chỉ về kiến thức mà còn về văn hóa và tình bạn. Chúng tôi hy vọng rằng, thông qua các hoạt động giao lưu như thế này, sinh viên quốc tế sẽ cảm thấy mình không chỉ là một phần của cộng đồng NTTU mà còn là những người bạn thân thiết của Nhà trường.”
Chương trình “Giao lưu văn hóa Việt Nam – Lào – Campuchia và sinh viên nước ngoài đón Tết cổ truyền Campuchia (Chol Chnam Thmay), Lào (Bunpimay) năm 2025” đã kết thúc trong không khí ấm áp và đầy kỷ niệm. Những tình cảm chân thành và những món quà ý nghĩa đã tăng phần thắt chặt thêm mối quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và tạo nên một cộng đồng học thuật quốc tế hòa nhập. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tiếp tục khẳng định là một trong những điểm đến lý tưởng cho sinh viên quốc tế, nơi mỗi sinh viên không chỉ được học hỏi mà còn được trải nghiệm, giao lưu và phát triển trong môi trường học tập đầy tình kết nối và giao lưu phát triển.
Cẩm Thạch – Media