Khung năng lực số – Công cụ hướng đến đại học đổi mới sáng tạo

NTTU – Sáng 30/5, tại cơ sở Quận 4, trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã tổ chức Tọa đàm “Khung năng lực số và công cụ đánh giá năng lực số ở Trường Đại học Nguyễn Tất Thành”. Chương trình thu hút sự tham gia của đông đảo giảng viên.

Tham dự tọa đàm có sự góp mặt của: NGND.GS.TS. Nguyễn Hữu Đức – Nguyên Phó giám đốc ĐHQG Hà Nội, Tổ trưởng Tổ tư vấn Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục giai đoạn 2016 – 2021, Chủ tịch sáng lập UPM; Chuyên gia Lê Trung Nghĩa – Phó ban Phát triển giáo dục mở, Hiệp hội các trường cao đẳng, đại hoc Việt Nam; TS. Trần Ái Cầm – Hiệu trưởng trường ĐH Nguyễn Tất Thành cùng sự có mặt của đông đảo quý thầy cô là trưởng/phó các đơn vị, phòng ban, khoa.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, TS. Trần Ái Cầm – Hiệu trưởng trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã gửi lời cảm ơn đến Chuyên gia Lê Trung Nghĩa – Phó ban Phát triển giáo dục mở, Hiệp hội các trường cao đẳng, đại hoc Việt Nam đã dành thời gian tham gia chia sẻ tọa đàm. Theo TS. Trần Ái Cầm, chuyển đổi số là phần rất quan trọng, đóng vai trò tất yếu để thích ứng với bối cảnh hiện nay, đặc biệt sự phát triển nhanh của khoa học công nghệ. Thông qua các văn bản do Chính Phủ ban hành có thể thấy được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Nhà nước đối với công tác chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số trong công tác giáo dục. Đối với trường ĐH Nguyễn Tất Thành, công tác này đã bắt đầu từ phát triển chiến lược, định hướng trở thành đại học đổi mới sáng tạo. “Chính vì thế, tọa đàm “Khung năng lực số và công cụ đánh giá năng lực số ở Trường Đại học Nguyễn Tất Thành” là một trong những nội dung quan trọng và cấp thiết đối với công tác giáo dục đại học hiện nay” – TS. Trần Ái Cầm nhấn mạnh.

TS. Trần Ái Cầm – Hiệu trưởng trường ĐH Nguyễn Tất Thành phát biểu khai mạc tọa đàm

Năng lực số có thể định nghĩa là sử dụng tự tin, nghiêm túc và có trách nhiệm của các đối tượng, tham gia với các công nghệ số để học tập, làm việc và tham gia trong xã hội. Theo chuyên gia Lê Trung Nghĩa, khung năng lực số gồm 5 thành phần: Một là lĩnh vực năng lực số; Hai là năng lực số; Ba là trình mô tả năng lực số dựa vào kiến thức, kỹ năng và thái độ; Bốn là mức thông thạo: cơ bản, trung bình, cao và chuyên gia; Cuối cùng là các ví dụ với 2 kịch bản: Việc làm và đào tạo. Đối tượng mà Khung năng lực số hướng đến là các tổ chức giáo dục, nhà giáo dục, công dân, người tiêu dùng, khởi nghiệp và cho học tập suốt đời. Chuyên gia Nghĩa nhấn mạnh, văn hóa và hành vi là rào cản lớn nhất đối với chuyển đổi số, điều này được ông dẫn chứng từ cuộc khảo sát của McKinsey Digital vào năm 2016 với hơn 2.100 người tham gia trả lời câu hỏi “Các cách thức đáng kể nhất là gì cho việc đáp ứng các ưu tiên số?”. Chính vì thế, điều kiện tiên quyết để thành công của công tác chuyển đổi số giáo dục tại Việt Nam là năng lực số, văn hóa số và tính mở.

Chuyên gia Lê Trung Nghĩa cho biết điều kiện tiên quyết để thành công của công tác chuyển đổi số giáo dục tại Việt Nam là năng lực số, văn hóa số và tính mở

Để triển khai, xây dựng công cụ đánh giá năng lực số trong trường đại học, chuyên gia Lê Trung Nghĩa đã đưa ra 2 bước thực hiện gồm khung năng lực số và công cụ đánh giá năng lực số. Việc đánh giá được thực hiện thông qua Bảng câu hỏi tự đánh giá với 3 dạng là năng lực, thông thạo và kịch bản triển khai thực tế.

Thông qua tọa đàm, chuyên gia đã cung cấp và làm rõ hơn về kiến thức trong chuyển đổi số trong giáo dục, khung năng lực và gợi ý cách xây dựng công cụ đánh giá năng lực số, tăng cường năng lực cạnh tranh của Nhà trường trong việc xây dựng khung năng lực số. Đồng thời, đẩy mạnh số hóa trong việc quản lý và triển khai công việc cho toàn thể giảng viên và người lao động …

Các Thầy cô trao đổi tại tọa đàm

Chia sẻ tại tọa đàm, NGND.GS.TS. Nguyễn Hữu Đức – Nguyên Phó giám đốc ĐHQG Hà Nội, Tổ trưởng Tổ tư vấn Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục giai đoạn 2016 – 2021, Chủ tịch sáng lập UPM cho rằng, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo đang được nhắc đến liên tục trong chiến lược phát triển của các trường đại học, tuy nhiên các trường đại học cần làm gì để chiến lược phát triển ấy trở thành thực tế vẫn đang là một ẩn số.

NGND.GS.TS. Nguyễn Hữu Đức chia sẻ tại chương trình

Để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, đổ mới sáng tạo trong cơ sở giáo dục đại học, từ năm 2016, trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã thành lập Trung tâm Ươm tạo và Sáng tạo khởi nghiệp (NIIC) với mục tiêu là nơi ươm tạo, hỗ trợ những dự án khởi nghiệp của giảng viên và sinh viên. Song song với đó, Nhà trường đã đưa môn khởi nghiệp vào giảng dạy ở tất cả 51 ngành,  trong đó bộ môn Tư duy sáng tạo đã được 10/28 tổng số chuyên ngành được lựa chọn là môn học bắt buộc trong chương trình đào tạo của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành. Chiến lược phát triển của Nhà trường giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến 2030 hướng đến trở thành một trường đại học đổi mới sáng tạo, đa ngành, đa lĩnh vực, có tính hội nhập cao, đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực có năng lực khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, hội nhập và có sức cạnh tranh cao trong thị trường lao động, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam, khu vực và Quốc tế.

Trường ĐH Nguyễn Tất Thành

Ảnh: Media

Tin tức khácXem thêm