Nhóm máu hệ ABO
NTTU – Hệ thống ABO là hệ thống nhóm máu được phát hiện sớm nhất bởi Landsteiner (giải Nobel năm 1930), là do sự hiện diện các kháng thể tự nhiên rất mạnh, nguyên nhân chính yếu gây ra các tai biến trầm trọng
Lịch sử nhóm máu
Năm 1860, Landsteiner thí nghiệm bằng cách trộn hồng cầu cừu với huyết thanh người, ông nhận thấy các hồng cầu cừu bị vỡ và huyết sắc tố được phóng thích ra bên ngoài. Đó là hình ảnh tiêu huyết. Đến năm 1900, bằng việc lấy mẫu máu của cộng sự viên, cho hồng cầu người này tiếp xúc với huyết thanh người kia. Ông nhận thấy nhiều trường hợp hồng cầu bị ngưng kết bởi những chất có trong huyết thanh được gọi là ngưng kết tố. Sau khi thực hiện trên một số lượng lớn mẫu, ông đưa ra 3 định luật:
– Kháng thể hiện diện trong huyết thanh của bất cứ một nhóm máu nào không làm ngưng kết hồng cầu nhóm đó.
– Những người của nhóm này chứa kháng thể (nếu có) làm ngưng kết hồng cầu nhóm khác.
– Mỗi nhóm máu được phát hiện dựa trên sự có hay vắng mặt của một hay nhiều yếu tố trên hồng cầu được gọi là kháng nguyên.
Dựa trên định luật thứ 3 này, Landsteiner đã khám phá ra hệ thống nhóm máu ABO.
Phân loại nhóm máu hệ ABO
Hệ thống ABO là hệ thống nhóm máu được phát hiện sớm nhất bởi Landsteiner (giải Nobel năm 1930), là do sự hiện diện các kháng thể tự nhiên rất mạnh, nguyên nhân chính yếu gây ra các tai biến trầm trọng.
Các kháng nguyên hệ ABO là những chất đa đường. Những kháng nguyên A và B thể hiện các gen A và B trên bề mặt hồng cầu. Ngoài ra, các kháng nguyên này còn khu trú trong nước bọt, bạch cầu, tiểu cầu, tế bào biểu mô và tế bào nội mô mạch máu.
Dựa vào sự có mặt của các kháng nguyên trên bề mặt hồng cầu, năm 1901 Landsteiner phân loại máu thành 4 nhóm chính A, B, AB và O:
Nhóm máu | Kháng nguyên | Kháng thể | Tỷ lệ (%) | Genotype | ||
Việt Nam | Châu Á | Châu Âu | ||||
A | A | Anti A | 20 | 28 | 40 | OA, AA |
B | B | Anti B | 28 | 27 | 11 | OB, BB |
AB | AB | Không | 4 | 5 | 4 | AB |
O | O | Anti AB | 48 | 40 | 45 | OO |
Sự thành lập kháng nguyên hệ ABO
– Kháng nguyên hệ ABO do gen nằm trên nhánh dài của nhiễm sắc thể số 9 ở người, alen IA cho ra nhóm máu A, IB cho ra nhóm máu B và i cho ra nhóm máu O. Do cả IA và IB đều là trội so với i nên chỉ có người ii mới có nhóm máu O.
– Các gen ABO không trực tiếp tạo ra kháng thể mà tạo ra men Glycosyltransferase để tổng hợp kháng nguyên.
Sự thành lập kháng thể hệ ABO
Ở trẻ sơ sinh hầu như không tìm thấy sự có mặt của kháng thể nhóm máu. 2 đến 8 tháng sau, cơ thể đứa trẻ bắt đầu sản xuất kháng thể và đạt nồng độ tối đa vào khoảng 8–10 tuổi. Do đó cần chú ý khi định nhóm máu trẻ sơ sinh 4 đến 6 tháng tuổi, nếu thấy hoạt tính kháng thể thấp là bình thường, ngược lại nếu thấy cao thì phải để ý đến kháng thể miễn dịch từ màng nhau sang tuần hoàn thai nhi.
Các nhóm phụ của hệ ABO
Nhóm máu A có 2 nhóm phụ là A1, A2. Hồng cầu A1 phản ứng mạnh với anti A còn A2 phản ứng yếu với anti A. 80% người mang nhóm máu A và AB thuộc loại A1 và 20% là A2. Tuy nhiên nhóm phụ thường ít cần trong thực tế, vì phản ứng truyền máu của nhóm phụ ít khi xảy ra.
Nhóm B yếu: các nhóm dưới B không hoặc rất ít ngưng kết với anti B nên không có ý nghĩa trong truyền máu.
Phương pháp định nhóm máu hệ ABO
Để xác định nhóm máu người ta thực hiện 2 phương pháp sau:
Nghiệm pháp hồng cầu (định nhóm xuôi)
Đây là nghiệm pháp trực tiếp nhằm phát hiện kháng nguyên hệ ABO trên bề mặt hồng cầu. Nguyên tắc của phương pháp này là sử dụng huyết thanh mẫu đã được chuẩn hóa có chứa kháng thể anti A, anti B, anti AB trộn với mẫu máu cần thử, dựa trên phản ứng ngưng kết với hồng cầu để định nhóm máu.
Nghiệm pháp huyết thanh (định nhóm ngược)
Đây là nghiệm pháp gián tiếp nhằm phát hiện kháng thể hệ ABO trong huyết thanh. Nguyên tắc của phương pháp này là sử dụng hồng cầu mẫu có chứa kháng nguyên đã biết nhằm xác định sự có hay vắng mặt của các kháng thể tương ứng trong huyết thanh, từ đó, suy ra nhóm máu.
Phương pháp trực tiếp Kỹ thuật Beth – Vincent |
Phương pháp gián tiếp Kỹ thuật Simonin |
Nhóm máu |
||||
Anti A | Anti B | Anti AB | HCM A | HCM B | HCM O | |
+ | – | + | – | + | – | A |
– | + | + | + | – | – | B |
+ | + | + | – | – | – | AB |
– | – | – | + | + | – | O |
Phương pháp định nhóm máu hệ ABO
Xét nghiệm nhóm máu hệ ABO
Hiện nay có 3 kỹ thuật cơ bản để xác định nhóm máu hệ ABO:
Định nhóm máu trên phiến kính/đá men
– Đây là kỹ thuật nhanh, gọn, rẻ tiền nhất, tuy nhiên thường chỉ được sử dụng khi định lại nhóm máu đã biết trước truyền máu do kỹ thuật thô sơ.
– Nguyên tắc: cho hồng cầu/huyết thanh của bệnh nhân lần lượt phản ứng với huyết thanh/hồng cầu mẫu tương ứng trên phiến kính, đọc kết quả sau 3 phút.
Định nhóm máu trong ống nghiệm
Kỹ thuật thường được sử dụng để định nhóm máu lần đầu, xác định nhóm máu trước khi tiến hành crossmatch.
Nguyên tắc: hồng máu sau khi được rửa sạch được pha thành huyền dịch 5%. Cho huyền dịch/huyết thanh bệnh nhân và huyết thanh mẫu/hồng cầu mẫu vào ống nghiệm tương ứng theo tỉ lệ nhất định. Ly tâm và đọc kết quả.
Định nhóm máu bằng gelcard
Đây là kỹ thuật có độ nhạy và độ đặc hiệu cao, cho kết quả ngưng kết rõ, thời gian ủ ngắn, kỹ thuật chuẩn, dễ dàng lưu giữ kết quả xét nghiệm.
Nguyên tắc: trong một cột gel có buồng phản ứng, có chứa huyết thanh chuẩn để định nhóm và có các viên bi thủy tinh làm màng ngăng đám ngưng kết. Nếu có phản ứng giữa kháng nguyên và kháng thể sẽ tạo thành đám ngưng kết và hồng cầu tự do không lọt qua kẽ các viên bi để đi xuống đáy cột gel (dương tính), nếu không có phản ứng các hồng cầu tự do sẽ lọt qua được và đi xuống đáy cột gel (âm tính).
Khi nào cần xét nghiệm nhóm máu?
– Trước khi truyền máu người bệnh và người cho máu được thực hiện xét nghiệm này để giảm thiểu tối đa các tai biến truyền máu có thể xảy ra;
– Trước phẫu thuật, ghép tạng mô cần kiểm tra sự tương thích;
– Kiểm soát các nguy cơ do bất đồng nhóm máu giữa mẹ và con;
– Xác định vết máu phục vụ cho pháp y, điều tra tội phạm;
– Về di truyền học: xét nghiệm này phục vụ cho việc xác định huyết thống;
– Khi bệnh nhân có nhu cầu biết về nhóm máu của mình;
ThS. Đỗ Ánh Dương – Khoa KTXNYH (tổng hợp)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
– Trần Văn Bé, 1998, Huyết học lâm sàng, 1998, NXB Y học;
– Hà Thị Anh, 2009, Kỹ thuật xét nghiệm huyết học – truyền máu, NXB Y học;
– Nguyễn Tấn Bỉnh, 2015, Bài giảng Huyết học lâm sàng, 2015, NXB Y học;
– Trần Văn Ngọc, Nguyễn Thị Lệ, 2022, Sinh lý học y khoa, NXB ĐHQG TP.HCM;