Museum tour “xịn sò”: Sinh viên ngành Việt Nam học khám phá thế giới bí mật sau cánh cửa bảo tàng

NTTU – Bảo tàng từ lâu đã không còn là nơi trưng bày những hiện vật trong lịch sử mà đã trở thành một không gian sống động và đa sắc màu với vô vàn hoạt động khám phá và tương tác. Trong hành trình học tập thực tiễn đầy cảm hứng, các sinh viên ngành Việt Nam học lớp 22DVN1A và 23DVN1A của khoa Du lịch Trường ĐH Nguyễn Tất Thành vừa có một Museum tour xịn sò tại hai điểm đến đầy thú vị tại bảo tàng Lịch sử TP. HCM và Bảo tàng TP. HCM. Đây là hoạt động nằm trong môn Nghiệp vụ Bảo tàng do thầy Nguyễn Viết Vinh – Trưởng phòng trưng bày Bảo tàng TP. HCM phụ trách. Với sự dẫn dắt tận tình từ một người nhiều năm trong nghề, các bạn sinh viên đã có cơ hội mở mang tri thức, chạm đến các khía cạnh “hậu trường” đặc biệt của công việc bảo tàng.

Khám phá khoa học bảo tàng: Mảnh ghép lịch sử và văn hóa

Tại Bảo tàng Lịch sử TP. HCM, các sinh viên không chỉ được tận mắt chiêm ngưỡng những hiện vật quý giá từ thời kỳ tiền sử cho đến nay mà còn được tìm hiểu sâu hơn về quá trình nghiên cứu, phân tích để giải mã các câu chuyện lịch sử ẩn chứa đằng sau mỗi hiện vật. Trong quá trình tham quan qua từng khu vực trưng bày, cùng với sự trợ giúp nhiệt tình của thầy Vinh cùng với những hướng dẫn viên của bảo tàng đã giúp các bạn sinh viên phần nào hiểu rõ hơn về công việc của các nhà nghiên cứu bảo tàng, từ sưu tầm tài liệu đến xuất bản sách báo để truyền tải kiến thức đến cộng đồng.

Sức hút từ trưng bày sáng tạo

Một phần không thể bỏ qua trong nghiệp vụ bảo tàng là tổ chức các buổi trưng bày sáng tạo, độc đáo. Tại Bảo tàng TP. HCM, các sinh viên được trải nghiệm cách trưng bày theo dòng lịch sử từ sự cổ kính, hoài niệm như thời còn là Sài Gòn – Gia Định xưa đến sự hiện đại, nhộn nhịp như Thành phố Hồ Chí Minh ngày này, người tham quan như có những chuyến “du hành thời gian” để hiểu thêm về sự phát triển của thành phố qua từng giai đoạn. Qua đó, các sinh viên ngành Việt Nam học có cái nhìn thực tế về công tác thiết kế trưng bày, từ việc lựa chọn chủ đề đến trình bày nội dung sao cho dễ hiểu và cuốn hút.

Giữ gìn giá trị lịch sử qua công tác bảo quản, phục chế

Khi nhắc đến bảo tàng, một công việc không thể thiếu là bảo quản và phục chế hiện vật. Các bạn sinh viên đã được chứng kiến những quy trình kiểm kê, phục chế hiện vật hư hỏng và nỗ lực lưu giữ giá trị lịch sử của những “báu vật” văn hóa. Chính những chia sẻ từ những người trong nghề về công tác bảo quản đã giúp các bạn thêm yêu và trân trọng giá trị của mỗi hiện vật, cũng như hiểu được trách nhiệm lớn lao của các cán bộ bảo tàng trong việc bảo vệ di sản.

Giáo dục – Truyền thông – Hợp tác quốc tế: Mang di sản Việt Nam vươn xa

Chuyến đi cũng là dịp để các bạn trải nghiệm các hoạt động giáo dục bảo tàng thông qua các buổi trải nghiệm tương tác thú vị, giúp các bạn “sống cùng lịch sử.” Ngoài ra, thầy Vinh còn chia sẻ về những nỗ lực kết nối với các bảo tàng quốc tế, mở ra cơ hội hợp tác, trao đổi kiến thức và hiện vật, nhằm đưa di sản Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế.

Khẳng định chất lượng đào tạo ngành Việt Nam học tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành

Chuyến tham quan không chỉ là một bài học thực tế trong môn Nghiệp vụ Bảo tàng mà còn là một dấu ấn của sự gắn kết giữa lý thuyết và thực tiễn trong chương trình đào tạo của ngành Việt Nam học, khoa Du lịch Trường ĐH Nguyễn Tất Thành. Qua hoạt động này, các sinh viên đã được tiếp cận trực tiếp với công việc bảo tàng, trang bị kỹ năng và hiểu biết sâu sắc để sẵn sàng cho những bước tiến trong lĩnh vực bảo tồn văn hóa và lịch sử

Chuyến đi của sinh viên lớp 22DVN1A và 23DVN1A không chỉ là một hành trình khám phá di sản, mà còn là minh chứng cho sự đầu tư trong đào tạo của ngành Việt Nam học tại khoa Du lịch Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, hướng đến việc phát triển nhân lực chất lượng cao, góp phần bảo tồn và quảng bá di sản văn hóa Việt Nam.

Một số hình ảnh “chill chill” của sinh viên trong Museum tour:

Khoa Du lịch

Tin tức khácXem thêm