NHẬN DIỆN NẤM LINH CHI BẰNG PHƯƠNG PHÁP SINH HỌC PHÂN TỬ
Nấm linh chi có rất nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe, giúp tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể. Theo nghiên cứu của y học hiện đại nấm linh chi có tác dụng ổn định huyết áp, tăng cường tuần hoàn máu, giảm mệt mỏi, hỗ trợ thần kinh, chống đau đầu và tứ chi, điều hòa kinh nguyệt, chống dị ứng, kìm hãm sự tăng trưởng của tế bào ung thư, thúc đẩy hệ tiêu hóa, chống bệnh béo phì, phòng chữa bệnh tiểu đường, bệnh về gan mật như viêm gan, xơ gan, gan nhiễm mỡ…
Nấm Linh chi hiện đang sử dụng làm thuốc khá phổ biến ở TP. HCM là nấm Linh chi đỏ Ganoderma lucidum (W. Curt.: Fr.) Karst. có thể dựa vào các đặc điểm hình thái của quả thể như: hình dạng quả thể, màu mặt dưới, mép mũ nấm, thể chất mũ nấm, màu sắc của bột quả thể,… để phân biệt với các loài Linh chi khác thuộc chi Ganoderma. Khi nói đến Linh chi là đề cập đến Linh chi đỏ Ganoderma lucidum đây là loại Linh chi tốt nhất trong các loài thuộc họ Linh chi (Ganodermataceae). Theo Bản Thảo Thần Nông, dựa vào màu sắc có thể phân biệt Linh chi thành 6 loại: Linh chi đỏ (Xích chi), Linh chi đen (Hắc chi), Linh chi vàng (Hoàng chi), Linh chi xanh (Thanh chi), Linh chi trắng (Bạch chi), Linh chi tím (Tử chi). Riêng Linh chi đỏ (Ganoderma lucidum) là loại Linh chi được sử dụng phổ biến ở Việt Nam còn được phân biệt thành các chủng như: Linh chi chủng Việt Nam, Linh chi chủng Nhật trồng ở Việt Nam, Linh chi Trung Quốc, Linh chi Hàn Quốc).
Bảng 1: Những điểm khác biệt về thể quả của các chủng nấm Linh chi đỏ (theo Linh chi Nông Lâm)
Đặc điểm | Linh chi Việt Nam | Linh chi Hàn Quốc | Linh chi chủng Nhật trồng ở Việt Nam | Linh chi Trung Quốc |
Hình dạng | Tròn méo, ít khi hình thận | Thận, ít khi tròn. Hình dạng gần giống Linh chi Trung Quốc | Thận, ít khi tròn | Thận, ít khi tròn |
Đường kính | ~ 5-20cm | ~ 15-40cm | ~ 5-20cm | ~ 15-45cm |
Độ dày | ~ 0,4cm | ~ 0,8 cm | ~ 0.4 cm | ~ 0,8cm |
Thể chất | Mềm | Rất cứng | Cứng | Cứng |
Màu sắc | Mặt dưới: màu trắng đục. | Mặt trên: màu nâu có lớp bào tử phủ mỏng
Mặt dưới: màu vàng chanh |
Mặt trên: màu nâu đỏ đậm, có lớp bào tử phủ mỏng
Mặt dưới: màu vàng chanh |
Mặt trên: màu nâu có lớp bào tử phủ mỏng
Mặt dưới: màu vàng nghệ |
Trọng lượng mỗi tai nấm | ~10g-40g | ~200g đến 1,2kg | ~15g đến 50g | ~150g đến 1kg |
Mùi vị | Ít đắng | Đắng | Rất đắng | Khá đắng |
(A) | (B) | (C) | (D) | |
Hình 1. Các chủng Linh chi đỏ ở Việt Nam |
||||
(A) Linh chi Hàn Quốc
(C) Linh chi chủng Nhật trồng ở Việt Nam |
(B) Linh chi chủng Việt Nam
(D) Linh chi Trung Quốc |
|||
Với đặc điểm hình thái đa dạng như vậy, người sử dụng sẽ rất khó phân biệt các chủng, loài nấm Linh chi trên thị trường hiện nay. Đặc biệt những sản phẩm nấm Linh chi đã qua chế biến, cắt lát, nghiền mịn càng khó phân biệt. Định danh sinh học phân tử là phương pháp phù hợp nhất để xác định chính xác chủng, loài nấm Linh chi ngay cả khi ở dạng tơ nấm, dạng bào tử, cắt lát, nghiền mịn hoặc không rõ hình thái. Điều này có ý nghĩa trong việc chọn giống, sản xuất và sử dụng chính xác, hiệu quả các chủng, loài nấm Linh chi ở Việt Nam.
Hình 2: Các dạng nấm Linh chi không thể phân biệt bằng phương pháp hình thái |
Định danh loài bằng phương pháp sinh học phân tử có thể thực hiện trên ADN hoặc protein. Phương pháp dựa vào ADN có lợi thế hơn so với protein vì: (1) ADN ít nhạy cảm trong quá trình làm biến tính, (2) có thể thu nhận ADN từ tất cả các giai đoạn phát triển của cá thể và (3) ADN dễ dàng được nhân lên trong phòng thí nghiệm. Một hoặc một vài đoạn ADN ngắn (marker phân tử) được chọn làm trình tự so sánh giữa một mẫu chưa biết với một thư viện các trình tự của các loài đã biết. Với những loài sinh vật mà người ta cho là nó có quan hệ gần thì người ta có thể chọn những gen hay vùng ADN có độ linh động cao (như intron hay ITS), nhưng với nhóm sinh vật có quan hệ xa thì người ta lại chọn gen hay vùng ADN có độ bảo tồn cao (ví dụ ribosomal LSU rADN, gen mã hóa protein). Nếu việc chọn gen hay vùng ADN có độ bảo tồn hay độ biến thiên cao quá sẽ có thể ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng, vì vậy khuynh hướng hiện nay cũng là khuynh hướng tốt nhất là người ta kết hợp cả hai hướng này cho cùng một nghiên cứu.
Hình 3: Kết quả giải trình tự cả 2 mạch vùng gen beta – tubulin của một mẫu Linh chi chủng Nhật |
Phương pháp nhận diện loài dựa trên hệ gene (ADN) đã được phát triển từ năm 1990. Hiện nay, bằng cách sử dụng phương pháp sinh học phân tử có thể phân biệt loài kể cả khi mẫu vật chưa phát triển đầy đủ các đặc tính hình thái, bị hư hỏng các bộ phận ngoài, hoặc mẫu vật chết khiến quá trình nhận diện bằng hình thái trở nên khó khăn thậm chí là không thể.
Như vậy, ngoài cách phân biệt nấm Linh chi dựa vào hình thái bên ngoài, định danh bằng phương pháp sinh học phân tử có thể nhận diện chính xác và xác định nguồn gốc tiến hóa của các chủng nấm Linh chi ngay cả khi mẫu phân tích là một mảnh mô nhỏ, bảo tồn nhiều đời, hư hỏng hoặc không rõ hình thái. Điều này có thể giúp phân biệt chính xác các chủng nấm Linh chi, có ý nghĩa trong nhân giống, sản xuất và sử dụng hiệu quả loại dược liệu quý này.
Lê Thị Thu Trang – Khoa Dược tổng hợp
Nguồn tham khảo
- TS. Trương Thị Đẹp (2007), đề tài “Nghiên cứu phân loại học so sánh các nhóm nấm Linh chi làm thuốc ở Việt Nam”, cơ quan chủ trì Trường Đại học Y Dược TP.HCM.
- Trần Nhân Dũng và Liễu Như Ý (2012), “Đa dạng di truyền một số loại nấm ăn dựa trên trình tự ITS (internal transcribed spacer)”, Tạp chí khoa học trường Đại học Cần Thơ, số 22b, trang 18-25.
- Trần Hoàng Dũng, Lưu Phương Nam và Huỳnh Văn Hiếu (2014), “Mã vạch ADN và hướng nghiên cứu ứng dụng ở Việt Nam”.
- LabADN-Viện công nghệ sinh học. https://adnlabo.themes.adsweb.vn/dinh-danh-loai-va-phuong-phap-dinh-danh-chinh-xac-nhat/. Truy cập ngày 26/02/2022.
- CÁCH NHẬN BIẾT, KIỂM TRA, LỰA CHỌN LOẠI NẤM LINH CHI CHẤT LƯỢNG. https://namlinhchinonglam.edu.vn/cach-lua-chon-va-nhan-biet-nam-linh-chi-chat-luong/