Kết nối tiêu dùng xanh và kinh tế môi trường trong dòng chảy chuyển đổi xanh toàn cầu
NTTU – Trước làn sóng chuyển đổi tiêu dùng xanh mạnh mẽ trên toàn thế giới, Việt Nam cũng đang có những bước đi quyết liệt từ chính sách đến hành động cộng đồng. Từ bài học quốc tế đến vai trò của thế hệ trẻ, hành trình giảm thiểu nhựa dùng một lần đang mở ra cơ hội định hình một tương lai bền vững và trách nhiệm hơn với môi trường
Kinh nghiệm quốc tế trong quản lý rác thải nhựa và bài học cho Việt Nam
Trước thực trạng ô nhiễm nhựa ngày càng nghiêm trọng, mỗi năm Việt Nam phát sinh khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó chưa tới 30%[1,2] không được xử lý đúng cách và một lượng lớn đổ ra đại dương. Nhiều đại biểu Quốc hội trăn trở trước thực trạng ô nhiễm nhựa và Bộ Tài chính đã từng đề xuất áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm nhựa dùng một lần trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV[3,4]. Đây không chỉ là biện pháp kinh tế môi trường mà còn là công cụ mạnh mẽ để thúc đẩy thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng bền vững. Cùng với đó, Việt Nam đã xây dựng lộ trình quản lý cụ thể trong Nghị định 08/2022/NĐ-CP, hướng đến việc chấm dứt sản xuất và nhập khẩu nhựa dùng một lần sau năm 2030, ngoại trừ sản phẩm sinh học có nhãn sinh thái[5,6].
Trên bình diện quốc tế, Liên minh châu Âu đang triển khai Kế hoạch Hành động Kinh tế tuần hoàn với mục tiêu đến năm 2030 đạt 100 phần trăm bao bì nhựa có thể tái chế. Các quốc gia Bắc Âu áp dụng hiệu quả mô hình thu cọc hoàn lại, trong khi Nhật Bản đã ban hành Đạo luật Tái chế bao bì từ năm 1995, xác định rõ trách nhiệm của các bên trong toàn bộ vòng đời sản phẩm. Bài học rút ra là cần kết hợp đồng bộ giữa khung pháp lý rõ ràng, các chính sách khuyến khích kinh tế phù hợp và truyền thông thay đổi hành vi người tiêu dùng. Đề xuất thuế tiêu thụ đặc biệt lần này là một bước khởi đầu quan trọng, góp phần giúp Việt Nam chuyển mình mạnh mẽ theo hướng tiêu dùng xanh và phát triển bền vững.
Tiêu dùng xanh – Lựa chọn của thế hệ mới
Trong khi chính sách đang được hoàn thiện, nhiều bạn trẻ đã chủ động thay đổi thói quen tiêu dùng, từ chối sử dụng nhựa một lần, chuyển sang dùng túi vải, hộp đựng cá nhân, sản phẩm tái chế hoặc phân hủy sinh học. Một công bố từ Journal of Economics, Finance and Management Studies (2025) khẳng định rằng lối sống xanh có ảnh hưởng tích cực và có ý nghĩa thống kê đến hành vi mua hàng của Gen Z, nghiên cứu này còn cho thấy ý thức bảo vệ môi trường đóng vai trò điều tiết quan trọng, tức là Gen Z có mức nhận thức môi trường càng cao thì hành vi mua hàng xanh càng rõ rệt, dù bị chi phối ít hơn bởi yếu tố “phong cách sống cá nhân”. Điều này phản ánh rằng xu hướ ng tiêu dùng xanh ở Gen Z không chỉ là hành vi nhất thời mà gắn liền với nhận thức xã hội, giá trị cá nhân và mong muốn trở thành một phần của cộng đồng sống có trách nhiệm với môi trường.
Sự chuyển biến tích cực này không chỉ là thay đổi hành vi cá nhân mà còn phản ánh tiềm năng lớn trong việc phát triển nguồn nhân lực ngành môi trường – những người có khả năng truyền cảm hứng, thiết kế mô hình tiêu dùng xanh và hỗ trợ hoạch định chính sách. Trong đó, ngành Quản lý tài nguyên và môi trường giữ vai trò trung tâm, kết nối tri thức chuyên môn với các giải pháp thực tiễn như giảm rác nhựa, phát triển kinh tế tuần hoàn và thực thi hiệu quả các chính sách môi trường.
Và để nhằm lan tỏa tinh thần sống xanh và khơi dậy ý thức hành động vì môi trường, vào ngày 19/07/2025 tới đây, Bộ môn Quản lý tài nguyên và môi trường – Khoa Khoa học Ứng dụng và Công nghệ, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành sẽ tổ chức sự kiện “Ngày hội Môi trường Xanh 2025: Chuyển đổi xanh – Tương lai xanh”. Chương trình là dịp để sinh viên, học sinh và cộng đồng cùng chung tay hành động, nâng cao nhận thức, hình thành lối sống bền vững bắt đầu từ những lựa chọn nhỏ trong đời sống hàng ngày.
Chương trình sẽ diễn ra tại cơ sở 331 Đỗ Mười, P. An Phú Đông, TP.HCM, bao gồm nhiều hoạt động trải nghiệm – giáo dục – kết nối:
- Hội chợ xanh: giới thiệu sản phẩm tái chế và giải pháp thay thế nhựa;
- Gian hàng STEM: trưng bày mô hình học tập về môi trường, công nghệ xanh;
- Diễu hành xe máy điện: tuyên truyền giảm phát thải, sử dụng năng lượng sạch;
- Chương trình đổi rác lấy quà, trò chơi phân loại rác, hoạt động dọn rác nhựa;
- Chiếu phim tài liệu và talkshow về rác thải nhựa và các giải pháp quản lý hiệu quả.
(Tài liệu tham khảo):
[1] Mỗi năm Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường nhưng chỉ 27% được tái chế, https://vneconomy.vn (https://vneconomy.vn/moi-nam-viet-nam-co-khoang-1-8-trieu-tan-rac-thai-nhua-thai-ra-moi-truong-nhung-chi-27-duoc-tai-che.htm).
[2] ĐBQH trăn trở, đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với túi nilon, nhựa sử dụng 1 lần, https://vnbusiness.vn.(https://vnbusiness.vn/viet-nam/dbqh-tran-tro-de-xuat-danh-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-tui-nilon-nhua-su-dung-1-lan-1106676.html)
[3] Đại biểu Quốc hội: Mạnh tay hơn với ô nhiễm nhựa bằng thuế tiêu thụ đặc biệt,https://www.vietnamplus.vn (https://www.vietnamplus.vn/dai-bieu-quoc-hoi-manh-tay-hon-voi-o-nhiem-nhua-bang-thue-tieu-thu-dac-biet-post1037589.vnp)
[4] Đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần, túi ni lông, https://daidoanket.vn. (https://daidoanket.vn/de-xuat-danh-thue-tieu-thu-dac-biet-doi-voi-san-pham-nhua-su-dung-1-lan-tui-ni-long-10305429.html)
[5] Đề xuất một số giải pháp thúc đẩy sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần ở Việt Nam, https://tapchimoitruong.vn (https://tapchimoitruong.vn/chuyen-muc-3/de-xuat-mot-so-giai-phap-thuc-day-san-pham-thay-the-san-pham-nhua-dung-mot-lan-o-viet-nam-29697)
[6] The Effect of Green Lifestyle on Generation Z’s Purchase Behavior Towards Handmade Bamboo and Rattan Products in Vietnam: Moderating Role of Environmental Awareness, (https://www.ijefm.co.in/v8i2/48.php)
K. Khoa học ứng dụng & công nghệ