Kết nối mentoring 2024 và giao lưu nhóm tác giả sách Nhà cố vấn khởi nghiệp
NTTU – Chiều ngày 05/08/2024, tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã diễn ra hội thảo “Kết nối mentoring cho các dự án Sinh viên khởi nghiệp năm 2024 và Giao lưu cùng tác giả sách “Nhà cố vấn khởi nghiệp”
Kết nối mentoring
Chương trình do Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo Khởi nghiệp Trường Đại học Nguyễn Tất Thành phối hợp cùng Nhà Văn hóa Sinh viên TP.HCM và Hội đồng Tư vấn Hỗ trợ Khởi nghiệp phía Nam cùng tổ chức nhằm tạo điều kiện cho các Mentee thuộc các dự án tham gia cuộc thi “Sinh viên với Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo NTTU năm 2024” có cơ hội được gặp gỡ những Mentor có nhiều kinh nghiệm thực tiễn và tìm ra được Mentor phù hợp sẽ đồng hành cùng đội thi. Qua đó các đội thi sẽ được cố vấn rõ ràng trong quá trình hoàn thiện, phát triển dự án, thương mại hoá sản phẩm của mình cũng như hạn chế các rủi ro trong hành trình khởi nghiệp, chuẩn bị thật tốt cho các vòng thi sắp tới.
Hội thảo thu hút sự quan tâm và tham dự của đông đảo chuyên gia về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Về phía Hội đồng Tư vấn Hỗ trợ Khởi nghiệp phía Nam có bà Lê Thị Thanh Lâm – Phó chủ tịch Hội đồng; ông Mai Hữu Tài – Ủy viên Ban chấp hành Hội đồng, Chủ tịch HĐQT Công ty Đi cho biết; bà Đỗ Nguyễn Khánh Linh – Ủy viên Ban chấp hành Hội đồng, Phó giám đốc Công ty Đầu tư Vĩnh Minh; ông Nguyễn Anh Dũng – Thành viên Hội đồng, Tổng giám đốc Công ty CP Sbooks. Về phía đại biểu khách mời có bà Nguyễn Thị Thanh Thảo – Phó giám đốc Nhà văn hóa Sinh viên TP.HCM; ThS. Hứa Phú Doãn – Chủ tịch CLB Doanh nghiệp Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Công ty Tân Việt Mỹ; ThS. Nguyễn Lê Kha – Chủ tịch CLB IPO-SIHUB, Giám đốc Công ty CP Thương mại Đầu tư Xích Ma; ông Nguyễn Hữu Thông – Giám đốc Khối Khởi nghiệp Sàn gọi vốn Việt Nam; bà Bùi Thị Thủy Tiên – Giám đốc Công ty CP Vườn ươm Khởi nghiệp Việt; đông đảo các đại biểu khách mới đến từ các đơn vị doanh nghiệp, trường đại học, cao đẳng, các cơ quan báo đài cùng đến đưa tin, viết bài…
Đại diện Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có sự tham dự của: TS. Trần Ái Cầm – Hiệu trưởng nhà trường; PGS.TS. Bạch Long Giang – Giám đốc Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo Khởi nghiệp, trưởng ban tổ chức chương trình; ThS. Bùi Quang Trung – Trưởng phòng Truyền thông; các thầy cô là trưởng phó các đơn vị và Mentor đến từ các phòng, ban, khoa, viện, trung tâm trong toàn trường. Đặc biệt là sự hiện diện của các Mentee thuộc các đội thi của Top vòng chung kết đến từ 23 trường đại học, cao đẳng trên cả nước.
Phát biểu tại lễ khai mạc chương trình, TS. Trần Ái Cầm – Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã thay mặt Ban lãnh đạo Nhà trường gửi lời cảm ơn đến quý Mentor, Câu lạc bộ Doanh nghiệp Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Hội đồng Tư vấn và Hỗ trợ Khởi nghiệp phía Nam… đã luôn đồng hành cùng Nhà trường suốt thời gian vừa qua. “Hy vọng qua giai đoạn mentoring lần này, chúng ta sẽ cùng bắt tay nhau giúp dẫn dắt, định hướng cho các start-up, những người trẻ hiểu và trau dồi thêm về các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp, đồng thời là dịp để các bạn bước những bước đầu tiên trong hành trình khởi nghiệp, hoàn thành xuất sắc bài thi tại Vòng chung kết cuộc thi Sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo. Thông qua đây sẽ có thật nhiều ý tưởng, dự án thiết thực của sinh viên được triển khai, ươm mầm hiệu quả và thương mại hóa thành công”, TS. Cầm nhấn mạnh.
TS. Trần Ái Cầm – Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, phát biểu khai mạc chương trình
Cuộc thi “Sinh viên với Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo NTTU năm 2024” có chủ đề: Thách thức Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mở hướng đến mục tiêu phát triển bền vững đã nhận được 156 dự án từ 33 trường Đại học, Cao đẳng trên cả nước đăng ký dự thi. Các dự án tham gia đều rất sáng tạo và thiết thực đáp ứng các tiêu chí đã đề ra. Sau vòng sơ loại, Ban tổ chức đã chọn 72 dự án của 23 trường bước tiếp vào vòng chung kết, trong đó có 44 dự án (tương ứng 44 đội) có nhu cầu kết nối Mentor.
Năm 2024 là năm thứ 8 liên tiếp Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo Khởi nghiệp Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tổ chức cuộc thi “Sinh viên với Ý tưởng Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo” cơ hội để sinh viên kết nối doanh nghiệp tạo cơ hội cho các dự án tiềm năng gặp gỡ, tiếp cận các nhà đầu tư. Với niềm đam mê và lòng kiên trì khởi nghiệp, một số dự án bước ra từ cuộc thi đã đạt được nhiều giải thưởng lớn ở các cuộc thi khởi nghiệp các cấp, truyền cảm hứng cho các bạn trẻ nỗ lực chinh phục niềm đam mê khởi nghiệp và sáng tạo.
Sau thời gian triển khai đa dạng các hoạt động và đạt được một số thành quả trong giai đoạn đầu năm, tại hội thảo lần nay, ThS. Huỳnh Hồng Mai – Phó giám đốc Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo khởi nghiệp Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (NIIC), đã có báo cáo tổng kết hoạt động mentoring mùa 1 năm 2024. Trong 4 tháng triển khai của mùa 1/2024, NIIC đã hỗ trợ kết nối thành công cho 27 dự án, chia thành 3 nhóm: – 18 dự án cộng đồng (Cần Thơ, Cà Mau, Kiên Giang, Trà Vinh); – 5 dự án tham gia vào chương trình SIC Coaching; – 7 dự án NTTU tham gia chương trình Phát triển dự án Khởi nghiệp Quốc gia 2023.
ThS. Huỳnh Hồng Mai – Phó giám đốc NIIC, báo cáo tổng kết hoạt động mentoring mùa 1 năm 2024
Tuy còn tồn đọng nhiều vấn đề như các Mentee không theo đuổi dự án đến cùng, Mentor không có thời gian hỗ trợ phát triển dự án, thậm chí nhiều Tor – Tee không cùng định hướng trong giải quyết, phát triển dự án dẫn đến kết quả chưa tốt… nhưng hoạt động kết nối mua này cũng đem về nhiều kết quả đáng khen ngợi: 1 dự án đạt giải ba chương trình Khởi nghiệp quốc gia 2023 (dự án “Tảo Algae Skin Care Mask ATER”); mở rộng Mạng lưới cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Trường ĐH Nguyễn Tất Thành với 60 Mentor, trong đó có 2 Mentor đạt Mentor của HEC Canada, 1 Mentor đạt cấp độ ASIAN Ecothon Mentor, 4 Spin off; 3 dự án tiếp cận đến với doanh nghiệp, lan tỏa tinh thần đam mê khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đến nhiều địa phương trên cả nước…
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành trao giấy Chứng nhận cho các Mentor hoàn thành tốt nhiệm vụ mentoring trong mùa 1 năm 2024
Biểu dương khen thưởng 6 Mentor hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
Giao lưu nhóm tác giả sách truyền cảm hứng khởi nghiệp
Trong khuôn khổ chương trình, các Mentor và Mentee từ các dự án của Top vòng chung kết cuộc thi “Sinh viên với Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo NTTU năm 2024” còn có cơ hội được giao lưu với các tác giả sách “Nhà cố vấn khởi nghiệp”. Đây là cuốn sách kết tinh trí tuệ và tâm huyết của các doanh nhân thành đạt đồng thời cũng là các chuyên gia đào tạo trong lĩnh vực khởi nghiệp.
Đại diện nhóm tác giả sách “Nhà cố vấn khởi nghiệp” (từ trái qua phải): ông Mai Hữu Tài, ThS. Huỳnh Hồng Mai, bà Lê Thị Thanh Lâm, ông Nguyễn Anh Dũng giao lưu cùng các thầy cô, Mentor, Mentee tại chương trình
Bà Lê Thị Thanh Lâm – Phó chủ tịch Hội đồng Tư vấn Hỗ trợ Khởi nghiệp phía Nam, chủ biên sách, cho biết: “Mục đích chúng tôi viết cuốn sách này là muốn chia sẻ những kinh nghiệm và những bài học quý giá xuất phát từ thực tế mà chúng tôi từng tích lũy được suốt nhiều năm gắn bó với hoạt động khởi nghiệp, làm mentor cho hàng trăm dự án với hàng ngàn giờ mentoring. Chúng tôi muốn lan tỏa thêm kinh nghiệm đến với các bạn sinh viên là những mentee giúp các em có thể tránh được va vấp, trở thành những nhà khởi nghiệp hạnh phúc và thành công một cách nhanh nhất, đơn giản nhất”. Gắn với quá trình làm sách, bà Lâm cũng bày tỏ mong muốn của tập thể tác giả về việc sẽ có thêm một nguồn thu nhất định để đóng góp vào Quỹ của Hội đồng Tư vấn Hỗ trợ Khởi nghiệp, có điều kiện để lan tỏa giá trị khởi nghiệp đến với tất cả mọi người.
Cũng tại chương trình, ông Nguyễn Anh Dũng – Thành viên Hội đồng Tư vấn Hỗ trợ Khởi nghiệp phía Nam, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sbooks, cho biết “Sách Nhà cố vấn khởi nghiệp ra mắt là sự nỗ lực hết sức trong thời gian 4 tháng của toàn bộ ê-kíp 12 tác giả. Sách đúc kết và đưa ra nhiều kinh nghiệm, trải nghiệm quý. Quá trình đi giao lưu tôi đã gặp những câu hỏi của các bạn trẻ về chuyện không biết bắt đầu kinh doanh thế nào, khởi nghiệp ra sao. Cuốn sách này phần nào giải đáp thấu đáo những băn khoăn, mong muốn mà độc giả quan tâm“.
Nhân đây, nhóm tác giả là các chuyên gia giàu kinh nghiệm mentoring đã giải đáp và chia sẻ cho các Mentor và Mentee nhiều kinh nghiệm về metoring, về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, làm thế nào để trở thành một Mentor giỏi hay giúp các Mentee trẻ định hướng con đường khởi nghiệp, xác định mình có phù hợp với khởi nghiệp, kinh doanh hay không?…
Các Mentor và Mentee đặt câu hỏi giao lưu cùng nhóm tác giả sách “Nhà cố vấn khởi nghiệp”
Theo ông Mai Hữu Tài – Ủy viên Ban chấp hành Hội đồng, Chủ tịch HĐQT Công ty Đi cho biết: “Để khởi nghiệp thành công, các Mentee cần hội đủ 5 yếu tố: lòng trắc ẩn để tạo động lực sáng tạo; tinh thần dám dấn thân không ngại khó, không ngại khổ; khả năng thích nghi, ứng biến với mọi hoàn cảnh; khả năng lãnh đạo; tư duy sáng tạo”.
Là người có nhiều năm gắn bó với mentoring, tham gia làm Mentor cho nhiều dự án của sinh viên trong và ngoài Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, ThS. Huỳnh Hồng Mai cũng khẳng định về giá trị mà cuốn sách Nhà cố vấn khởi nghiệp mang lại. Với văn phong gần gũi thông qua các mẩu đối thoại qua lại giữa Mentor là người giàu kinh nghiệm và Mentee – người muốn khởi nghiệp, “Nhà cố vẫn khởi nghiệp” không chỉ đơn thuần là cuốn sách tư vấn về khởi nghiệp sáng tạo, mà còn là một tác phẩm truyền động lực, khơi dậy niềm đam mê và khát vọng khởi nghiệp cho các bạn trẻ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Một số hình ảnh kết nối giữa Mentor – Mentee của các dự án tham dự Vòng chung kết cuộc thi “Sinh viên với Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo NTTU năm 2024”
Tin bài: Thanh Hương
Ảnh: Ban Media