NTTU STARTUP: Cùng nghe những dự án khởi nghiệp kể chuyện – Kỳ 1
NTTU – Tạo ra sản phẩm phục vụ làm đẹp với nguồn gốc từ thiên nhiên cùng việc góp phần bản vệ môi trường, vượt qua hàng nghìn dự án tham gia dự thi, “Ứng dụng vỏ trái cam sau khi lấy nước trong sản xuất tinh dầu, sáp thơm, xà phòng, mỹ phẩm và phân bón hữu cơ” đã đạt giải Nhì toàn quốc thuộc lĩnh vực Y tế, chăm sóc sức khoẻ và công nghệ làm đẹp cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp với giấc mơ “mang chuông đi đánh xứ người”.
“Ứng dụng vỏ trái cam sau khi lấy nước trong sản xuất tinh dầu, sáp thơm, xà phòng, mỹ phẩm và phân bón hữu cơ” đạt giải Nhì cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp
Bắt nguồn từ vấn đề rác vỏ cam thông qua việc vắt nước bán gây ảnh hưởng lớn đến môi trường, dưới sự hướng dẫn của ThS. Nguyễn Hoài Thương, hai sinh viên Trịnh Công Qui và Phạm Quỳnh Thương đã cho ra mắt sản phẩm vừa có tác dụng làm đẹp, vừa góp phần bảo vệ môi trường. Với loạt sản phẩm mang thương hiệu Q GREEN, nhóm khởi nghiệp đang ấp ủ giấc mơ mang dự án khởi nghiệp của mình ra thế giới. Và hành trình ấy đã và sẽ thực hiện như thế nào, NTTU đã có cuộc trao đổi với ThS. Nguyễn Thị Hoài Thương – Giảng viên dẫn dắt nhóm dự án khởi nghiệp về hành trình đã qua và những dự định cho tương lai.
NTTU: Điểm xuất phát của dự án này bắt nguồn từ đâu thưa Cô? Lý do nào để nhóm thực hiện lựa chọn vỏ quả cam trở thành chủ thể chính trong dự án?
ThS. Nguyễn Thị Hoài Thương: Lý do để bắt đầu cho dự án này khá đơn giản! Các bạn thấy những cửa hàng, xe lưu động bán nước cam thải ra một lượng lớn chất thải là vỏ cam, từ đó một ấp ủ một ước mơ từ những vỏ cam – sản phẩm thải đó có thể dùng làm nguyên liệu chiết xuất ra tinh dầu, rồi tiếp tục phát triển ý tưởng sản xuất thêm các sản phẩm như Nến thơm, nước rửa tay có tinh dầu cam. Bên cạnh đó, sau khi được sử dụng tạo ra sản phẩm phục vụ con người, phần chất thải còn lại sẽ được các bạn đưa về giá thể hữu cơ để làm phân bón. Và từ điểm bắt đầu ấy, Cô trò đã cùng nhau nghiên cứu, thực hiện dự án này.
Theo tôi, dự án này hướng đến nền nông nghiệp tuần hoàn, đồng thời tạo ra những phẩm khá “hay ho”. Điều này đều tạo nên những thuận lợi nhất định cho cả ngành dược và lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là khi nông nghiệp tuần hoàn đang là đích đến của nhiều dự án khởi nghiệp.
NTTU: Khó khăn lớn nhất là nhóm khởi nghiệp gặp phải khi thực hiện là gì? Cô và các bạn đã biến những khó khăn ấy trở thành cơ hội như thế nào?
ThS. Nguyễn Thị Hoài Thương: Cái khó khăn lớn nhất của dự án chính là làm sao để chuyển từ quy mô phòng thực hành sang quy mô rộng lớn hơn nếu thực hiện kinh doanh hóa dự án. Làm sao để đảm được nguyên liệu đầu vào hay tiêu thụ đầu ra luôn là những lo lắng không chỉ của nhóm dự án mà còn của cả đội ngũ dẫn dắt. Trong khoảng thời gian cùng nhau nghiên cứu ấy, nhiều lần các bạn đã nản chí và muốn từ bỏ.
Còn đối với vai trò là giảng viên hướng dẫn, làm sao để cập nhật thêm kiến thức cho các bạn, làm sao để cung cấp cho các bạn một môi trường đầy đủ các trang thiết bị, công cụ hỗ trợ là nổi lo của riêng Cô.
Rất may mắn là từ khi dự án được tiến hành, nhóm thực hiện đã nhận được sự quan tâm và hỗ trợ nhiệt tình từ phía Ban giám hiệu, Trung tâm Ươm tạo và Sáng tạo khởi nghiệp NIIC về phòng thí nghiệm, trang thiết bị hỗ trợ thực hiện cũng như đội ngũ Mentor dẫn dắt dự án đi vào chiều sâu và khả thi nhất.
NTTU: Với thành tích giải Nhì cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp, nhóm dự án đang ấp ủ những gì thưa Cô?
ThS. Nguyễn Thị Hoài Thương: Một tin vui đó là sau khi hoàn thành các vòng thi cấp Quốc gia, dự án “Ứng dụng vỏ trái cam sau khi lấy nước trong sản xuất tinh dầu, sáp thơm, xà phòng, mỹ phẩm và phân bón hữu cơ” sẽ tiếp tục lên kế hoạch tham gia dự thi quốc tế tại Canada, dự kiến là tháng 9 năm nay. Có thể nói đây vừa là cơ hội nhưng cũng vừa là thách thức để nhóm dự án làm việc nhiều hơn, mang sản phẩm của mình ra thế giới.
Không chỉ vậy, dự án đã chính thức thành lập hệ thống kinh doanh, sẳn sàng ký kết cùng các doanh nghiệp sản xuất và thương mại sản phẩm từ quả cam để đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất.
NTTU: Không chỉ mang nhiều giá trị đến người dùng, sản phẩm của Q GREEN còn chính là dự án truyền cảm hứng đến sinh viên, đặc biệt là những sinh viên đang ấp ủ những giấc mơ khởi nghiệp. Lời khuyên cho những bạn sinh viên NTTU nói riêng cũng như những starup trẻ nói chung là gì thưa Cô?
ThS. Nguyễn Thị Hoài Thương: Với các bạn sinh viên đang ấp ủ giấc mơ khởi nghiệp thì Cô nghĩ là các bạn hãy nên sống với ước mơ của mình, bởi dự án mà Cô đang hướng dẫn cũng bắt nguồn từ những cái ước mơ rất là gần gũi, rất là chân thực của các bạn sinh viên. Hãy tự tin với ý tưởng của mình, không sợ sai chỉ sợ chính các bạn không làm.
Khi có ý định cho một dự án khởi nghiệp, các bạn có thể tìm đến các giảng viên hoặc Trung tâm Ươm tạo và Sáng tạo khởi nghiệp NIIC để được các thầy cô hướng dẫn không chỉ về chuyên môn mà còn là đội ngũ dẫn dắt, định hướng cho dự án.
NTTU: Xin chân thành cảm ơn ThS. Nguyễn Thị Hoài Thương đã dành thời gian chia sẻ cùng các bạn sinh viên. Đây sẽ là những chia sẻ chân thật nhất để các bạn dễ dàng tiếp cận với ý tưởng khởi nghiệp của mình, đồng thời là nguồn cảm hứng to lớn cho các bạn.
Trong NTTU Startup: Cùng nghe những dự án khởi nghiệp kể chuyện kỳ tiếp theo, chúng ta sẽ cùng lắng nghe những chia sẻ từ tác giả của dự án để biết được hành trình thực hiện giấc mơ này như thế nào nhé!
Hồng Quang