Lễ phát động Cuộc thi “Sáng tạo IoT – NTTU 2024” chủ đề: Phát triển bền vững

NTTU – Nhằm tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích giúp sinh viên khối kỹ thuật ở các trường đại học, cao đẳng tại Việt Nam phát huy khả năng sáng tạo, đồng thời áp dụng các kiến thức công nghệ kỹ thuật vào thực tiễn thông qua việc xây dựng các mô hình IoT ứng dụng trong đời sống thực tế từ đó hướng người học quan tâm đến sự phát triển bền vững thông qua các sản phẩm công nghệ trong lĩnh vực IoT, ngày 1/11/2023, khoa Kỹ thuật Công nghệ Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã tổ chức Lễ phát động Cuộc thi “Sáng tạo IoT – NTTU 2024” Chủ đề: Phát triển bền vững

Ông Vũ Anh Tuấn, Tổng thư ký Hội Tin học TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại chương trình 

Tham dự chương trình về phía khách mời có ông Vũ Anh Tuấn, Tổng thư ký Hội Tin học TP. Hồ Chí Minh. Về phía đơn vị đồng hành cuộc thi có sự hiện diện của ông Lê Hồng Long, Giám đốc Công ty TNHH EoH, bà Diệp Thị Kim Thư, Giám đốc ASUS OP Việt Nam cùng lãnh đạo các bộ phận của 2 công ty.

Về phía đại diện các trường tham gia cuộc thi có PGS.TS. Nguyễn Hữu Khương – Chủ tịch hội đồng khoa học đào tạo Khoa Điện – Điện tử, Học viện Hàng không; TS. Nguyễn Văn Nhanh – Phó viện trưởng Viện kỹ thuật Hutech, Trường Đại học Công nghệ TP. HCM; TS. Vũ Trí Viễn – Chủ nhiệm bộ môn Điều khiển tự động, Trường ĐH Tôn Đức Thắng; ThS. Phạm Văn Nghĩa – Bí thư Đoàn khoa khoa Điện tử Trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng.

Về phía Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, đơn vị đăng cai tổ chức cuộc thi có sự hiện diện của PGS. TS. Trần Thị Hồng, Phó hiệu trưởng; TS. Lê Văn An, Trưởng khoa Kỹ thuật – Công nghệ, Trưởng ban tổ chức; TS. Trần Viết Thắng, Phó trưởng phòng Khoa học công nghệ; TS. Nguyễn Hữu Thuần Anh, Phó trưởng phòng Khoa học công nghệ. Đặc biệt là sự tham gia của các đội thi đến từ các trường đại học và cao đẳng như: Học viện Hàng không, Trường ĐH Công nghệ TP. HCM, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Bình Dương, Trường ĐH Giao thông vận tải, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng và Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.

Phát biểu tại buổi lễ phát động cuộc thi, PGS. TS. Trần Thị Hồng, Phó hiệu trưởng nhấn mạnh: “Chúng tôi hy vọng Cuộc thi sẽ là một sân chơi bổ ích cho tất cả các em sinh viên, để các em có thể thực hành những kiến thức đã được học, bổ sung thêm những kỹ năng thực tế thông qua quá trình huấn luyện chuyên môn của các chuyên gia đến từ 2 Công ty EoH và ASUS và cuối cùng có thể tạo ra được những sản phẩm chất lượng có tiềm năng ứng dụng”.

PGS. TS. Trần Thị Hồng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành  phát biểu tại buổi lễ phát động cuộc thi 

TS. Lê Văn An, Trưởng khoa Kỹ thuật – Công nghệ, Trưởng ban tổ chức chia sẻ về cuộc thi 

Được biết, ASUS AiOT là một thương hiệu con của ASUS, chuyên tạo ra các giải pháp trong lĩnh vực AI và IoT. ASUS AiOT cung cấp các giải pháp hỗ trợ việc dạy và học từ xa. Trong khi đó, Công ty EoH là đơn vị tiên phong cung cấp các giải pháp chuyển đổi số trong cộng đồng, phát triển và vận hành E-Ra IoT Platform là nền tảng IoT mở của người Việt. Trước đó, EoH đã từng ký kết hợp tác với Trường ĐH Nguyễn Tất Thành để phát triển đào tạo, khoa học công nghệ. Việc hai công ty đồng hành cùng Nhà trường để cùng tổ chức cuộc thi góp phần rất lớn trong việc đào tạo, định hướng và mở ra cơ hội cho sinh viên đam mê nghiên cứu khoa học.

Phần trình bày của 2 đơn vị tài trợ: công ty EoH và công ty ASUS

Tại buổi lễ phát động ban tổ chức cũng đã thông qua thể lệ cuộc thi như sau:

  • Thời gian diễn ra cuộc thi:
  • Từ 1/11/2023 đến 23/3/2024, trong suốt thời gian diễn ra cuộc thi 2 Công ty EoH và ASUS sẽ thường xuyên tổ chức tập huấn cho đội thi bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến. Tại vòng sơ loại ngày 09/03/2024, ban tổ chức sẽ chọn 10 đội vào vòng chung kết dự kiến diễn ra ngày 30/03/2024. Đối tượng tham gia là sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên cả nước.
  • Về cơ cấu giải thưởng:
  • Sẽ có 10 giải, trong đó 1 giải nhất 10 triệu đồng và giấy chứng nhận; 1 giải nhì 6 triệu đồng và giấy chứng nhận, 1 giải ba 4 triệu đồng và giấy chứng nhận, 7 giải tiềm năng, mỗi giải 1 triệu đồng và giấy chứng nhận. Ngoài giải thưởng trên thì ban tổ chức sẽ cung cấp miễn phí bo Tinker, tài khoản ERA và hỗ trợ huấn luyện cho tất cả các đội thi.
  • Về sản phẩm dự thi: 
  • Tác phẩm tham gia dự thi phải xây dựng các mô hình IoT ứng dụng sáng tạo sử dụng cộng nghệ IoT dựa trên nền tảng của bo Tinker và ERA do ban tổ chức cung cấp; Bám sát chủ đề cuộc thi: phát triển bền vững; Các sản phẩm dự thi là những ý tưởng mới, không trùng lắp hoàn toàn với các sản phẩm đã thương mại; Mỗi đội đăng ký 01 sản phẩm duy nhất.
  •  Tiêu chí đánh giá kết quả
  • Mức độ hoàn thành: theo nội dung đăng ký
  • Nội dung: phù hợp với yêu cầu về sản phẩm dự thi của ban tổ chức
  • Giải pháp: sáng tạo và có tính ứng dụng cao trong thực tiễn
  • Ưu tiên: các sản phẩm phục vụ cộng đồng
  • Khả năng hoạt động, tính ổn định, khả năng phát triển và ứng dụng của sản phẩm
  • Kỹ năng thuyết trình
  • Số lượng thành viên: Mỗi nhóm gồm:
  • Tối đa 05 thành viên
  • 01 giảng viên hướng dẫn và 01 mentor từ công ty
  • Hình thức báo cáo đề tài
  • Trình diễn sản phẩm
  • Thuyết trình về mục đích, giải pháp áp dụng, kết quả và ứng dụng của sản phẩm

TS. Trần Quang Huy, Phó trưởng khoa Kỹ thuật công nghệ đại diện ban tổ chức chia sẻ về thể lệ cuộc thi 

Đại diện các trường tham gia cuộc thi đều cho rằng, đây là một sân chơi học thuật có ý nghĩa, góp phần nâng cao, củng cố kiến thức chuyên ngành cho sinh viên, đặc biệt là sinh viên khối ngành Kỹ thuật công nghệ. Khi tham gia cuộc thi, các bạn sinh viên sẽ có cơ hội được thể hiện trình độ hiểu biết của mình về lĩnh vực IoT giao lưu kết bạn với những người cùng chung đam mê, sở thích. Cuộc thi cũng góp phần thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học, thi đua sáng tạo trong sinh viên, gắn việc học với thực tiễn sáng tạo trong sinh viên.

Xem thêm một số hình ảnh của lễ phát động cuộc thi:

Phượng Nguyễn

Ảnh: Đình Hiếu

Tin tức khácXem thêm