Lá thường xuân: dược liệu trị ho hiệu quả và an toàn

NTTU – Đại dịch COIVD-19 đã đi qua nhưng hậu quả mà nó để lại trên sức khỏe của người bệnh – di chứng hậu COVID vẫn đang là mối bận tâm của nhiều người. Một trong những di chứng hậu COVID thường gặp nhất là ho dai dẳng lâu ngày. Để trị ho hậu COVID, ngoài sử dụng các loại thuốc hóa dược thì các bài thuốc dân gian, các loại dược liệu có tác dụng trị ho đang được sử dụng rất phổ biến, trong đó có lá cây thường xuân

Lá thường xuân là bộ phận thường được sử dụng để điều trị bệnh 

Thường xuân – tên khoa học là Hedera helix L., họ ngũ gia bì Araliaceae, có nguồn gốc ở châu Âu và Tây Á, là loài cây leo, có khả năng sinh sống và lan trên bề mặt dốc cao tới 20-30m. Thường xuân không đòi hỏi nhiều ánh sáng, chăm sóc dễ dàng. Ở nhiều nơi, chúng được trồng để tạo màu xanh và làm hàng rào.

Có nghiên cứu cho rằng lá thường xuân có thể hấp thụ các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi hay các chất gây ô nhiễm không khí do máy tính hoặc các thiết bị văn phòng tạo ra. Lá của cây thường xuân là bộ phận thường được sử dụng để làm thuốc. Các nhà khoa học đã chứng minh trong lá thường xuân có chứa α-hederin có tác dụng long đờm, giảm co thắt phế quản từ đó làm dịu cơn ho. Bên cạnh đó, lá thường xuân còn có hederacosid C, khi vào cơ thể sẽ được chuyển hóa thành α-hederin làm tăng hiệu quả điều trị ho.

Theo y học cổ truyền thì lá thường xuân có vị cay, tính ấm; có tác dụng khu phong, lợi thấp, bình can, giải độc.

  • Thân, lá, hạt nấu uống với rượu ấm có thể dùng để giải độc;
  • Hạt ngâm rượu để trị bệnh phong huyết, đau lưng;
  • Ở Trung Quốc, dây được dùng trị viêm khớp, đau nhức, viêm gan, đau đầu, nôn ra máu, mắt mờ, nhọt độc sưng đau;
  • Ở Ấn Độ, lá dùng làm thuốc chườm nóng trị sưng hạch; quả dùng hãm uống trị thấp khớp;

Ngày nay, nhờ sự phát triền của nền y học hiện đại, lá của cây thường xuân được quan tâm và nghiên cứu sâu hơn, cho thấy nhiều tác dụng dược lý. Trong thường xuân có chứa polyphenol và các hợp chất khác như saponin và flavonoid. Những hợp chất này mang lại nhiều lợi ích tiềm năng. Đáng chú ý nhất là khả năng chống viêm và chống oxy hóa mạnh.

Ngoài ra, phần lớn các nghiên cứu về cây thường xuân đều tập trung vào tác dụng ở đường hô hấp trên . Đặc biệt, lá hữu ích trong việc điều trị bệnh hen suyễn, viêm phế quản, ho ở trẻ em và bệnh COPD – mặc dù cần có bằng chứng mạnh mẽ hơn trước khi được khuyến cáo rộng rãi. Khi sử dụng một mình hoặc kết hợp với các loại thảo dược khác như: hoa anh thảo, cỏ xạ hương… có thể giúp giảm ho trong bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp trên và cảm lạnh.

Lá thường xuân trị ho có thể sử dụng tốt cho trẻ em và được xem là khá an toàn. Một nghiên cứu chỉ ra rằng lá mang lại hiệu quả tương đương với acetylcystein – một loại thuốc giảm ho, tiêu đàm. Để chứng minh về khả năng điều trị ho cho trẻ em của lá thường xuân, đã có một nghiên cứu thực hiện trên 5.000 trẻ bị ho có đờm. Trong nghiên cứu này, các trẻ được cho dùng dịch chiết từ lá thường xuân 2 lần/ ngày. Khoảng 2/3 phụ huynh hài lòng với tác dụng giảm ho của lá thường xuân.

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều các sản phẩm có chưa thành phần cao lá thường xuân, giúp giảm ho, giảm đau họng, hỗ trợ giãn phế quản, giúp long đờm, làm thoáng đường hô hấp đặc biệt cho trẻ em vì tính an toàn của dược liệu này.Tuy nhiên trước khi sử dụng, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước để tránh những rủi ro có thể gặp phải nhé!

 Đặng Đức Huy – K. Kỹ thuật Xét nghiệm y học (tổng hợp)

Tin tức khácXem thêm