Nghiên cứu đưa ứng dụng công nghệ thông minh nhằm phát triển nền Nông nghiệp Công nghệ cao
NTTU – Hỗ trợ nông dân làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhưng phải làm theo chuỗi liên kết với doanh nghiệp, để nông sản làm ra có nơi tiêu thụ, chứ không phải kêu gọi “giải cứu”. Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia nông nghiệp, đại diện các doanh nghiệp tại hội thảo bàn về chủ đề: Nông nghiệp công nghệ cao, các vấn đề và giải pháp, do Khoa Công nghệ thông tin, Học viện Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Công nghệ, Tập đoàn GFS và Sàn tri thức Novelind tổ chức vào ngày 7/4/2018 tại Hà Nội.
Hội thảo thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, Giáo sư đầu ngành về khoa học nông nghiệp.
Đến dự Hội thảo có TS. Nguyễn Chí Trường – Vụ trưởng Vụ Công tác Học sinh, Sinh viên, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp; GS.TS. Nguyễn Thị Lan – Giám đốc Học viện; GS. Nguyễn Quang Thạch – Chủ tịch Hội đồng Khoa học Học viện Nông nghiệp, Viện trưởng Viện Nông nghiệp sinh học Tất Thành – Trường ĐH Nguyễn Tất Thành; TS. Dương Trọng Hải – Sáng lập Sàn tri thức, Viện KH&CN Industry 4.0 ĐH Nguyễn Tất Thành; PGS. TS. Bùi Xuân Hồi – Phó TGĐ Tập đoàn GFS, Viện phó Viện Công nghệ GFS, ĐH Bách Khoa Hà Nội; Ông Đào Ngọc Nam – Giám Đốc CTCP Đầu tư và Dịch vụ nông nghiệp An Việt…. cùng các giáo sư, chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Hội thảo được chia làm 4 phiên cùng 1 phiên tọa đàm với các chủ đề như: Nông nghiệp công nghệ cao: các vấn đề về chính sách, đào tạo nhân lực và một góc nhìn tư nhân; Giống, truy xuất nguồn gốc và phân phối nông sản; ICT và tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; Kỹ thuật, Công nghệ và Thương mại hóa sản phẩm nông nghiệp. Trong đó, câu chuyện giải cứu thịt lợn, dưa hấu, gừng tươi, gần đây nhất là củ cải và su hào, làm nóng diễn đàn thảo luận tại hội thảo khi các đại biểu phân tích và đề xuất các giải pháp ứng dụng công nghệ để giải quyết thực trạng này.
GS.Nguyễn Quang Thạch báo cáo kết quả nghiên cứu của Viện Nông nghiệp sinh học Tất Thành – Trường ĐH Nguyễn Tất Thành
GS. Nguyễn Quang Thạch – Chủ tịch Hội đồng Khoa học Học viện Nông nghiệp, Viện trưởng Viện Nông nghiệp sinh học Tất Thành – Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho biết, tin vui là các nhà khoa học của Viện Sinh học nông nghiệp đã biến giấc mơ cây khoai tây nuôi cấy mô sống được ở ngoài đồng trở thành hiện thực, đồng thời, còn chế tạo được cây khoai tây có hàng trăm củ theo ý muốn. Nhiều hộ nông dân ở Thái Bình, Bắc Giang, Nam Định… đã mua giống của Viện và cho kết quả tốt.
“Hoàn toàn có thể sử dụng công nghệ thông minh để điều khiển cây trồng cho những sản phẩm mong muốn. Cũng cần xác định giống cây trồng phù hợp theo mùa vụ, cho thu nhập cao và hãy tìm ra những phương pháp phù hợp nhất” – GS. Thạch nhấn mạnh.
TS. Dương Trọng Hải – Viện trưởng Viện KHCN Industry 4.0 Trường ĐH Nguyễn Tất Thành phát biểu khai mạc tại hội thảo.
Trong phiên hội thảo, TS. Dương Trọng Hải – Viện trưởng Viện KHCN Industry 4.0 Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng đã chỉ ra các thành phần trong hệ sinh thái nông nghiệp bao gồm: các bên liên quan như nhóm kinh tế, nhóm nông dân, nhóm nghiên cứu, nhóm chính phủ; chu kỳ nuôi trồng (Trước canh tác, canh tác và thu hoạch, sau thu hoạch), các thành phần hỗ trợ (Chính sách, Cơ sở hạ tầng ICT, thông tin sản phẩm và dịch vụ,…). Trên cơ sở đó, Tiến sĩ Hải cũng đã trình bày rõ việc đưa ứng dụng ICT vào trong các thành phần trong hệ sinh thái nông nghiệp.
Đại diện các đơn vị tổ chức
Các nhà khoa học, chuyên gia có mặt tại Hội thảo tin tưởng rằng, những vấn đề được nêu ra tại Hội thảo sẽ góp phần định hướng, kết nối các giải pháp và công nghệ giữa các nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà trường trong các lĩnh vực nông nghiệp và công nghệ thông tin. Được biết, hội thảo Nông nghiệp công nghệ cao là một hội thảo thường niên nhằm kết nối công nghệ phục vụ nông nghiệp, kết nối nhà khoa học và doanh nghiệp cùng góp phần phát triển nông nghiệp Việt Nam. Hội thảo thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, Giáo sư đầu ngành về khoa học nông nghiệp.
Bài, ảnh: Viện KHCN Industry 4.0